|
Vườn dừa đang cho trái. Ảnh: H.Vũ |
UBND huyện Giồng Trôm vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre, Công ty Cổ phần Chế biến chỉ xơ dừa 25/8, Công ty Phân bón Hiệp Thanh và xã Châu Bình triển khai hợp phần 2 - Dự án liên kết 4 nhà về sản xuất, chế biến xuất khẩu dừa.
Đây là hợp phần chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng dừa, cải thiện năng suất và phát triển mô hình thâm canh tổng hợp vườn dừa, gồm các bước: tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa tùy theo điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng và triển khai phương thức cung ứng vật tư kỹ thuật cho Dự án.
Ông Nguyễn Văn Quới – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, tham gia Dự án này về lâu dài, nông dân hoàn toàn có lợi, có quyền lựa chọn nơi tiêu thụ sản phẩm. Khi thị trường bất ổn định thì Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre và Công ty Cổ phần Chế biến chỉ xơ dừa 25/8 sẽ bao tiêu sản phẩm. Nông dân sẽ được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào mảnh vườn nhà cho năng suất cao. Công ty Hiệp Thanh sẽ cung ứng phân bón đảm bảo chất lượng, đúng theo giá cả thị trường. Hình thành tổ sản xuất liên vùng, đồng thời kết hợp các biện pháp xã hội khác về mặt quản lý Nhà nước, Công an phối hợp các ngành đoàn thể xã hội quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, vận động quần chúng đấu tranh đẩy lùi các loại tội phạm, khắc phục nạn trộm cắp, đảm bảo an ninh - trật tự địa phương.
Ông Đặng Minh Hoàng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Bình cho biết, bước đầu triển khai thực hiện Dự án có rất nhiều thuận lợi. Ban Chỉ đạo xã chỉ đạo các ngành, các đoàn thể, ấp tuyên truyền rộng rãi trong dân, tập trung những hộ có diện tích vườn dừa cho trái ổn định. Trong đó, Hội Nông dân làm nòng cốt và được nhân dân đồng tình cao. Nhân dân Châu Bình tham gia vào tổ liên kết sản xuất với tinh thần xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí: tăng thu nhập, chuyển đổi lao động, kinh tế hợp tác. Đến nay, xã đã hình thành 29 tổ sản xuất ở 9 ấp, với 1.755 hộ tham gia, diện tích 1.195ha, đạt khoảng 98% diện tích vườn dừa toàn xã.
Tại hội nghị, nông dân Châu Bình đề xuất nhiều mô hình thâm canh như trồng xen bưởi da xanh, chanh, ca cao, chuối, nuôi xen gà thả vườn, tôm càng xanh, ong mật…, trong vườn dừa. Đây là các loại vật nuôi, cây trồng đang phát triển tốt ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Quới chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện chuẩn bị kinh phí, phối hợp với các ngành, đơn vị và Công ty Hiệp Thanh tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, đảm bảo đúng đối tượng, nhu cầu và hiệu quả. Dự án này sẽ góp phần quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới ở Châu Bình. Có thể nói, đây là nhiệm vụ trung tâm trong 19 tiêu chí, giải quyết được các tiêu chí 10, 11, 12, 13 và góp phần thực hiện các tiêu chí về phát triển hạ tầng, nguồn lực đóng góp từ nhân dân khi kinh tế ổn định và phát triển.