|
Vườn bưởi da xanh hơn 12 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Đông. |
Không phải khi cây dừa rớt giá thì cây bưởi da xanh mới có dịp định hình trên vùng đất Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc), mà ngay từ những năm 2000, bà con làm vườn ở xã đã ưa thích loại cây này.
Hiện tại, ông Nguyễn Văn Đông - ấp Tân Long II có vườn bưởi da xanh chuyên với hơn 5 công, hay ông Nguyễn Văn Sốt cũng ngụ cùng ấp, có vườn bưởi gần 10 năm tuổi, cũng gần 5 công đất. Ông Nguyễn Văn Sốt cho biết: Đây là thời vàng son của cây bưởi da xanh, cứ một xe máy chở bốn giỏ xách lớn là nhà vườn có thu nhập khoảng sáu triệu đồng…
Hôm tôi đến trùng dịp Câu Lạc bộ (CLB) Bưởi da xanh của xã đang họp lệ kỳ tháng. Các bác, các chú trong CLB đều có mặt đông đủ. Mỗi khi CLB họp đều có các anh em ở Trung tâm Khuyến nông huyện và có cả nhà doanh nghiệp. Anh Nguyễn Văn Dũng - cán bộ khuyến nông, khuyến ngư xã cho biết: Đây là một mô hình kinh tế đang được UBND xã chú trọng, ngoài việc liên kết các nhà vườn, còn có sự hỗ trợ nhiệt tình của Trung tâm Khuyến nông huyện về khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp hỗ trợ về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (bán phân cho bà con với giá gốc, cuối vụ mới thu tiền). Cuộc họp tháng 10 vẫn với chủ đề của tháng trước, nhà vườn và “nhà khoa học” đang bàn sôi nổi để tìm giải pháp nào chặn đứng bệnh thối trái bưởi do “con sâu hồng” gây nên. Có bác bảo nên dùng thuốc bảo vệ thực vật, có bác bảo không được vì CLB ta đang chuẩn bị vào VietGAP? Có bác đề nghị, tất cả nhà vườn treo long não thử xem hiệu quả như thế nào, hoặc có thể phun xịt dầu khoáng (chất như nhựa để bảo vệ trái, vô hại với kiến vàng và con người). Anh Nguyễn Sĩ Liêm - cán bộ khuyến nông huyện kết luận: “Bây giờ là mùa mưa, bệnh này rất dễ phát sinh, đặc biệt bệnh này rất khó trị. Giải pháp hữu hiệu nhất được bà con trồng bưởi áp dụng hiện nay là treo long não ở vườn bưởi. Bà con ta phải áp dụng đồng loạt, cần tập trung làm vệ sinh vườn bưởi cho sạch. Song song đó, vẫn áp dụng các biện pháp khác. Tôi hy vọng đến kỳ họp sau, bà con ai cũng phát biểu về việc áp dụng biện pháp này, kết quả thế nào để chúng ta bàn tính tiếp”.
CLB hiện có 33 thành viên, hoạt động khá ổn định, đều đặn vào ngày 8 hàng tháng. Các thành viên trong CLB đều có diện tích đất trồng chuyên bưởi da xanh từ 2 công trở lên. Trong số các thành viên, phải kể hộ ông Nguyễn Văn Sốt và ông Nguyễn Văn Đông - ấp Tân Long II, được xem như là những nhà vườn kiểu mẫu, có sự đầu tư và thu nhập lớn. Ông Nguyễn Văn Sốt cho biết, chỉ mới thu hoạch hơn ba tháng nay, bưởi chưa rộ lắm nhưng đã thu vào được hơn 60 triệu đồng. Đối với ông Nguyễn Văn Đông thì “khiêm tốn” hơn, ông không cho biết là thu nhập được bao nhiêu. Ông Lê Văn Linh - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, ông Đông mới là “vua” bưởi da xanh của xã. Thu nhập của gia đình ông khoảng vài chục triệu đồng/tháng. Vườn bưởi da xanh nhà ông Đông đã hơn 12 năm tuổi, đang cho trái rất sai. Ông Đông cho biết, gia đình đang chuẩn bị loại bỏ một số cây kém chất lượng, một số cây tạp để chuẩn bị trồng mới vài chục gốc bưởi da xanh.
“Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, mới đây, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đã hỗ trợ cho CLB bưởi da xanh của xã 300 triệu đồng để đầu tư cho vườn bưởi…”
(Ông Nguyễn Văn Dũng - cán bộ Khuyến nông - Khuyến ngư xã). |
Với nhu cầu thực tế của bà con nhà vườn, trong tháng 9 vừa qua, UBND xã Tân Thành Bình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đưa giống về cho bà con trồng mới gần 60ha bưởi da xanh (trồng chuyên và xen trong vườn dừa), nâng diện tích bưởi da xanh của địa phương lên 135ha. Điều này góp phần vào thực hiện thành công Dự án 10.000ha bưởi da xanh của tỉnh trong thời gian tới.