Tự làm đê ngăn mặn bảo vệ cây trồng

14/05/2012 - 08:17

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, trên sông Hàm Luông, độ mặn 4‰ đã xâm nhập đến địa phận xã Sơn Phú (Giồng Trôm) - Phú Nhuận (TP. Bến Tre). Nhưng điều thú vị là 14 công đất trồng dừa của ông Huỳnh Văn Em, ở ấp 2B, xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm) nằm cạnh sông Hàm Luông vẫn được tưới nước ngọt, dừa phát triển xanh tươi, trái sai.

Ông Huỳnh Văn Em cho biết, mỗi ngày ông đều ra vườn dừa để nhặt rác rơi xuống mương vườn. Nước trong mương vườn luôn trong và sạch, không chỉ dùng để tưới cây mà còn được bơm lên hồ chứa và dùng hóa chất xử lý khử trùng để phục vụ sinh hoạt gia đình. Ông Em nhớ lại: Trước đây, vùng đất này trũng thấp, vào thời điểm nước thượng nguồn đổ về mạnh kết hợp triều cường thì cây trồng thường xuyên bị ngập. Để khắc phục tình trạng trên, ông Em dùng ghe lấy đất bãi bồi ven sông chở vào đắp đê bao cục bộ, ngăn không cho nước từ sông Hàm Luông tràn vào. Cách đây hơn 4 năm, điều kiện gia đình khấm khá, ông trang bị phương tiện khai thác cát sông. Những hôm không bơm cát thuê, ông bơm đất vào  vườn nhà để vừa gia cố đê bao vừa nâng độ cao vườn dừa nhằm ngăn mặn, trữ ngọt.

Giữa những ngày khô hạn và mặn, nhiều loại cây trồng vẫn được “tắm” nước ngọt.

Hàng năm, khi nước mặn theo sông Hàm Luông vào đất liền gần đến khu vực diện tích đất của mình, ông Em lấy nước ngọt vào đầy mương vườn rồi đóng cống lại để trữ nước. Cứ 10 - 15 ngày, lúc nắng nóng oi bức, ông dùng máy bơm phun nước từ gốc đến ngọn để “tắm mát” cho cây dừa kết hợp với việc bón phân hàng tháng. Ngồi trong căn nhà tường được xây dựng khá khang trang, ông chỉ tay ra bờ dừa phía trước và nói: Mỗi bờ đều rộng 10 mét, được bố trí trồng hai hàng dừa, cây cách cây 7 mét. Cây trồng được bón phân hợp lý kết hợp với tưới nước ngọt nên lá dừa xanh tươi, trái sai. Ông Em trồng giống dừa dâu nên thu hoạch trái dừa tươi để uống nước hay dừa khô đều được. Gần đây, trái dừa khô rớt giá, ông chuyển sang thu hoạch dừa tươi, với giá 55 ngàn đồng/chục (12 trái). Từ việc đắp đê ngăn mặn xâm nhập, trữ nước ngọt, kết hợp với cách chăm sóc hợp lý, giống dừa dâu trồng trong vườn của ông Em cho thu hoạch trái quanh năm, mỗi buồng trung bình 18 trái. Trong 14 công đất trồng dừa, hiện có phân nửa diện tích cho trái ổn định. Vào thời điểm dừa “treo”, ông thu hoạch được 1,5 thiên dừa (1.200 trái/thiên) và thời điểm thuận thu hoạch 3 thiên dừa.

Mô hình đắp đê bao ngăn mặn và trữ nước ngọt đảm bảo sự phát triển và ổn định năng suất cây trồng của ông Em đem lại hiệu quả thiết thực. Hai hộ dân đất liền kề cũng tiến hành làm đê bao cục bộ gắn vào đê bao của ông Em rồi nhân rộng dần. Hiện có hơn 10 hộ nằm ven sông Hàm Luông thuộc ấp 2B, xã Thạnh Phú Đông đã gắn kết hình thành tuyến đê bao ngăn mặn cục bộ.

Những năm gần đây, mặn trên các sông chính xâm nhập vào đất liền ngày càng sâu, độ mặn cao, đe dọa sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Trong khi đó, cây trồng đem lại nguồn thu chính, ổn định cuộc sống gia đình nên người thụ hưởng phải tìm cách bảo vệ và chăm sóc hợp lý - ông Huỳnh Văn Em bộc bạch.

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích