Văn thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu - góc nhìn từ phía Triều đình Huế

01/06/2022 - 05:32

Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ảnh: ST

Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ảnh: ST

Thơ văn yêu nước nói chung - Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nói riêng của Nguyễn Đình Chiểu là một hiện tượng độc đáo trong văn học Nam Bộ, văn học Việt Nam giai đoạn giữa thế kỷ XIX. Nói độc đáo bởi Nguyễn Đình Chiểu là người đầu tiên đưa hình tượng nhân dân - những người chỉ biết “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó” chẳng hề “quen cung ngựa”, đâu tới “trường nhung”. Những người “chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ”, “việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm/ tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó” vào văn chương, tạc nên bản anh hùng ca bất hủ về “những người dân ấp dân lân” bằng tấm lòng yêu nước nồng nàn, bằng lòng căm thù giặc sâu sắc mà “xông lên, liều mình như chẳng có” để “đốt nhà dạy đạo, chém đầu quan hai” chỉ bằng “rơm con cúi và một lưỡi dao phay”.

Bước đột phá trong quan điểm sáng tác và nghệ thuật văn tế bậc thầy của Nguyễn Đình Chiểu thông qua bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc luôn được đề cao, trân trọng, cảm phục, lan tỏa không chỉ trong tất cả các giai đoạn lịch sử, mà còn đọng mãi trong tâm tưởng của các tầng lớp nhân dân. Đó là sự thật hiển nhiên không có gì bàn cãi.

Với logic đó, chúng ta luôn quen với nhận thức rằng: Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của nhân dân, được nhân dân tôn vinh, được nhân dân yêu quý, được nhân dân trân trọng. Và dường như, Nguyễn Đình Chiểu không hề có ảnh hưởng gì đến giới thượng lưu, giới tinh hoa của Nhà nước chính thống đương thời: Triều đình Huế!

Vậy thực tế lịch sử thế nào?

Đọc lại quyển “Nguyễn Đình Chiểu toàn tập” của nhóm tác giả: Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Thạch Giang (phần Thơ, Văn tế - tập hai) và một số tư liệu lịch sử liên quan đến hoàn cảnh ra đời của bài văn tế này, chúng ta sẽ có thêm nhiều thông tin lý thú hơn về tầm ảnh hưởng của Nguyễn Đình Chiểu đến triều đình Huế. Hay nói cách khác, Nguyễn Đình Chiểu là người như thế nào trong con mắt của triều đình?

Trước tiên cần nhắc lại đôi chút về hoàn cảnh sáng tác bài văn tế.

Sách “Nguyễn Đình Chiểu toàn tập” viết: Bài tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong văn được chép trong quyển “Gia lễ” của Huỳnh Tịnh Paulus, in tại Sài Gòn 1866 với nhan đề “Văn tế vong hồn mộ nghĩa”. Trên bài văn tế có mấy lời tiểu dẫn bằng chữ Hán đại ý:

“Đêm rằm tháng mười một, năm Tự Đức thứ mười bốn, thống quản Bùi Quang Mỗ đốc suất dân nghĩa binh đến Cần Giuộc đánh phá huyện của Tây, đốt được nhà thờ, nhà giảng của chúng, đâm trúng tri huyện Pháp cùng với một số lính Chà và, Ma ní. Nghĩa binh chết trận gồm mười lăm người. Nhờ Tú tài Nguyễn Đình Chiểu làm bài văn phụ tế”.

Trích dẫn tiếp: Ông Lê Thọ Xuân trong: “Nam kỳ tuần báo” số ra ngày 26-6-1904 cũng có viết: “Năm này, ngày 13 tháng 11 annam (14-12-1861), cả ba xứ Cần Giuộc, Tân An, Gò Công bị Bonard đánh úp. Hai hôm sau, nhân đêm rằm, nghĩa binh ba xứ nhứt tề ứng khởi… Sau trận này, Đỗ Quang dạy Bùi Quang Diệu điếu tế nghĩa quân tử trận, vì vậy mà có bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Bài này chẳng những chỉ dạy chạy cùng miền Cần Giuộc mà còn bay khắp cả các tỉnh trong nước do Bộ Lễ ở Huế truyền đi”.

(Trong các đoạn trích trên có một số chi tiết lịch sử và nhân vật cần làm rõ: Một là, số nghĩa quân chết trận (có tài liệu ghi là 27 chứ không phải 15). Hai là, Bùi Quang Mỗ chính là Bùi Quang Diệu, tức Đốc binh Là. Ở đây có thể khác nhau do cách phiên âm chữ Hán).

Đối chiếu lại lịch sử kháng Pháp thời cận đại, những thông tin trên khá chính xác. Bùi Quang Diệu, tục gọi Đốc binh Là, quê làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Ông nguyên là Cai tổng Cần Giuộc, tỉnh Long An, có lòng yêu nước. Khi giặc Pháp xâm chiếm Gia Định, ông tham gia chiến đấu trong hàng ngũ nghĩa quân nên được cử làm thống binh. Chính ông đã chỉ huy trong trận Cần Giuộc vào đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu (16-12-1861). Đêm ấy, nghĩa quân ở ba nơi Cần Giuộc, Tân An, Gò Công nhất tề tấn công quân Pháp. Ông trực tiếp chỉ huy nghĩa quân Cần Giuộc dũng cảm chiến đấu tại khu chợ Trường Bình.

Trong trận này, nghĩa quân hy sinh 27 người. Ông nhận lệnh của tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang tổ chức lễ truy điệu để tưởng nhớ các liệt sĩ, đồng thời khích lệ quân dân. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc do Nguyễn Đình Chiểu soạn được đọc trong lễ này, gây xúc động vô cùng.

Như vậy, có thể khẳng định, về mặt hành chính, lễ truy điệu và bài văn tế không phải tự phát mà có sự chỉ đạo hẳn hoi. Đặc biệt, bài văn tế sau đó được chỉ đạo phổ biến (dạy chạy) không chỉ ở Cần Giuộc mà còn đi khắp các tỉnh do bộ Lễ (tức cấp Trung ương) truyền lệnh. Nó không chỉ có tầm ảnh hưởng và gây xúc động vô cùng ở cấp địa phương mà khi đọc bài văn tế này, giới tinh hoa - những ông hoàng, bà chúa có lòng yêu nước, có tinh thần dân tộc ở kinh thành cũng rất cảm động.

Sách “Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tập hai” viết tiếp: Bấy giờ, Miên Thẩm (Tùng Thiện Vương) và em của ông là bà Mai Am, khi đọc văn tế, có thơ đề cảm như sau:

(Trước khi trích dẫn phần thơ đề cảm, xin được nói một chút về thân thế và sự nghiệp của hai nhân vật này). Miên Thẩm - tức Nguyễn Phúc Hiện - là con trai thứ 10 và Mai Am - tức Nguyễn Phúc Trinh Thận - là con gái thứ 25 của vua Minh Mạng. Mẹ là bà Phúc Tần Nguyễn Thị Bửu, một trong những người vợ của Minh Mạng, quê ở Gia Định. Cả hai đều là thi sĩ nổi tiếng giàu lòng yêu nước, thương dân, ưu thời mẫn thế dưới thời nhà Nguyễn. Miên Thẩm được vua Tự Đức truy phong đến chức Tùng Thiện Vương, còn nữ danh sĩ Mai Am từng được xếp vào hàng Nguyễn Triều Tam Khanh cùng với Nguyệt Đình và Huệ Phố.

Dưới đây là hai bài thơ đề cảm ở trên.

Bài của Miên Thẩm: “Độc Nguyễn Đình Chiểu điếu nghĩa dân tử trận quốc ngữ văn”: Chiến trường hựu bả điếu văn khai/ Táp đạp biên thanh nhất nhất lai/ Quốc ngữ danh tề Manh Tả sử/ Quỷ hùng ca đáo Khuất Bình ai/ Yết can trảm mộc kham thiên cổ/ Oán hạc đề viên tính kỷ hồi/ Chí cánh thư sinh không bút trận/ Báo quân chỉ thử diệc bi tai.

Dịch nghĩa: “Đọc bài văn quốc ngữ điếu nghĩa dân tử trận của ông Nguyễn Đình Chiểu”: Lại cầm bài văn điếu chiến trường mở ra đọc/ Như nghe tiếng dồn dập từ biên giới mồn một đưa về/ Tiếng văn quốc ngữ của ông nổi ngang với Tả khâu Minh mắt mù làm sử/ Lời ca quỷ hùng của ông bằng được Khuất Nguyên điếu các người tử trận/ Nghĩa dân cầm sào làm cờ đẳn gỗ làm giáo anh dũng sánh với ngàn xưa/ Mà đã thành con vượn kêu con hạc oán bấy lâu nay/ Đến như người thư sinh dùng bút đánh giặc/ Báo ơn vua chỉ ngần ấy cũng khá thương lắm thay.

Bài của Mai Am: “Độc điếu nghĩa dân tử trận văn”: Điếu văn tam phục trụng đê hồi/ Nghị phách từ phong tẫn khả ai/ Xích tử Cần vương năng địch khái/ Thư sinh dụng võ tích phi tài/ Yên mê chiến lũy Tây nhung mãn/ Nguyệt lãnh sa trường bạch cốt đôi/ Quốc ngữ nhất thiên truyền bất hủ/ Tuyệt thăng Quảng Hán yểm khô hài.

Dịch nghĩa “Cảm tác nhân đọc bài văn tế nghĩa dân chết trận”: Đọc bài văn điếu ba lần dạ bồi hồi khôn xiết/ Nghĩa khí mạnh lời văn hùng thật đáng xót thương/ Người con đỏ lo Cần vương tỏ lòng căm hờn giặc/ Kẻ học trò lo dụng võ tiếc mình không đủ tài/ Mây mịt mờ nơi chiến lũy đầy giặc tây/ Trăng lạnh soi chốn sa trường phơi đống xương trắng/ Một bài văn quốc ngữ truyền mãi không quên/ Hơn việc thái thú Quảng Hán xây mồ chôn cất hài cốt khô.

Đọc hai bài thơ đề cảm của hai bậc “hoàng thân quốc thích”, có thể cảm nhận được rằng, bài điếu văn của Nguyễn Đình Chiểu đâu chỉ sống trong lòng nhân dân mà dường như đã lan tỏa, tạo được sự đồng cảm sâu xa trong tâm hồn của giới tinh hoa chính thống. Họ cũng cảm động, cũng thán phục, cũng ngợi ca như chúng ta. Họ cũng nói Nguyễn Đình Chiểu “dùng bút đánh giặc”, họ cũng nói “đây là bài văn quốc ngữ truyền mãi không quên”: họ cũng đọc nhiều lần và lần nào “trong dạ cũng bồi hồi khôn xiết”.

Như vậy, phải chăng thêm một góc nhìn, thêm một sự cảm nhận của những người yêu nước, thương dân, có tinh thần dân tộc trong triều đình Huế đối với văn thơ của ông, đã làm cho Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ lớn của nhân dân vốn đã lớn, càng lớn hơn trong tầm vóc của mình.

Võ Thành Hạo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN