Một góc Khu di tích lịch sử Cây Da đôi vừa mới trùng tu, tôn tạo.
Ghi dấu lịch sử cách mạng
Tân Xuân nằm ven sông Ba Lai, cách thị trấn Ba Tri khoảng 12km. Người dân nơi đây có truyền thống yêu nước sâu sắc. Từ năm 1927, phong trào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội phát triển mạnh ở Tân Xuân, là địa bàn và tiền đề cho sự ra đời của tổ chức Đảng. Đầu tháng 4-1930, nhóm Thanh niên Cách mạng đồng chí hội của xã Tân Xuân được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối tháng 4-1930, đội ngũ đảng viên trong xã có 10 người. Nhận thấy đủ điều kiện để thành lập chi bộ, đồng chí Nguyễn Văn Ân đã thay mặt Tỉnh ủy lâm thời Bến Tre - Mỹ Tho lúc bấy giờ đứng ra thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương xã Tân Xuân - chi bộ được thành lập đầu tiên ở Bến Tre.
Ngay khi mới thành lập, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5, vào chiều tối cùng ngày, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương xã Tân Xuân quyết định tổ chức mít-tinh tại ngã ba Cây Da đôi ở ấp Tân Hòa, với trên 200 quần chúng trong xã và nhiều xã lân cận tham dự. Cuộc mít-tinh sau đó đã trở thành cuộc biểu tình tuần hành biểu dương lực lượng. Cuộc biểu tình đầu tiên đó đã thành công, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng trong nhân dân. Từ chi bộ đầu tiên, các chi bộ khác cũng lần lượt ra đời và phát triển thành Đảng bộ tỉnh Bến Tre.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Quốc Phong cho biết, tại điểm ngã ba Cây Da đôi và nhà ông Nguyễn Văn Cung đã được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1997. Đến năm 2006, tại đây đã xây dựng ngôi nhà trưng bày giới thiệu sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh. Năm 2017, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 4785 về xây dựng, tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa và các sản phẩm văn hóa chào mừng các ngày lễ lớn từ năm 2017 - 2020. Trong đó, có việc trùng tu, nâng cấp di tích lịch sử văn hóa nhà ông Nguyễn Văn Cung và ngã ba Cây Da đôi. Đây là một trong những công trình thiết thực chào mừng 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi.
Công trình từ sự đồng lòng góp sức
Công trình gồm xây dựng mới Nhà trưng bày, cải tạo mở rộng Nhà truyền thống, mở rộng mặt bằng, xây dựng mới sân lễ phía trước nhà trưng bày, cải tạo bia tưởng niệm và một số hạng mục khác… Công trình được xây dựng trên khu đất hiện hữu với diện tích 8.100m2, tổng kinh phí 14,757 tỷ đồng, trong đó cán bộ, đảng viên đóng góp 7 tỷ đồng, phần còn lại ngân sách tỉnh hỗ trợ.
Từ sáng sớm, ông Huỳnh Văn Thành, một cán bộ lão thành cách mạng ở Ba Tri phấn khởi cho biết: Trùng tu lại khu di tích Cây Da đôi là vô cùng quý báu, nhưng có lẽ điều đáng trân trọng nhất là có sự đóng góp rất lớn của nhiều cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh.
Đảng viên trẻ Nguyễn Văn Thanh ở Tân Xuân cho rằng, công trình trùng tu, nâng cấp Di tích lịch sử Cây Da dôi đã hoàn thành làm nức lòng mong mỏi của nhiều cán bộ, đảng viên ở địa phương. Công trình không chỉ thể hiện dấu ấn lịch sử nơi ra đời của chi bộ Đảng đầu tiên ở Bến Tre mà còn có ý nghĩa sâu sắc nhằm giáo dục thế hệ trẻ truyền thống lịch sử của Đảng bộ tỉnh nhà. Càng có ý nghĩa hơn, công trình ngoài ngân sách nhà nước đầu tư còn có sự chung tay góp sức của hàng ngàn đảng viên trong tỉnh. Tôi mong rằng công trình sẽ được bảo quản, khai thác có hiệu quả về mặt di tích lịch sử để tỉnh có thêm một địa chỉ mới trong tham quan du lịch.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Xuân Võ Văn Tòng cho biết, đây sẽ là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ mai sau phát huy, gìn giữ, noi theo gương các anh, các chú đã đi trước. Đảng bộ xã cũng xem đây là nơi để cán bộ, đảng viên tự hào, phát huy, gìn giữ và tiếp tục cố gắng rèn luyện, phấn đấu để xứng đáng với nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh.
Bài, ảnh: Thu Huyền