Khánh thành Di tích Cây Da đôi và nhà làm việc của Nữ tướng Nguyễn Thị Định

16/05/2020 - 13:09

BDK.VN - Chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2020) gắn với sự kiện 109 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2020), sáng ngày 16-5-2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ khánh thành công trình trùng tu, nâng cấp Di tích lịch sử văn hóa nhà ông Nguyễn Văn Cung và Ngã ba Cây Da đôi - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở xã Tân Xuân, huyện Ba Tri. Đồng thời khánh thành nhà làm việc của Nữ tướng Nguyễn Thị Định tại Khu lưu niệm, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm.

Cắt băng khánh thành Nhà làm việc Nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Cắt băng khánh thành Nhà làm việc Nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Đến dự có Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo chính quyền địa phương và đông đảo cán bộ, đảng viên.

Ngã ba Cây Da đôi và nhà ông nguyễn Văn Cung đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997. Đến năm 2006, tại đây cũng đã xây dựng nhà trưng bày giới thiệu sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Bến Tre.

Năm 2017, UBND tỉnh đã có kế hoạch số 4785 về xây dựng, tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa và các sản phẩm văn hóa chào mừng các ngày lễ lớn từ năm 2017-2020. Trong đó, có việc trùng tu, nâng cấp Di tích lịch sử văn hóa nhà ông Nguyễn Văn Cung và Ngã ba Cây Da đôi - Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Bến Tre. Đây cũng là một trong những công trình thiết thực chào mừng 60 năm ngày Bến Tre Đồng khởi.

Công trình gồm: Xây dựng mới nhà trưng bày, cải tạo mở rộng nhà truyền thống, mở rộng mặt bằng, xây dựng mới sân lễ phía trước nhà trưng bày, cải tạo bia tưởng niệm và một số hạng mục khác… Công trình được xây dựng trên khu đất hiện hữu có diện tích 8.100m2 với tổng kinh phí 14,757 tỷ đồng, trong đó cán bộ, đảng viên đóng góp 7 tỷ đồng, phần còn lại ngân sách tỉnh hỗ trợ.

Công trình nhà làm việc của Nữ tướng Nguyễn Thị Định được phục dựng với tỷ lệ 8/10 theo nguyên mẫu. Chất liệu bằng bê tông cốt thép và sắt tráng kẽm được tạo hình dáng như gỗ. Công trình được triển khai khảo sát, thiết kế thi công bằng nguồn vốn hỗ trợ của Công ty TNHH Xây dựng Việt Long, TP. Hồ Chí Minh, với tổng kinh phí 500 triệu đồng, được thi công trong thời gian 35 ngày.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trương Quốc Phong cho rằng: Mỗi công trình lịch sử văn hóa đều mang những giá trị, ý nghĩa riêng, lưu lại cho hậu thế những bài học, những tấm gương danh nhân của quê hương, đất nước. Công trình Di tích Cây Da đôi còn có ý nghĩa đặc biệt hơn đó là nơi khơi nguồn để Đảng bộ Bến Tre trưởng thành và lớn mạnh như hôm nay. Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân làm nên cuộc Đồng khởi vang dội năm 1960. Hiện nay, đảng bộ đã tiếp tục lãnh đạo phong trào thi đua “Đồng khởi mới” để quê hương không ngừng thay da đổi thịt, từng bước đi lên.

                                                            Tin, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN