Di tích Cây Da đôi

Nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên

01/05/2020 - 08:42

BDK - Theo dòng lịch sử, Đảng bộ Bến Tre đã lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà cùng với cả nước thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, giành độc lập cho dân tộc. Trong đó, một trong những dấu mốc quan trọng của tổ chức Đảng là sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh vào ngày 1-5-1930, tại ngã ba Cây Da đôi thuộc xã Tân Xuân, huyện Ba Tri. Vị trí ấy nay đã trở thành một trong những di tích lịch sử văn hóa của tỉnh, được trùng tu xây dựng để giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Đẩy nhanh tiến độ thi công Công trình trùng tu, nâng cấp Di tích Cây Da đôi, xã Tân Xuân (Ba Tri). Ảnh: Tô Hân

Đẩy nhanh tiến độ thi công Công trình trùng tu, nâng cấp Di tích Cây Da đôi, xã Tân Xuân (Ba Tri). Ảnh: Tô Hân

Sự kiện ngày 1-5-1930

Tân Xuân là một xã thuộc cù lao Bảo, nằm ven sông Ba Lai, cách thị trấn Ba Tri khoảng 12km. Theo tài liệu Di tích lịch sử văn hóa tỉnh, nhân dân Tân Xuân vốn có truyền thống yêu nước sâu sắc, là môi trường thuận lợi cho các phong trào cách mạng phát triển. Từ năm 1927, phong trào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội phát triển mạnh ở tỉnh, là tiền đề cho sự ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản.

Qua xem xét các điều kiện, đồng chí Nguyễn Văn Ân - thành viên của Ban Cán sự Tỉnh ủy lâm thời Bến Tre - Mỹ Tho (giai đoạn 1930) đã chọn xã Tân Xuân, huyện Ba Tri là nơi gầy dựng cơ sở Đảng đầu tiên. Đầu tháng 4-1930, nhóm Thanh niên cách mạng đồng chí hội của xã Tân Xuân được kết nạp vào tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương.

Đến cuối tháng 4-1930, đội ngũ đảng viên trong xã có 10 người. Nhận thấy đủ điều kiện để thành lập một chi bộ, đồng chí Nguyễn Văn Ân đã thay mặt Tỉnh ủy lâm thời Bến Tre - Mỹ Tho đứng ra thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương xã Tân Xuân - Chi bộ được thành lập đầu tiên ở Bến Tre.

Ngay khi mới vừa thành lập, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930, vào chiều tối cùng ngày, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương xã Tân Xuân quyết định tổ chức cuộc mít-tinh tại ngã ba Cây Da đôi ở ấp Tân Hòa, xã Tân Xuân, với hơn 200 quần chúng trong xã và các xã tham dự. Đồng chí Trần Văn An - Bí thư Chi bộ Đảng đứng lên đọc lời hiệu triệu, vạch rõ tội ác của bọn thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai, vận động quần chúng đứng lên chống Pháp. Lá cờ đỏ búa liềm bay phấp phới trên ngọn Cây Da đôi. Cuộc mít-tinh sau đó trở thành cuộc biểu tình tuần hành biểu dương lực lượng.

Cuộc biểu tình đầu tiên ấy đã thành công tốt đẹp, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng trong nhân dân, chứng tỏ đường lối của Đảng là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Từ chi bộ Đảng đầu tiên, những chi bộ Đảng Cộng sản khác lần lượt hình thành và phát triển thành Đảng bộ tỉnh Bến Tre.

Dấu ấn di tích

Ngã ba Cây Da đôi đã đi vào lịch sử và được xem là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bến Tre. Năm 1986, một tấm bia bằng xi-măng được dựng tại ngã ba để kỷ niệm sự kiện trọng đại này.

Địa điểm ngã ba Cây Da đôi và nhà ông Nguyễn Văn Cung (nơi tổ chức cuộc họp thành lập chi bộ) đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1997. Đến năm 2006, tại đây đã xây dựng ngôi nhà trưng bày giới thiệu về sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh.

Tường rào Khu di tích Cây Da đôi đã được được nâng cấp. Ảnh: A. Nguyệt

Tường rào Khu di tích Cây Da đôi đã được được nâng cấp. Ảnh: A. Nguyệt

Năm 2017, UBND tỉnh có Kế hoạch số 4785 về xây dựng, tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa và các sản phẩm văn hóa chào mừng các ngày lễ lớn từ năm 2017 - 2020, trong đó có việc trùng tu, nâng cấp Di tích Cây Da đôi (tổng mức đầu tư hơn 14,7 tỷ đồng). Đây cũng là một trong những công trình thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 Công trình được khởi công ngày 26-8-2018. Đến nay, công trình đã hoàn thành hơn 90% khối lượng phần việc, có các hạng mục: cải tạo, mở rộng nhà truyền thống, xây nhà trưng bày, cổng tường rào, sân đường nội bộ, sân lễ, hệ thống thoát nước, hồ nước sinh hoạt… Dự kiến, ngày 18-5-2020, di tích sẽ được cắt băng khánh thành đưa vào sử dụng (cùng ngày đưa vào sử dụng với phần di tích phục dựng nơi ở và làm việc của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm).

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Quốc Phong cho biết: Công trình di tích Cây Da đôi có một ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh nhà. Trong nguồn kinh phí theo chủ trương của Tỉnh ủy là sử dụng gần 50% do sự đóng góp của cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh để đầu tư cho công trình này. Cùng với các chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác 19-5, cũng sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng phần di tích phục dựng nơi ở và làm việc của Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Việc đầu tư xây dựng 2 công trình này tạo điểm đến phục vụ du khách tham quan du lịch, thông qua đó giáo dục truyền thống cách mạng của người Bến Tre cho các thế hệ. Sau khi đưa vào sử dụng, Ban Quản lý di tích có trách nhiệm sẽ tiếp tục giữ gìn, phát huy các giá trị của các di tích đạt hiệu quả.

Điểm đặc biệt trong lần trùng tu, nâng cấp Di tích Cây Da đôi là có sự đồng lòng đóng góp của toàn thể cán bộ, đảng viên trên toàn tỉnh để cùng hướng về nơi cội nguồn thiêng liêng của Đảng bộ tỉnh. Cụ thể như sự đóng góp của các đơn vị: Huyện ủy, Thành ủy của 9 huyện, thành phố, Đảng ủy Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Quân sự tỉnh và Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh.

Mỗi một công trình lịch sử văn hóa đều mang những giá trị, ý nghĩa riêng, lưu lại cho hậu thế những bài học, những tấm gương danh nhân của quê hương đất nước. Với Di tích cây Da đôi lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là khởi nguồn thành lập và phát triển của Đảng bộ tỉnh Bến Tre - quê hương Đồng Khởi. Qua từng giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển quê hương, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự đoàn kết đồng lòng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh, mảnh đất ba dải cù lao của xứ Dừa đã không ngừng “thay da đổi thịt” từng bước đi lên.

Ánh Nguyệt

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN