Viết tiếp câu chuyện “Đồng khởi mới”

16/01/2019 - 08:27

Sản xuất hoa kiểng là một trong những thế mạnh của nông nghiệp huyện Chợ Lách. Ảnh: Nguyễn Hải

Sản xuất hoa kiểng là một trong những thế mạnh của nông nghiệp huyện Chợ Lách. Ảnh: Nguyễn Hải

Nghị quyết của Đảng là kết tinh trí tuệ, tư duy lý luận với đòi hỏi, nhu cầu của thực tiễn cách mạng. Nghị quyết chỉ đáp ứng và đi vào cuộc sống khi nào thỏa mãn hai điều kiện đó. Đồng khởi năm 1960 ở Bến Tre diễn ra theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Trung ương, trở thành lá cờ đầu trong phong trào Đồng khởi toàn miền Nam, là minh chứng hùng hồn cho nguyên lý đó.

Phát huy tinh thần “Đồng khởi” năm xưa, cách đây 22 năm, Tỉnh ủy khóa VI đã phát động phong trào “Đồng khởi mới” đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy lùi nghèo nàn và lạc hậu. Bài học đó được vận dụng khá nhuần nhuyễn trong những năm gần đây với các phong trào: “Đồng khởi trữ nước ngọt”, “Đồng khởi khởi nghiệp”, “Đồng khởi xây dựng nông thôn mới”…

Kế tục tinh thần đó, xuất phát từ một thực tiễn hết sức bức xúc trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, tôi thấy cần phải đề xuất có thêm một nội dung Đồng khởi mới nữa: “Đồng khởi” chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp” để làm cuộc cách mạng thay đổi nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, sang một nền nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi giá trị, tham gia cạnh tranh và đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe của thị trường.

Nói đây là cuộc cách mạng, phải làm theo kiểu “Đồng khởi” là vì tính khó khăn và đầy lực cản của thói quen, truyền thống, tập quán lâu đời trong nông dân; cần có sự bền bỉ, kiên trì, quyết liệt, đồng bộ, đồng loạt, bắt đầu từ một vài địa phương rồi mở rộng dần dần thành phong trào chung của cả tỉnh. Nếu không làm được điều đó, thì tất cả chúng ta - từ người lãnh đạo, quản lý đến người nông dân - đều lúng túng trong vòng lẩn quẩn của những câu hỏi mà không ai trả lời được. Vì sao giá nông sản thấp, không ổn định, nay lên mai xuống? Trồng cây gì? Nuôi con gì? Vì sao cứ để lặp đi lặp lại mãi “điệp khúc nay trồng, mai chặt”? Dân bức xúc nên cứ hỏi, chính quyền trả lời không được nên cứ né tránh; khi bực dọc nhau quá thì đổ quạu, nói ngang, dẫn đến phiền hà, thậm chí mất lòng tin.

Cần phải giúp người dân hiểu rõ tất cả những điều đó, chỉ có thị trường mới trả lời được. Bây giờ giá cả nông sản là do thị trường quyết định chứ Nhà nước không thể dùng mệnh lệnh hành chính để điều chỉnh. Cái bất cập hiện nay, hay nói đúng hơn, chính xác hơn là do chính quyền chưa làm được vai trò dẫn dắt người dân tham gia vào cơ chế thị trường, còn để người dân bị loại ra khỏi “cuộc chơi thị trường”.

Thật ra thì vừa qua, chúng ta cũng đã tuyên truyền nhiều, cũng nói nhiều nhưng chủ yếu trên các diễn đàn hội họp, ngành nông nghiệp cũng làm quyết liệt nhưng chưa lan tỏa được bao nhiêu. Công tác tuyên truyền chỉ dừng lại ở những câu chữ to tát, người dân chưa hiểu, thậm chí cán bộ cũng chưa thấm hết. Phải giải thích sao cho dễ hiểu, dễ nhớ chứ không thể và không nên tuyên truyền theo kiểu tài liệu ở trên viết gì thì đem xuống đọc y nguyên. Hiện nay, ngay cả ngành nông nghiệp lẽ ra là đơn vị phải nhận ra điều này rất sớm, nhưng vẫn còn nặng nề tư duy sản xuất nông nghiệp. Vẫn lấy diện tích, năng suất, sản lượng làm mục tiêu, làm thước đo; báo cáo hàng năm vẫn tổng kết trồng dừa, trồng lúa, trồng cây ăn trái được bao nhiêu héc-ta? Thu hoạch bao nhiêu tạ, bao nhiêu tấn? Số lượng càng nhiều thì thành tích càng cao và ngược lại. Kiểu tư duy đó bây giờ đã lỗi thời, bởi sản xuất ra được nhiều nhưng không bán được, hoặc bán như cho, lỗ vốn thì thử hỏi sản xuất nhiều để làm gì? Thực tế hiện nay đang diễn ra như thế.

Vì vậy, muốn thoát khỏi tình trạng đó, dứt khoát phải thay đổi từ nhận thức đến hành động, từ người quản lý đến người dân. Bây giờ sản xuất theo nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, sản xuất cái người ta cần, người ta chuộng, chứ không phải sản xuất cái mình đang có. Sản xuất để bán, để tiêu thụ với giá cả chấp nhận được, có lãi. Sản xuất nông nghiệp phải làm ra sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, kích cỡ đồng đều, sạch, hữu cơ, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa,… chứ không phải dừng lại ở diện tích, năng suất, sản lượng.

Về nguồn tại Di tích Đồng Khởi. Ảnh: Thạch Thảo

Về nguồn tại Di tích Đồng Khởi. Ảnh: Thạch Thảo

Tất cả những cái đó, từng người nông dân, từng hộ nông dân trong cái áo chật hẹp của kinh tế hộ không thể làm được, mà phải cùng nhau tổ chức lại sản xuất, tự nguyện tham gia kinh tế hợp tác, mà chủ yếu là hợp tác xã nông nghiệp, tham gia chuỗi giá trị, sản xuất theo hợp đồng với doanh nghiệp đầu ra, tôn trọng hợp đồng, không bội tín thì mới có thể thay đổi được thực trạng khổ sở hiện nay của nền nông nghiệp và số phận người nông dân.

Bao đời nay, người nông dân chúng ta làm ăn riêng lẻ quen rồi, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy sống quen rồi. Đất đai ông bà, tổ tiên để lại gắn với con người quen rồi. Thay đổi khó lắm, nhọc nhằn lắm. Nhưng nếu không làm cho mọi người thấu cảm và đồng lòng thay đổi cách tổ chức sản xuất hướng tới thị trường để sản xuất, sản xuất lớn trong tổ chức hợp tác xã với sự dẫn dắt của doanh nghiệp thì vĩnh viễn điệp khúc “được mùa mất giá” sẽ là nỗi ám ảnh nghìn đời của người nông dân, cái nghèo, cái khó sẽ đeo đẳng mãi người nông dân.

Chúng ta phải kiên trì, bền bỉ tuyên truyền, vận động, thuyết phục, mưa dầm thấm sâu, chuyển hóa dần dần để từng bước thay đổi nhận thức, để năm, mười, hai mươi năm nữa chúng ta sẽ được một nền nông nghiệp tử tế được xây dựng bởi những người nông dân tử tế. Chỉ khi chúng ta làm được một cuộc cách mạng, một cuộc “Đồng khởi mới” như vậy thì Bến Tre mới có thể thoát khỏi nghèo nàn, tụt hậu, mới nói đến chuyện giàu có, văn minh, hiện đại được.

Võ Thành Hạo – Bí thư Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN