Quân nhân Lê Văn Phích được phong hàm tướng vào năm 2007, là vị tướng thứ 18 sinh ra từ Bến Tre. Mỗi lần kể chuyện đánh giặc trên sông thì ông tươi tắn hẳn lên như một gợi ý cho phim tài liệu truyền hình bằng thủ pháp tự sự, hoài niệm cuộc chiến với tên gọi “Tướng Lê Văn Phích – Trẻ mãi cùng dòng sông”. Phim hoàn thành khi ông sắp chia tay đồng đội, giã từ nghiệp binh.
Gặp lần đầu trong giai đoạn khảo sát, ông bộc bạch: Mỗi người có cách khác nhau để nhớ về quê hương, hoài niệm về quá khứ. Riêng tôi, mỗi lần nhìn dòng sông là tôi nhớ đến Bến Tre, nơi tuổi thơ của tôi trải qua nhiều nhọc nhằn, cơ cực, cũng là nơi tôi trở thành người lính. Dòng sông quê hương đã từng nhấn chìm biết bao tàn tích chiến tranh, nhưng cũng chính những dòng sông ấy lưu giữ mãi bao hình ảnh thủy chiến một thời của tôi và đồng đội.
Trong chiến tranh, không có đời binh nghiệp nào phẳng lặng. Với tướng Lê Văn Phích, sóng gió nhất là lúc ông chiến đấu trên sông, quần nhau với giặc ngay trên những dòng sông quê hương. Ông cùng đồng đội Đặc công thủy và Đội săn tàu nổi sóng “Bạch Đằng giang thời đại”, đánh bại chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”, đánh sập nhiều cầu sắt, cắt đứt giao thông quân sự của đối phương trong những đợt LLVT Bến Tre mở chiến dịch phản công và tiến công.
Tướng Phích tâm sự: “Tôi sinh ra bên bờ sông Hàm Luông. Thuở nhỏ, mỗi khi trèo lên ngọn dừa, tôi thấy rừng dừa ngút ngàn như ôm con sông và con sông như được bế bồng, nũng nịu khi con nước lớn. Mỗi khi trời đổ cơn mưa, gió nổi lên thì sóng nước và hạt mưa cùng nhau nô đùa, rượt đuổi nhau trên mặt sông, tuyệt vời như bức tranh thủy mặc. Cuối năm 1967, như nhiều trai tráng trong làng, tôi xung phong chuyển từ du kích sang bộ đội tập trung. Hồi đó, được đứng vào hàng ngũ vũ trang là một hãnh diện cho đời trai, không hổ thẹn với làng xóm. Do sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, tôi bơi lặn rất giỏi, nên một thời gian ngắn được tuyển vào đơn vị Đặc công thủy khi sắp nổ ra chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Tôi tự hào có mặt trong đoàn quân giải phóng anh hùng, hành quân chiến đấu dưới rừng dừa ngút ngàn của quê hương”.
Vào bộ đội chưa lâu, chiến sĩ Lê Văn Phích được ban chỉ huy tin tưởng giao nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu, đề xuất phương án đánh đoàn tàu 4 chiếc, trong đó có một tiểu pháo hạm Mỹ đóng chốt ở cầu Chẹt Sậy. Đêm đêm, ông ngâm mình nhiều giờ liền ở dưới sông để điều nghiên mục tiêu cần dứt điểm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vào chiến dịch, ít khi bộ đội Đặc công thủy ở trên bờ. Dòng nước bạc che chở họ như một thứ áo giáp mềm hữu hiệu.
Tháng 11 năm 1968, để chuẩn bị cho trận càn qui mô vào huyện Giồng Trôm, một đoàn hạm gồm 7 chiếc và 300 tàu chiến lớn nhỏ cùng hô-bo làm chủ tuyến sông Hàm Luông. Lê Văn Phích cùng đồng đội Đặc công thủy và Đội săn tàu được giao nhiệm vụ tiến công thủy chiến nhiều trận, chiến thắng vẻ vang, làm quân thù hoang mang, hoảng sợ.
Trận đánh cầu Bình Chánh, Lê Văn Phích phải mất 3 tháng trời mật phục theo dõi quy luật hoạt động của lính gác hai bên cầu. Những vật trôi nổi xuôi theo dòng nước không thoát khỏi những loạt đạn của lính gác. Cuối cùng phương án tác chiến vẫn được thực thi. Ông di chuyển khí tài ngược dòng nước, bí mật cắt rào, áp sát mục tiêu, kiên trì chờ đợi thời cơ châm điện điểm hỏa vào rạng sáng. Trận đánh đạt hiệu suất cao, cầu sập, diệt nhiều sinh lực khi có đoàn xe chở đầy lính đối phương rơi xuống dòng sông, giao thông quân sự của địch bị gián đoạn nhiều tháng liền.
Qua năm 1969, bằng những trải nghiệm chiến trường, Lê Văn Phích cùng đồng đội đánh chìm một chiếc phà Mỹ. Chiến công này xảy ra trong lúc tình hình chiến sự nhiều bất lợi cho quân giải phóng khi chiến trường bị chia cắt bởi những con sông, mà tàu chiến, hô-bo của đối phương thường xuyên tuần tiễu.
Tướng Lê Văn Phích ưu tư, hoài niệm thương nhớ về người cha: Cả đời cơ cực “gà trống nuôi con” trong nghèo túng và phải đối diện với hiểm nguy khi các con theo cách mạng. Đối phương không thể ngăn chặn chúng tôi đánh phá sập cầu, nên bọn chúng thường xuyên bắt giữ đánh đập cha tôi, buộc ông mỗi đêm phải ngủ trên cầu để làm lá chắn sống.
Từ năm 1967 đến năm 1970, Lê Văn Phích và đồng đội đã mưu trí, dũng cảm đánh khoảng ba chục trận lớn, làm sập 9 cây cầu, phá hủy 5 chiếc phà, 12 khẩu pháo, đánh chìm 3 chiến hạm, tiêu diệt khoảng 3.000 tên địch, đa số là lính Mỹ. Riêng ông loại khỏi vòng chiến 230 tên Mỹ, 120 ngụy quân. Trận nào ông cũng tham gia trinh sát mục tiêu, vừa xây dựng phương án, kế hoạch tác chiến, vừa trực tiếp chiến đấu, giành hiệu suất cao, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với cấp trên và đồng đội. Ông lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, xứng đáng là quân nhân đầu tiên của binh chủng Đặc công thủy Bến Tre dự Đại hội thi đua toàn miền khi mới một tuổi rưỡi quân ngũ và được tuyên dương Anh hùng khi hơn hai tuổi quân.
Tướng Lê Văn Phích được đào tạo cơ bản ở Học viện Quân sự cấp cao, từng trải qua những trọng trách: Lữ đoàn trưởng xe tăng thuộc Quân đoàn 4, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn BB8, Chủ nhiệm Cục Kỹ thuật Quân khu 9. Ông mãn nguyện khi làm tròn bổn phận đời trai trong thời chiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dân tộc thiêng liêng và nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Cuối năm 2009, tôi cùng Giám đốc Mekongfilm gặp tướng Phích ở Cần Thơ để tham khảo ý kiến về bộ phim trước khi trình ra hội đồng thẩm định. Tướng Phích xúc động khi phim tài liệu chân dung về mình đã hoàn thành với chất lượng như mong muốn. Vài năm gần đây, ông kiên cường chống lại bệnh tật. Sức khỏe tuy có giảm, nhưng mỗi khi đơn vị Đặc công họp mặt truyền thống và Bến Tre có sự kiện trọng đại thì ông đều về dự. Ông còn vượt đường xa đến với vùng sâu ở Tân Hưng (Ba Tri) chung vui bàn giao ngôi nhà nghĩa tình đồng đội cho gia đình liệt sĩ Tám Hòa - thủ trưởng cũ của ông ở Đặc công thủy Bến Tre.
Gặp ông ở buổi họp báo giới thiệu bộ phim Những vị tướng xứ dừa, khánh thành cầu Hàm Luông và lễ 30-4, tay bắt mặt mừng khi thấy ông còn khỏe. Ông hẹn tôi sẽ có ngày cùng đến thăm các anh Ba Sơn Sừng, Trường Ngân, Năm Huỳnh, Phong Sinh, Tiến Cứng… Lời hẹn ấy chưa kịp thực hiện thì tôi ngỡ ngàng nghe hung tin anh ra đi bởi cơn bạo bệnh, để lại tên tuổi và sự nghiệp còn lưu mãi bao sử sách.
Thiếu tướng Lê Văn Phích lớn lên bên dòng Hàm Luông, chiến đấu cùng dòng sông. Đời trận mạc, ông đi khắp các chiến trường. Khi về cõi vĩnh hằng, ông trở về với cát bụi giữa lòng đất mẹ, bên dòng sông xưa, ngày đêm cuộn chảy như mạch sống quê hương không bao giờ vơi cạn.