Phú Nhuận, TP. Bến Tre

Xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

23/04/2021 - 06:31

BDK - Phú Nhuận là xã đầu tiên của TP. Bến Tre được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM năm 2014). Đến năm 2019, xã được kiểm tra và công nhận giữ vững các tiêu chí (TC) NTM 5 năm liền. Ngày 24-4-2021, xã sẽ đón nhận quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (NTMNC).

Đường nông thôn mới xã Phú Nhuận.

Đường nông thôn mới xã Phú Nhuận.

Tập trung tuyên truyền, vận động

Xác định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTMNC, Ban Chỉ đạo xã đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ sau khi xây dựng thành công xã NTM thì tiếp tục xây dựng xã NTMNC. Trong công tác tuyên truyền, địa phương triển khai bằng nhiều hình thức như: phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể xã, ấp tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng NTMNC, từ đó đã chủ động đóng góp tiền, đất đai, hoa màu (tổng giá trị trên 1 tỷ đồng) thực hiện xây dựng NTMNC. Tổ chức 6 cuộc tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về NTMNC cho các tổ nhân dân tự quản, có trên 2.546 lượt người dự.

Ngoài ra, địa phương còn tổ chức thông tin lưu động khắp các ấp; tuyên truyền trong các cuộc tiếp xúc cử tri, ở các tổ đại biểu trong xã (12 cuộc, trên 4.692 lượt người dự). In, phát hành 1.500 tờ bướm tuyên truyền 15 TC xây dựng NTMNC và ấp NTM kiểu mẫu phát cho các hộ dân trong xã. Thường xuyên tuyên truyền 15 TC xây dựng xã NTMNC và tiến độ thực hiện các TC trên đài truyền thanh xã (13 cuộc với trên 5.672 lượt người nghe); thông tin những điều cần biết về xây dựng NTMNC xã Phú Nhuận giai đoạn 2019 - 2020.

Trong các cuộc họp của các đoàn thể, các buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân của Chủ tịch UBND xã cũng đã tuyên truyền, giải thích thêm cho người dân nắm bắt về ý nghĩa, tầm quan trọng trong xây dựng NTMNC.

Qua các hình thức tuyên truyền, đa số người dân đã nhận thức được mục đích của xây dựng NTMNC, từ đó đã đồng tình hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực như: tự nâng cấp các tuyến lộ bị bong tróc, đóng góp tiền, đất đai, hoa màu, đóng góp kinh phí lắp hệ thống đèn chiếu sáng lộ tổ, ngày công lao động, vật kiến trúc để xây dựng và mở rộng các đoạn lộ giao thông trong xã. Cán bộ, đảng viên tích cực vận động gia đình và người thân cùng chung tay xây dựng NTMNC như: xây dựng hoặc nâng cấp nhà ở, nâng cấp hệ thống dây mạng, dây điện sau điện kế, đóng góp xây dựng giao thông nông thôn, mua bảo hiểm y tế tự nguyện, vệ sinh cảnh quan môi trường.

Tập trung phát triển kinh tế

Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể xã và các ấp tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả như: trồng dừa hữu cơ với diện tích 9,5ha, trồng bưởi da xanh 86,1ha, trồng rau an toàn 3,45ha… góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.

 Xã còn phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn biện pháp canh tác, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống hạn mặn trên cây trồng; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho các tổ hợp tác (THT) trồng rau an toàn, THT trồng ổi ruột hồng, THT dừa hữu cơ.

Phú Nhuận có 409ha đất nông nghiệp, trong đó có 210ha trồng dừa. Hiện xã có Hợp tác xã Phú Nhuận gồm 52 thành viên, vốn điều lệ 1 tỷ đồng; 2 THT dừa, có 47 thành viên, diện tích 18,88ha. Các THT đã ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với 2 cơ sở thu mua dừa. Hợp tác xã Phú Nhuận thực hiện cung cấp dịch vụ đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại cho các thành viên THT; đang thực hiện mô hình phát triển sản xuất “Xây dựng vườn dừa kiểu mẫu kết hợp du lịch”.

Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2020 đạt 60,77 triệu đồng/năm. Xã còn 8 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,45%.

Thực hiện TC về giao thông, như đường trục ấp, liên ấp, gồm 7 tuyến, tổng chiều dài 8km. Trong đó, đã xây dựng đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm với tổng chiều dài trên 6,9km, đạt 86,362%. Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa gồm 53 tuyến, chiều dài 14,34km; trong đó đã được bê-tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải là 14,342km, đạt 100%.

 Chủ tịch UBND xã Đặng Thị Bừng cho biết, sau khi được công nhận xã NTMNC, xã sẽ tiếp tục nâng chất các TC đã đạt để tiến lên xây dựng đạt xã NTM kiểu mẫu vào năm 2023. Có kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương, tỉnh, vốn từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hóa; ưu tiên xây dựng, nâng cấp các cơ sở hạ tầng thiết yếu, công trình trực tiếp phục vụ sản xuất, có tính bức thiết trên địa bàn, phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư: chỉnh trang, cải tạo tường rào cổng ngõ, nhà ở, các tuyến đường lộ tổ và các thiết chế văn hóa gia đình; xây dựng các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế, đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất... để triển khai thực hiện. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự điều hành tổ chức triển khai thực hiện của chính quyền và sự phối hợp đồng bộ từ xã đến ấp trong tham gia xây dựng nâng chất xã NTMNC.

Xã đã huy động nguồn lực xây dựng NTMNC, tổng kinh phí 10,772 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 840 triệu đồng, chiếm 7,79%; thành phố 8,298 tỷ đồng, chiếm 77,04%; xã 135 triệu đồng, chiếm 1,25%; doanh nghiệp 180 triệu đồng, chiếm 1,67%; nhân dân đóng góp 1,319 tỷ đồng, chiếm 12,25%.

 Bài, ảnh: Hữu Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN