Xin chủ trương sớm đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2

20/03/2019 - 07:58

BDK - Cầu Rạch Miễu hiện hữu bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Bến Tre - Tiền Giang được đưa vào sử dụng từ năm 2009, đã đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa, giao lưu kinh tế của tỉnh với các trung tâm kinh tế của vùng, giúp Bến Tre mở rộng liên kết, thu hút đầu tư. Từ khi cầu Cổ Chiên đưa vào sử dụng, lượng xe lưu thông trên tuyến quốc lộ (QL) 60 tăng nhanh. Mặc dù tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên tuyến, đặc biệt tại khu vực cầu Rạch Miễu nhưng tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) ngày càng nghiêm trọng vào những những ngày cuối tuần, đặc biệt là những ngày lễ, Tết, tăng 25%. Trao đổi vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Hoàng cho biết:

Cầu Rạch Miễu ngày càng quá tải. Ảnh: Hữu Hiệp

Cầu Rạch Miễu ngày càng quá tải. Ảnh: Hữu Hiệp

- Trong dịp Tết Nguyên đán 2019 vừa qua, tình hình UTGT trên cầu Rạch Miễu diễn ra gay gắt hơn. Từ ngày 25-1 đến 10-2-2019 đã xảy ra 8 lần UTGT với thời gian dài nhất là 10 giờ 4 phút, ngắ́n nhất là 4 giờ 14 phút. Khi xảy ra UTGT, lực lượng Cảnh sát giao thông của Bến Tre đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông của tỉnh Tiền Giang và Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu tổ chức phân làn giao thông, xả trạm thu phí theo quy định để đảm bảo giao thông trên tuyến được thông suốt, an toàn.

Khi lưu lượng phương tiện tăng cao, có hiện tượng ùn ứ, di chuyển chậm, chiều dài xe chờ xếp hàng vượt quy định tại Nghị định số 46 của Chính phủ, Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát giao thông tiến hành phân làn và xả trạm, ngưng thu để điều tiết giao thông trên tuyến. Trong các ngày cao điểm, phía tỉnh Bến Tre, số lượng xe xếp hàng chờ qua cầu dài nhất là 3km, ngắn nhất là 1,2km; phía tỉnh Tiền Giang, số lượng xe xếp hàng chờ qua cầu kéo dài khoảng 1km. Từ ngày 25-1 đến 10-2-2019, có tổng cộng 13 lần xả trạm (1.026 phút).

Theo số liệu của Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, từ năm 2014 - 2018, số lượt ô tô các loại qua cầu Rạch Miễu tăng rất nhanh. Cụ thể, năm 2014: trên 3,4 triệu lượt; năm 2015: trên 4 triệu lượt; năm 2016: 4,8 triệu lượt; năm 2017: 5,4 triệu lượt; năm 2018: 6,2 triệu lượt. Từ năm 2014 - 2018, trung bình hàng năm lưu lượng phương tiện ô tô các loại qua cầu Rạch Miễu tăng 16,31%/năm. Riêng trong những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, so sánh với ngày bình thường có 20.804/16.648 lượt phương tiện ô tô các loại qua cầu Rạch Miễu, tăng 25%.

* Để giải quyết tình trạng trên, ngành giao thông có phương án gì trong thời gian tới, thưa ông?

- Với tốc độ̣ gia tăng các loại phương tiện ô tô như đã nêu trên, dự báo trong khoảng 2 năm tới, tình hình UTGT tại khu vực cầu Rạch Miễu sẽ xảy ra liên tục và thường xuyên, ngày thường sẽ tăng như ngày lễ, Tết hiện nay. Bên cạnh đó, khi xảy ra tình trạng UTGT, các loại phương tiện giao thông xếp hàng trên cầu Rạch Miễu sẽ làm mất an toàn cho công trình.

Nhằm đảm bảo giao thông trên tuyến QL.60 đượ̣c thông suốt, an toàn, tạo độ̣ng lực phát triển cho cả khu vực duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, góp phần giảm áp lực giao thông cho tuyến QL.1A, tỉnh Bến Tre đang gấp rút xin chủ trương đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2.

Cầu Rạch Miễu thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong những ngày lễ, Tết. Ảnh: H. Hiệp

Cầu Rạch Miễu thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong những ngày lễ, Tết. Ảnh: H. Hiệp

Bộ Giao thông vận tải cũng vừa tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các sở, ban ngành và UBND tỉnh Tiền Giang, Bến Tre. Theo đó, phương án tối ưu nhất là sẽ xây dựng cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu cũ khoảng 3,8km về phía thượng lưu. Quy mô cầu chính gồm 4 làn xe, bề rộng mặt cầu 17,5m, kết cấu nhịp chính dây văng, nhịp dẫn dầm super, móng cộc khoan nhồi, tổng dự toán khoảng 4.600 tỷ đồng.

* Ông cho biết cụ thể hơn về phương án vốn xây cầu Rạch Miễu 2?

- Sau nhiều năm nghiên cứu vốn đầu tư xây cầu Rạch Miễu 2 từ nhiều nguồn như PPP, ODA nhưng theo các phương án này thì rất khó khả thi. Do vậy, Bộ Giao thông vận tải đang trình Chính phủ xin chuyển từ nguồn vốn ODA (vốn vay Hàn Quốc) sang vốn ngân sách nhà nước để xây cầu Rạch Miễu 2, nhằm rút ngắn thời gian vì thực tế cầu Rạch Miễu đang diễn ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Nếu vay vốn ODA Hàn Quốc phải qua nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp và kéo dài khoảng 6 năm thì tình trạng UTGT cầu Rạch Miễu hiện tại sẽ còn tiếp tục kéo dài. Do vậy, phương án tối ưu về vốn hiện nay là sử dụng ngân sách nhà nước để rút ngắn được thời gian có cầu Rạch Miễu 2 sớm hơn 2 năm và giải quyết tình trạng UTGT cho cầu Rạch Miễu là khả thi hơn.

Trong tương lai, cầu Đại Ngãi (bắc qua sông Hậu, nối hai tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng) đang được xúc tiến đầu tư xây dựng sẽ nối thông toàn tuyến để khai thác thế mạnh toàn bộ các tỉnh phía Đông của khu vực Tây Nam Bộ như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... Khi tuyến QL.60 thông suốt sẽ rút ngắn 80km so với QL1A khi di chuyển từ tỉnh Cà Mau đi TP. Hồ Chí Minh, góp phần vực dậy tiềm năng kinh tế - xã hội các tỉnh duyên hải miền Tây Nam Bộ.

 * Xin cảm ơn ông!

Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Minh Ngân Cách đây 22 năm

    Tại sao không xây cầu RM2 bên cạnh cầu RM1 ? Vì theo thóii quen, cũng như quãng đường thì đa số người dân sẽ chọn hướng di chuyển theo cầu RM1. Khi đó xây cầu RM2 ở vị trí như đề xuất không giài quyết được tình trạng kẹt xe

  • Trần Bình Tâm Cách đây 21 năm

    @Minh Ngân: Cầu RM2 nối thẳng vào Cao tốc Trung lương, người ta đã tính hết rồi. Còn đi theo thói quen thì chỉ có 1 mình bạn đi

  • nguyenthilan Cách đây 17 năm

    cầu rạch miễu 2, nằm ở đâu, đường nào vậy bạn