BDK.VN - Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là khâu quan trọng trong phương thức cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), là cánh tay nối dài của NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, là cầu nối giữa ngân hàng với người vay vốn.
Họp sinh hoạt Tổ Tiết kiệm và vay vốn Hội Phụ nữ ấp Tân Phú Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam.
Do Tổ TK&VV được thành lập theo cụm dân cư, tổ nhân dân tự quản liền kề nên biết rõ nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, tích cực hướng dẫn hồ sơ vay, tổ chức họp bình xét cho vay công khai, dân chủ; giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay; đôn đốc tổ viên sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả, chấp hành nguyên tắc có vay có trả; phối hợp với NHCSXH xử lý nợ quá hạn, lãi tồn, nợ bị rủi ro, hộ vay bỏ địa phương.
Đến 30-9-2024, toàn tỉnh có 2.889 Tổ TK&VV, giảm 4 Tổ so đầu năm, với 118.650 tổ viên. 100% ấp, khu phố đều có Tổ TK&VV được thành lập và hoạt động; bình quân mỗi ấp, khu phố có 3 Tổ TK&VV.
Trong năm, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tổ chức tập huấn cho 100% Tổ trưởng, tổ phó Tổ TK&VV. Dư nợ cho vay qua Tổ TK&VV đạt 4.375,74 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 98,83% tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh NHCSXH tỉnh; huy động tiết kiệm 275,38 tỷ đồng; bình quân mỗi Tổ TK&VV có 41 tổ viên, dư nợ 1,51 tỷ đồng, tiết kiệm qua tổ đạt 95,32 triệu đồng.
Chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV ngày càng được nâng lên. Có 2.665 Tổ xếp loại tốt (tăng 50 Tổ so với đầu năm), chiếm tỷ lệ 92,28%; có 186 Tổ xếp loại khá (giảm 40 Tổ so với đầu năm), chiếm tỷ lệ 6,4%; có 38 Tổ xếp loại trung bình (giảm 14 Tổ), chiếm tỷ lệ 1,32%; không có tổ xếp loại yếu.