Tiềm năng và cơ hội phát triển ngành Halal tỉnh, bài 1

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại các thị trường trọng điểm

01/11/2024 - 05:29

BDK - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” và thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia vào tháng 4-2024, nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam thâm nhập hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. Với tầm nhìn dài hạn đến năm 2050 theo Quy hoạch tỉnh được Chính phủ phê duyệt, tỉnh có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế nông nghiệp và chế biến chế tạo, những ngành, sản phẩm thuộc ngành Halal.

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm từ dừa của tỉnh đến nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đa dạng sản phẩm ngành Halal

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sản phẩm Halal bao gồm hầu như tất cả sản phẩm thiết yếu của cuộc sống như: thực phẩm, đồ uống, thực phẩm hữu cơ, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may, thủ công mỹ nghệ đến lĩnh vực dịch vụ như: ngân hàng, du lịch, an ninh, giáo dục và đào tạo, dịch vụ ăn uống, khách sạn, logistics.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, từ các nền kinh tế phát triển đến đang phát triển, do các sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe, chất lượng, xanh, sạch, có đạo đức trong chế biến và góp phần bảo vệ môi trường...

Hiện nay, Việt Nam đang hoàn thiện, xây dựng nghị định quản lý sản phẩm, dịch vụ Halal. Hành lang pháp lý được hoàn thiện đảm bảo cho việc quản lý và thúc đẩy các hoạt động liên quan đến phát triển ngành kinh tế Halal thời gian tới. Bước đầu đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Halal về: thực phẩm Halal, thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất, thức ăn chăn nuôi, yêu cầu đối với giết mổ động vật…

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, tỉnh có 3 lĩnh vực kinh tế nông nghiệp có tiềm năng phát triển ngành Halal. Thứ nhất, ngành dừa, tỉnh có khoảng 80 ngàn héc-ta - là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến dừa. Kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân hơn 500 triệu USD/năm (chiếm khoảng 25 - 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh), với hơn 40 sản phẩm từ dừa được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: dầu dừa tinh luyện, mỹ phẩm từ dừa, sữa dừa, bột sữa dừa, mụn dừa, thạch dừa, cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa, chỉ xơ dừa… Ngoài ra, với dừa nguyên trái tươi, từ tháng 10-2024, tỉnh đáp ứng đủ điều kiện và quy định để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Tỉnh có 65km bờ biển và hơn 47.000ha nuôi trồng thủy sản. Sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trên 500 ngàn tấn/năm. Với tiềm năng và thế mạnh này, tỉnh đủ sức đáp ứng nhu cầu cho chế biến thủy hải sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Riêng lĩnh vực tôm biển, tôm thẻ, tỉnh đã có 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao. Hiện nay, các sản phẩm tôm, nghêu, cá tra đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính, với kim ngạch hơn 200 triệu USD/năm.

 Tỉnh có nhiều loại trái cây ngon nổi tiếng cả nước như: sầu riêng, bưởi da xanh, ca cao, xoài… Đây là những mặt hàng nông sản có sản lượng lớn và được nhiều thị trường lớn chấp nhận như: Mỹ, Canada, các nước châu Âu và Trung Quốc.

Hiện toàn tỉnh có 16 DN xuất khẩu được chứng nhận Halal, trên các lĩnh vực như: sản xuất sản phẩm từ dừa, thủy sản; hàng nông sản và nông sản chế biến. Năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Sở Công Thương đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Ả-rập Xê-út tại Diễn đàn DN Việt Nam và Ả-rập Xê-út, thống nhất tạo điều kiện để giới thiệu, quảng bá sản phẩm Halal của tỉnh đến các quốc gia Hồi giáo.

Tỉnh đã gửi mẫu một số sản phẩm từ dừa thông qua kênh ngoại giao để hỗ trợ kết nối, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một số cơ quan đại diện ta ở một số quốc gia. Bước đầu đã đem lại một số hiệu quả nhất định. Một số sản phẩm được các đối tác chú ý, trao đổi thông tin để tiến hành xúc tiến thương mại.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Tỉnh nhận định, DN tỉnh còn đối mặt với không ít khó khăn đối với thị trường Trung Đông, châu Phi, nhất là các quốc gia Hồi giáo. Điển hình như việc tiếp cận thông tin thị trường, nhất là văn hóa tiêu dùng, kinh doanh và các quy định đối với sản phẩm Halal. Nên một số DN sản xuất còn chưa thật phù hợp với văn hóa Hồi giáo, từ nuôi trồng đến chế biến, bảo quản và mẫu mã, thương hiệu sản phẩm.

Chế biến sản phẩm từ dừa xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, huyện Châu Thành.

Mặt khác, hiện nay, chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất áp dụng với tất cả các nước trên toàn cầu. Có nhiều tổ chức được phép cấp chứng nhận Halal, nhưng quy trình thủ tục cấp chứng nhận của các tổ chức khác nhau. Việc đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt trong các khâu từ đóng gói, bảo quản, vận chuyển… theo tiêu chuẩn Halal tốn nhiều chi phí của DN. Đây là vấn đề quan ngại nhất. Vì phần lớn, DN của tỉnh nhỏ và vừa, quy mô, năng lực và tính cạnh tranh còn nhiều hạn chế.

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, định hướng giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và kinh tế biển theo hướng: Xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại, an toàn sinh học, gắn chăn nuôi với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; gắn nuôi thủy sản với chế biến và xuất khẩu.

Tỉnh đề ra các giải pháp mang tính định hướng như: xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư, thương mại chuyên sản phẩm Halal đặc trưng của tỉnh vào các thị trường trọng điểm Trung đông, châu Phi, thị trường có khách hàng Hồi giáo tiềm năng, với 3 loại sản phẩm thủy sản, dừa, trái cây. Phối hợp với Hiệp hội DN, ngành hàng chủ động, tích cực phổ biến thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, DN, địa phương về các thông tin cơ bản về Halal như: khái niệm, tiêu chuẩn, chứng nhận, xu thế phát triển của thị trường Halal và văn hóa, kinh doanh với người Hồi giáo…

“Tỉnh hỗ trợ DN mời các chuyên gia về Halal tư vấn, các quy chuẩn và quy trình, tránh vi phạm dẫn tới thiệt hại tài chính một cách đáng tiếc. Việc quản lý quy trình sản xuất và đánh giá tiêu chuẩn các nhà cung cấp phải rất rõ ràng, có chứng nhận Halal đầy đủ. Cần có các điều khoản chặt chẽ trong vấn đề thanh toán. DN cần có tiến trình, lộ trình cụ thể khi thâm nhập vào thị trường Halal như: tư vấn, đào tạo, liên kết, đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để tăng cường hợp tác quốc tế về Halal…”.

(Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN