Thúc đẩy hợp tác phát triển ngành Halal

21/08/2023 - 19:00

BDK.VN - Chiều 21-8-2023, Vụ trưởng Vụ Trung Đông - Châu Phi, Bộ Ngoại giao Bùi Hà Nam chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Trung tâm Halal của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Ả-rập Xê-út và các cơ quan hữu quan của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác song phương về Halal.

Đại biểu tham dự họp tại điểm cầu tỉnh.

Đại biểu tham dự họp tại điểm cầu tỉnh.

Tại điểm cầu tỉnh, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại dự họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu được nghe giới thiệu khái quát hệ thống Halal và các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm Halal ở Ả-rập Xê-út và Việt Nam. Cho rằng Việt Nam và Ả-rập Xê-út có quan hệ chính trị rất tốt đẹp, có nhiều tiềm năng hợp tác về kinh tế, thương mại. Vụ trưởng Vụ Trung Đông - Châu Phi, Bộ Ngoại giao Bùi Hà Nam bày tỏ mong muốn thời gian tới, các bộ, ngành Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Trung tâm Halal của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Ả-rập Xê-út nói riêng và Ả-rập Xê-út nói chung trong lĩnh vực Halal.

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Quỳnh Nga, kim ngạch xuất khẩu của Bến Tre sang Ả-rập Xê-út năm 2022 đạt 8,907 triệu USD, giảm 8,34% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang Ả-rập Xê-út ước đạt 2,37 triệu USD, giảm 14,26% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng Bến Tre xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là các sản phẩm từ dừa chiếm 50%, hàng dệt may chiếm 10%, thủy hải sản chiếm 30%, thực phẩm chiếm 5% và một số mặt hàng khác... Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 16 doanh nghiệp có xuất khẩu sang Ả-rập Xê-út.

Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết, đây là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm của Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng, nhất là các sản phẩm từ dừa và thủy hải sản - các sản phẩm thị trường này có nhu cầu khá lớn. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp tỉnh, khi xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Ả-rập Xê-út khá cao.

Bên cạnh đó, thị trường Ả-rập Xê-út yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thịt, các sản phẩm từ thịt, thực phẩm ướp lạnh và đông lạnh nhập khẩu, đồ uống, bánh kẹo, sữa và các sản phẩm từ sữa, dầu ăn, chất béo cần có chứng nhận Halal, hàng hóa khác cần có chứng nhận SASO (tương tự ISO); có hàng mẫu gửi cho đối tác với thông tin sản phẩm rõ ràng, có đầu mối liên hệ giao dịch được bằng tiếng Anh, có email cố định.

Tin, ảnh: Huyền Trang

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN