Để sản phẩm tiếp cận các quốc gia Hồi giáo

10/03/2023 - 16:39

BDK.VN - Chiều 10-3-2023, tại Bến Tre, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bến Tre tổ chức Hội thảo “Xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn Halal từ vùng đồng bằng sông Cửu Long để tiếp cận các quốc gia Hồi giáo” cho doanh nghiệp (DN) các tỉnh, thành”. Đại biểu Trung tâm Xúc tiến thương mại, khuyến công và các DN tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tham dự.

Chủ trì hội thảo.

Chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, ông Ramlan Osman - Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam phát biểu chia sẻ về Halal và văn hóa thân thiện với người Hồi giáo; làm thế nào để phát triển sản phẩm, dịch vụ từ vùng ĐBSCL cho thị trường Hồi giáo.

Theo ông Ramlan Osman, văn hóa Halal gắn liền với sở thích, thoái quen và sự tôn trọng. Sản phẩm phải sản xuất theo quy trình tin cậy. Sản phẩm phải được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Halal. Sản phẩm xuất sang các quốc gia Hồi giáo bán được giá cao. Khi đạt tiêu chuẩn Halal thì sử dụng suốt đời, trừ trường hợp mắc phải sai lầm. Khi ấy được đưa lên Internet và đánh mất niềm tin với người tiêu dùng, muốn gầy dựng lại rất khó.

Tại hội thảo, các DN đã đặt câu hỏi liên quan đến việc sản xuất sản phẩm vào thị trường các quốc gia Hồi giáo; xây dựng tiêu chuẩn Halal cho sản phẩm, chi phí DN phải trả cho chứng nhận Halal…

Câu hỏi của DN đã được ông Ramlan Osman giải đáp khá đầy đủ. Ngoài ra, ông Ramlan Osman cũng đề nghị các DN quan tâm lựa chọn đối tác làm tư vấn phải thật sự am hiểu về Halal. Phí tư vấn là sự thỏa thuận giữa DN với đối tác tư vấn, chứ không có mức giá cố định. Quan trọng nhất vẫn là sản phẩm sản xuất phải đúng quy trình Halal. Nếu vi phạm thì nhanh chóng bị người tiêu dùng Hồi giáo tẩy chay.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn - Phó giám đốc ITPC cho rằng, hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm Halal tăng mạnh, không chỉ do sự gia tăng về số lượng người theo Hồi giáo mà còn vì nhiều người không theo đạo Hồi nhưng vẫn ưa thích các sản phẩm đạt chuẩn Halal. Vì vậy, nếu tận dụng và phát huy tốt các thế mạnh, Việt Nam sẽ ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và có chỗ đứng tại thị trường thực phẩm Halal toàn cầu. Tuy nhiên, những yêu cầu nghiêm ngặt của Halal là thách thức không nhỏ đối với các nước không theo hoặc số lượng người theo đạo Hồi ít nhất như Việt Nam.

“Hội thảo sẽ góp phần giúp các DN vùng ĐBSCL nắm rõ các quy trình sản xuất và kiểm định sản phẩm theo tiêu chuẩn Halal và các điều kiện để được cấp chứng nhận Halal, nhằm đẩy mạnh giao thương tại các nước trong khu vực Hồi giáo; tạo cơ hội phát triển, ứng dụng các tiêu chuẩn mới trong hệ sinh thái và chuỗi cung ứng cũng như giới thiệu tiêu chuẩn phù hợp với các quốc gia không theo hoặc ít người theo đạo Hồi sản xuất các sản phẩm đảm bảo chất lượng khi đến tay nhà phân phối cũng như người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm Halal...”, ông Nguyễn Tuấn nhấn mạnh.

Tin, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN