Bưởi da xanh Bến Tre được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ảnh hưởng do biến đổi khí hậu
BDX Bến Tre ngon nức tiếng cả nước phần lớn nhờ thổ nhưỡng, cho đến nay, có thể nói không nơi nào trong cả nước trồng BDX ngon bằng ở Bến Tre. Chính vì thế mà Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chỉ dẫn địa lý “Bưởi da xanh Bến Tre” cho tỉnh. Nay thì món quà thiên nhiên ban tặng đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu (BĐKH).
“BĐKH không chỉ ảnh hưởng riêng BDX mà còn đe dọa tất cả lĩnh vực sản xuất khác. Chính vì vậy, việc thành lập Hiệp hội BDX Bến Tre là để chúng ta (nhà nông, nhà kinh doanh, nhà quản lý và nhà khoa học - PV) liên kết lại với nhau để cùng có cái nhìn và có cách ứng phó với BĐKH một cách phù hợp”, ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết. Người Bến Tre đang chung tay tìm giải pháp giảm thiểu những tác động tiêu cực, rủi ro do BĐKH gây ra cho cây BDX, đây là câu chuyện rất quan trọng hiện nay. Theo ông Đức, việc liên kết sẽ giúp các nhà nông hình thành những vùng sản xuất để quản lý tốt về mặt kỹ thuật, canh tác, có giải pháp phù hợp trong điều kiện BĐKH. Về phía doanh nghiệp sẽ có thông tin, hiểu biết và thấy rõ những tác hại của BĐKH lên trái BDX, kịp thời có những tiên liệu về mặt thị trường, sản xuất.
Theo quan sát của ông Đức, hạn mặn là thứ mà BDX “sợ” nhất, đe dọa lớn nhất và trực tiếp nhất đối với BDX. Kế đến là sâu bệnh, do ảnh hưởng BĐKH, diễn biến sâu bệnh rất phức tạp, thậm chí có những loại sâu bệnh mới mà nó “đồng hành” với BĐKH như sâu đục trái, song song đó, BĐKH còn làm chất lượng trái có thể bị ảnh hưởng, kể cả tuổi thọ của cây. Điều đáng nói là “Những tác động của BĐKH nói trên cho cây BDX thì đang diễn ra và có biểu hiện ngày càng gay gắt”, ông Huỳnh Quang Đức khẳng định.
Ở góc độ vừa là nhà quản lý, nhà khoa học, ông Huỳnh Quang Đức cho rằng, có giải pháp để BDX thích ứng BĐKH. Ông nói: “Bên cạnh việc ứng dụng thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất hữu cơ để cây BDX có nền tảng bền vững thì Bến Tre đang đẩy mạnh công tác giống. Cụ thể là lựa chọn bộ giống có hệ thống gốc ghép phù hợp với BĐKH (nước mặn, hạn hán) để phổ biến trong Hiệp hội nói riêng và nông dân sản xuất BDX trong tỉnh nói chung”.
Bưởi da xanh được chọn trưng bày, giới thiệu hàng đặc sản trên toàn quốc.
Bảo vệ “mỏ vàng”
Nhiều nông dân ở Bến Tre tự hào, chỉ cần bán một trái BDX là có đủ tiền chợ cho cả gia đình trong một ngày. BDX thật sự chiếm một vị trí quan trọng trong kinh tế hộ gia đình ở nông thôn Bến Tre. Tuy nhiên, Bến Tre không còn là địa phương duy nhất cả nước trồng nhiều BDX mà vùng trồng từ các tỉnh miền Đông cũng đang phát triển ồ ạt diện tích đất trồng BDX.
Người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đưa thương hiệu BDX Bến Tre vươn xa, ông Đàm Văn Hưng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Hương Miền Tây, huyện Mỏ Cày Bắc chia sẻ: “BDX Bến Tre được đánh giá là ngon số 1 cả nước, thậm chí bạn bè quốc tế cũng công nhận điều đó, nhưng điều đáng lo ngại là danh tiếng ấy đang bị cạnh tranh bởi những vùng trồng khác. Như các tỉnh miền Đông, khoa học kỹ thuật của họ rất phát triển, gần như ngang bằng nông dân Bến Tre, họ chỉ thua chúng ta về thổ nhưỡng. Nông dân miền Đông lại có lợi thế sở hữu nhiều đất đai, mỗi hộ có thể có tới vài chục héc-ta là điều bình thường, họ có vùng trồng rộng lớn, còn ta thì manh mún, canh tác nhỏ lẻ, nhưng ta đang liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết bưởi, từ mảnh vườn nhỏ lẻ ta đang hình thành vùng sản xuất rộng lớn”.
Trong bối cảnh hàng rào kỹ thuật của các nước ngày càng thắt chặt chất lượng nông sản, Hiệp hội BDX Bến Tre ra đời trong vai trò là “bà mẹ đỡ đầu” cho trái BDX vươn cao, vươn xa. Ông Đàm Văn Hưng bày tỏ tin tưởng: “Hiệp hội là tổng lực sức mạnh toàn tỉnh giúp cho trái BDX Bến Tre có sản phẩm tốt, sản lượng lớn và nguồn lực dồi dào thì ta không lo gì tìm được thị trường tiêu thụ”.
Tha thiết với trái BDX, anh Võ Duy Kha, ngụ xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre tham gia Hiệp hội BDX Bến Tre với vai trò hội viên, bản thân anh Kha mong muốn: “Được kết nối với hiệp hội, tạo ra diện tích lớn, thị trường lớn, tạo ra giá trị cao hơn cho BDX Bến Tre, qua đó, đem lại lợi nhuận cho nông dân tỉnh nhà, để trái BDX Bến Tre được lưu truyền danh tiếng đặc sản tỉnh nhà từ đời này sang đời khác”.
Bôn ba trên thương trường, ông Đàm Văn Hưng cảnh tỉnh: “Người Bến Tre không thể chủ quan mà “ngủ quên trên chiến thắng”, cứ cho mình là số 1 thì không thể tồn tại lâu trên thương trường. Mà chúng ta phải tỉnh táo, luôn luôn sản xuất tập trung và áp dụng khoa học kỹ thuật ứng phó với BĐKH để BDX Bến Tre luôn là số 1”.
Giao nhiệm vụ quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý BDX Bến Tre cho Hiệp hội BDX Bến Tre. Đó là phát biểu của ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Đại hội thành lập Hiệp hội BDX Bến Tre. Ông Lâm cho hay, sắp tới, việc xuất khẩu nông sản, trong đó có BDX vào thị trường Trung Quốc sẽ có nhiều diễn biến khó lường. Hiệp hội cần quan tâm xây dựng nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc nhằm bảo hộ, quản lý sản phẩm BDX, giữ vững danh tiếng và tăng năng lực cạnh tranh của BDX trên thị trường. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo