Bất cẩn nhỏ, hậu quả khó lường

07/04/2010 - 08:16

“Dù một phần cơ thể bị tổn thương, chúng tôi vẫn may mắn hơn những anh chị công nhân khác. Chúng tôi còn nghe được tiếng nói của người thân, sống ấm áp trong tình thương yêu của gia đình và chia sẻ của cộng đồng. Ký ức của những ngày qua làm sao quên được…”. Đó là tâm sự chân tình của  một trong số 119 công nhân bị tai nạn lao động (TNLĐ), tại buổi họp mặt do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức.

Anh Lê Văn Tân, 33 tuổi, ngụ xã Bình Phú (TP Bến Tre) làm việc tại Công ty Vận tải thủy bộ. Trong lúc tận tụy với công việc, bình hơi dầu nổ, anh bị bỏng nặng, tỷ lệ thương tật 67%. Anh Tân tâm sự: Tôi nghĩ trong cái rủi do sự cố bất ngờ, tôi vẫn còn may mắn giữ được mạng sống. Sau khi anh bị tai nạn, các ngón tay của anh bị co lại và yếu đi. Đồng nghiệp đã tận tình giúp đỡ, tổ trưởng sắp xếp cho anh làm những công việc vừa sức. Ban Giám đốc và công đoàn thường xuyên thăm hỏi, động viên tinh thần và giúp anh vượt qua khó khăn. Hiện tại, anh là công nhân bậc 3/7 của công ty Vận tải thủy bộ, công việc chính của anh là hàn đà và vỉ mặt cầu.
Tai nạn lao động là chuyện rủi ro, ít nhiều tạo cho người lao động cú sốc. Nhưng, điều quan trọng là bản thân người lao động phải biết gắng sức vươn lên. Anh Phạm Trọng Điểm, 32 tuổi, ngụ xã Tân Xuân (Ba Tri) là một trong những người như thế. Anh là hướng dẫn viên du lịch. Mỗi ngày, anh đón tiếp hàng trăm lượt du khách đến tham quan khu du lịch Cồn Phụng (Châu Thành). Trong một lần đi công tác tại TP.HCM, tai nạn giao thông ập đến, anh Điểm bị gãy chân, nằm viện hơn 4 tháng. Anh luôn trăn trở nghĩ tới cuộc sống của những người thân trong gia đình và khả năng được tiếp tục làm việc của mình. Tất cả sự quan tâm, sẻ chia của đồng nghiệp và cơ quan đã vực anh dậy, nhưng đôi chân đi lại khó khăn. Thế là, anh Điểm quyết định xin nghỉ việc và lên TP Hồ Chí Minh học nghề. Hiện tại, anh đã là Giám đốc của một công ty Tin học do chính anh thành lập.
Anh Phạm Văn Hồng 60 tuổi, ngụ tại phường Phú Khương (TP Bến Tre) là công nhân của Xí nghiệp Sửa chữa ô-tô. Trong lúc nằm dưới gầm xe để sửa chữa, con đội xe bị gãy, chiếc ô-tô đè lên người, làm anh chấn thương cột sống, tỷ lệ thương tật 91%. Sau tai nạn, anh hoàn toàn không đi lại được. Dù  anh đã được đồng nghiệp quan tâm, an ủi, tổ chức công đoàn, cơ quan đơn vị giúp đỡ, động viên, nhưng cơ hội làm việc đã mất đi vĩnh viễn…
 Người viết xin mượn tâm sự của anh Hồng để kết thúc bài viết: Tôi khuyên anh em công nhân đang trực tiếp lao động sản xuất nên chấp hành nội quy lao động, đề xuất người sử dụng lao động trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng máy móc thiết bị, để hạn chế tối đa sự cố trong lao động. Người lao động phải cẩn trọng, đặt an toàn lao động lên hàng đầu, vì chỉ một bất cẩn nhỏ cũng để lại hậu quả khó lường.

Bích Trâm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN