Bước phát triển mới của ngành thương mại

08/02/2021 - 12:52

BDK.VN - Năm 2020 là năm đánh dấu bước ngoặc phát triển mới của ngành thương mại tỉnh từ trước đến nay. Nổi bật là sự phát triển đột phá của hệ thống bán lẻ theo xu thế văn minh, hiện đại tại TP. Bến Tre. Xuyên suốt theo các trục giao thông lớn, nhỏ đã mọc lên san sát các cửa hàng kinh doanh tiện ích, các hệ thống siêu thị hiện đại và đông đúc người mua - bán đã khắc họa thêm hình ảnh sôi động của ngành thương mại.

Siêu thị Dừa Bến Tre toạ lạc tại Trung tâm thương mại Hưng Phú, phường Phú Tân, TP. Bến Tre.

Siêu thị Dừa Bến Tre toạ lạc tại Trung tâm thương mại Hưng Phú, phường Phú Tân, TP. Bến Tre.

“Ra ngõ gặp… siêu thị”

Chị Lê Hồng Ân - thành viên Câu lạc bộ Trí thức trẻ Bến Tre, thuộc thế hệ “8x”, ở Phường 4, TP. Bến Tre chia sẻ: Giờ ra khỏi nhà, chỉ cần đi vài bước chân là đến siêu thị hoặc mất vài phút là đến các cửa hàng tiện ích, các shop để lựa chọn món hàng mình cần. “Hồi xưa, nếu muốn sắm đồ, mua dụng cụ học tập, truyện, sách thì khó. Riêng việc mua truyện khá vất vả, chỉ có thể tìm thấy những quyển truyện cũ ở các quầy bán báo, lắm lúc còn phải tranh giành mới mua được. Còn sách học, sách tham khảo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng càng khó khăn hơn” - Đó là cảm nhận riêng về cửa hàng sách của Hồng Ân cách đây mười mấy năm ngay tại TP. Bến Tre.

 Nhà văn, nhà báo Mai Lâm Sanh, Phường 6, TP. Bến Tre nhớ lại: “Giai đoạn trước giải phóng, dịch vụ ăn uống chỉ có 2 nơi là phở Thanh Xuân và hủ tiếu Định Quán. Nhưng dân thường thì ít vào ăn vì thời đó với họ giá mắc lắm... Năm 1985, tỉnh chậm phát triển, đến năm 1990 là thời kỳ mở cửa, mới bắt đầu “bung ra” làm kinh tế. Tất cả các dịch vụ ăn uống mọc lên, nhưng nhìn chung còn sơ khai, mặt hàng hạn hẹp, hiếm nhất là dịch vụ làm đẹp.

Đến năm 2006, mỗi lần đi ngang cây cầu Rạch Miễu còn xây dựng dở dang, nhiều người lại khao khát: Không biết đến chừng nào cầu mới xây xong, chừng nào mới chạy được trên chiếc cầu ấy, hay là già bạc tóc!. Thời điểm 2009, cầu Rạch Miễu hoàn thành gây cảm xúc mừng vui đến vỡ òa, đánh dấu cột mốc vô cùng quan trọng. Từ đó, Bến Tre thay đổi nhanh chóng.

Đến năm 2011, tỉnh có sự thay đổi khá lớn, người, xe nhộp nhịp. “Cảm thấy lao động trẻ bấy giờ làm việc tại quê hương vẫn có nhiều cơ hội để phát triển. Vì thế, mình quyết định bám trụ lại nơi mình sinh ra và lớn lên. Và còn để cảm nhận hạnh phúc qua từng giai đoạn quê hương đổi thay phát triển”, Hồng Ân chia sẻ.

Từ năm 2015 đến nay là một giai đoạn mới của tỉnh. Hạ tầng thương mại phát triển, dịch vụ, cửa hàng kinh doanh tiện ích “mọc lên như nấm”… góp phần thúc đẩy sự phát triển đời sống, tiện ích của người dân TP. Bến Tre nói riêng và tỉnh nói chung. Nhiều người từng rời quê hương lập nghiệp nay quay về đầu tư kinh doanh, đón bắt cơ hội mới ở thành phố trẻ.

Đột phá ngành bán lẻ

Năm 2020, do ảnh hưởng hạn mặn sâu và kéo dài, tình hình dịch Covid-19 tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh, thương mại trên địa bàn tỉnh, sức mua giảm mạnh vào thời điểm thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh, giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không ổn định tại một số thời điểm. Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước đạt gần 50 ngàn tỷ đồng, tăng 6,76% so với cùng kỳ và đạt 92% kế hoạch năm. Con số này phần nào cho thấy rõ thành công của ngành bán lẻ địa phương.

Bà Đặng Thị Bảy, trên 70 tuổi, là chủ cửa hàng tạp hóa hoạt động và tồn tại đến nay đã ngót 40 năm, tại đường Phan Đình Phùng, Phường 4, TP. Bến Tre. Có thể xem là một trong những tiệm tạp hóa đầu tiên tại khu vực này. Bà Bảy bộc bạch: Hồi xưa, ở khu vực này rất ít người mở tiệm bán. Một tiệm tạp hóa có thể bán mọi thứ. Còn giờ, bên cạnh các hệ thống siêu thị lớn mở ra khắp các tuyến đường chính, khu vực trung tâm mua sắm thì các tiệm tạp hóa nhỏ vẫn tiếp tục mọc lên kinh doanh, kiếm sống được, vấn đề là phải biết lựa chọn mặt hàng chủ lực cho tiệm chứ không phải cái gì cũng bán.

Sự cạnh tranh giữa các “ông trùm” trong lĩnh vực thương mại có tên tuổi trong cả nước tại địa bàn TP. Bến Tre đã tạo nên “cơn sốt” đa dạng hóa dịch vụ, hàng hóa; làm thay đổi từ cung cách phục vụ đến mô hình kinh doanh… đem đến nhiều tiện ích, chính sách bán hàng hấp dẫn để tạo sự hài lòng nhất cho người tiêu dùng, người dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Niệm - Phó giám đốc Sở Công Thương, năm 2020, toàn tỉnh phát triển mới 1 chợ (Thành Triệu), nâng cấp 3 chợ (Phường 8, Tân Phú, An Hiệp), 2 siêu thị (GO! Bến Tre, Dừa Bến Tre) và 1 trung tâm thương mại (TTTM); 51 cửa hàng Bách hóa xanh, 9 cửa hàng Vinmart. Đồng thời, đang tiến hành xây dựng mô hình chợ thí điểm vệ sinh an toàn thực phẩm chợ Cầu Móng, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam (chợ hạng 3). Tính đến nay, toàn tỉnh có 172 chợ. Ngoài ra, kinh doanh online cũng đang phát triển bứt phá, dịch vụ giao hàng dập dìu.

Siêu thị, siêu thị mini đã kích thích người dân mua sắm bởi tính tiện ích, không cần đi xa, có nhiều chính sách, mua được nhiều mặt hàng rẻ hơn. Chợ truyền thống muốn tồn tại cũng phải sạch sẽ, tiện lợi, bảo quản hàng hóa tốt, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

 Thành phố trẻ ở thủ phủ dừa vào xuân Tân Sửu 2021 đã hơn hẳn những xuân qua. Thành công trong ngành bán lẻ một mặt được nhìn nhận là “khởi đầu” mới cho tương lai. Mặt khác, mở ra niềm tin, động lực, kỳ vọng đưa tỉnh bứt phá trong phát kinh tế toàn diện.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích