Các biện pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu

23/03/2022 - 06:11

BDK - Theo Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu Việt Nam (IMHE), biến đổi khí hậu (BĐKH) và các kịch bản nước biển dâng cho thấy, BĐKH đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn dự kiến trước đó.

Khảo sát đời sống người dân ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.

Khảo sát đời sống người dân ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Những tác động dự báo của BĐKH là mối đe dọa nghiêm trọng đối với năng suất nông nghiệp của ĐBSCL, tác động tiêu cực đến sinh kế của nhiều người dân do tầm quan trọng của nông nghiệp đối với khu vực này. Theo các kịch bản BĐKH, 70% vùng ĐBSCL có thể bị xâm nhập mặn do BĐKH.

Bến Tre và Trà Vinh là hai tỉnh nghèo nhất ĐBSCL. Tỉnh Trà Vinh là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Khmer, có tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao (25% năm 2020) so với mức trung bình (6%). Bến Tre và Trà Vinh là các tỉnh ven biển và chịu tác động tiêu cực của tình trạng khan hiếm nước ngầm, xâm nhập mặn đất trồng trọt, bão và lũ lụt. 70% dân số địa phương được coi là dễ bị tổn thương bởi tác động của BĐKH. Điều này có nghĩa là họ có thể dễ dàng tái nghèo. Những hộ nghèo và cận nghèo này cần được hỗ trợ liên tục để biến nông nghiệp thành một ngành kinh tế có lợi nhuận, có khả năng chống chịu với BĐKH.

Để giảm thiểu tác hại của môi trường đối với sự tăng trưởng của đất nước, Chính phủ đã và đang phát triển hoặc áp dụng các chính sách liên quan cùng các biện pháp giảm thiểu và thích ứng. Tại vùng ĐBSCL, Nghị quyết số 120 và Quyết định số 324 về Quy hoạch tổng thể ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030 gần đây đã cho thấy rõ những tác động rủi ro của BĐKH ngày càng tăng. Nghị quyết đưa ra hướng dẫn để chuyển đổi nền kinh tế đồng bằng sang một chuỗi giá trị nông nghiệp, kinh tế và xã hội thích ứng với BĐKH hơn. Nghị quyết, quyết định tập trung vào việc chuyển từ chủ yếu trồng lúa sang sản xuất nông nghiệp đa dạng hơn, từ số lượng sang chất lượng, theo hướng sản xuất và chế biến hữu cơ. Nguyên tắc cơ bản của nghị quyết là tôn trọng các quy luật tự nhiên, môi trường, phát triển liên kết và liên vùng, bền vững về môi trường và luôn tập trung vào thích ứng, chống chịu với BĐKH. Kế hoạch này kêu gọi biến thủy sản trở thành “ngành mũi nhọn” của khu vực, cũng như phát triển và bảo tồn bền vững rừng tự nhiên vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Công tác bảo vệ bờ biển, chống xói lở bờ sông sẽ được đẩy mạnh thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên bao gồm bảo vệ, phát triển rừng và rừng ngập mặn. 

Dự án đề xuất “Thúc đẩy cơ chế khuyến khích tài chính để quản lý rừng ngập mặn bền vững dựa vào cộng đồng ở Việt Nam (CM-FIM)” được xây dựng dựa trên giả định rằng rừng ngập mặn đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của BĐKH và thích ứng. Dự án tập trung vào hai tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cả nước bởi BĐKH và tác động của con người dọc theo sông Mekong: tỉnh Trà Vinh và Bến Tre nằm ở lưu vực cuối cùng của sông Mekong. Tổng số 20 ngàn ha rừng ngập mặn của 2 tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn giữ phù sa từ sông Mekong, hỗ trợ môi trường sống đặc hữu và đa dạng sinh học, đồng thời cung cấp nguồn sinh kế quan trọng cho khoảng 10 ngàn hộ gia đình sống liền kề với rừng ngập mặn. Do quy hoạch nhạy cảm với khí hậu trong hệ thống sản xuất và cơ sở hạ tầng hiện tại còn hạn chế, thiên tai, hạn hán đã ảnh hưởng đến 200 ngàn ha trồng lúa và cây ăn trái ở các tỉnh Trà Vinh và Bến Tre, đẩy 11 ngàn hộ gia đình trở lại tình trạng nghèo, trong khi có thêm 65 ngàn hộ gia đình trở nên dễ bị tổn thương.

Dự án sẽ nhắm mục tiêu đến tỉnh Trà Vinh và Bến Tre. Các tiêu chí để lựa chọn huyện và xã, theo thứ tự ưu tiên bao gồm: suy thoái môi trường và tính dễ bị tổn thương do khí hậu; tính dễ bị tổn thương của hệ sinh thái; tiềm năng sản xuất và nông nghiệp sinh thái; tỷ lệ và mức độ nghèo đói; mất an ninh lương thực và dinh dưỡng; sự hiện diện và số lượng các nhóm bị thiệt thòi hoặc yếu thế cụ thể; mức độ bổ sung cho các biện pháp can thiệp khác.

Các hộ nông dân sản xuất nhỏ dễ bị tổn thương với khí hậu sống trong và xung quanh khu vực rừng ngập mặn ở các tỉnh Trà Vinh và Bến Tre sẽ là đối tượng hưởng lợi chính của CM-FIM (khoảng 6 ngàn hộ gia đình hoặc 21 ngàn người).

Bài, ảnh: Vũ Tiến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN