Thi công cống Tân Phú, công trình thuộc Dự án Quản lý nguồn nước Bến Tre.
Nhiều công trình thủy lợi
Các công trình thủy lợi điều tiết nước, phòng chống xâm nhập mặn trọng điểm đã được triển khai thực hiện như: Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre (Giai đoạn 1), tiến độ thực hiện đạt hơn 98% giá trị hợp đồng; các cống cơ bản hoàn thành, chuẩn bị tổng nghiệm thu đưa vào sử dụng. Dự án Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre, đã nghiệm thu gói thầu số 2, 3; gói thầu số 1, khối lượng thực hiện đạt 91% giá trị hợp đồng trải qua 93% thời gian; gói thầu số 4, khối lượng thực hiện đạt 51% giá trị hợp đồng.
Dự án Quản lý nguồn nước tỉnh đã bàn giao xong mặt bằng và đang triển khai thi công xây dựng cống Bến Rớ và cống Tân Phú; cống Thủ Cửu, Cái Quao, Vàm Thơm, Vàm Nước Trong, An Hóa, Bến Tre đã thực hiện xong thông báo thu hồi đất, kiểm đếm. Dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực cù lao Minh trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng: gói thầu số 1, xây dựng và lắp đặt thiết bị tuyến ống từ cầu Hàm Luông về trạm tăng áp số 2 đạt 5% khối lượng. Gói thầu số 2 đạt 12% khối lượng. Gói thầu số 3 đạt 45% khối lượng. Tiến độ các gói thầu đều chậm so với kế hoạch do vướng mặt bằng thi công.
Xây dựng Hồ chứa nước ngọt Lạc Địa (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri), hiện đã hoàn thành khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi cũng như trong công tác đóng mở các cửa cống (linh hoạt theo điều kiện thời tiết thực tế), đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân.
Mô hình kinh tế thích ứng
Theo đánh giá của UBND tỉnh, có 14 mô hình trồng trọt và chăn nuôi được xem là có hiệu quả kinh tế và thích ứng BĐKH được nhân rộng. Trong đó, có 7 mô hình trồng trọt và 7 mô hình chăn nuôi.
Về trồng trọt có các mô hình: Phát triển cây bưởi da xanh thích ứng BĐKH (2020 - 2021) tại xã Tiên Long và Phú Đức, huyện Châu Thành. Phục hồi vườn chôm chôm bị ảnh hưởng hạn mặn của mùa khô năm 2020, tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách. Áp dụng giải pháp canh tác vườn chôm chôm trong điều kiện BĐKH theo hướng an toàn, chất lượng, tại xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách. Áp dụng giải pháp canh tác vườn sầu riêng trong điều kiện BĐKH theo hướng an toàn, chất lượng, tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành. Phát triển gốc ghép cây có múi chịu mặn trên các vùng đất chịu ảnh hưởng của BĐKH trên địa bàn tỉnh. Trình diễn giống lúa chịu mặn thích ứng BĐKH cho các xã vùng ven biển. Trồng củ sen trên đất lúa ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú.
Về chăn nuôi có: mô hình nuôi gà hữu cơ. Chăn nuôi heo ngoại theo hướng an toàn sinh học tại các tỉnh Nam Bộ. Nuôi tôm càng xanh toàn đực thích ứng với BĐKH gắn với tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất ương nghêu giống thích ứng BĐKH. Ương và nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao thích ứng BĐKH. Nuôi lươn thương phẩm bằng bể lót bạt cho các huyện ven biển. Trình diễn kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá chạch lấu.
Việc tăng cường khả năng chống chịu của cây ăn trái, cây dừa trước những thay đổi của khí hậu cũng được tỉnh quan tâm. Theo đó, thông qua các lớp tập huấn đã lồng ghép tuyên truyền, thông tin người dân về tình hình hạn mặn, vận động trữ nước ngọt để phục vụ cho mùa hạn mặn. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật để hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn mặn, góp phần nâng cao kiến thức về cách nhận biết từng đối tượng gây hại và biện pháp phòng trừ hiệu quả, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Được biết, UBND tỉnh hiện đang thực hiện lồng ghép kịch bản BĐKH tỉnh năm 2021 - 2030 và các giải pháp thích ứng, giảm nhẹ BĐKH được đưa vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và Quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.
Bài, ảnh: Phương Khê