“Phát triển bền vững tỉnh Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu”

31/12/2021 - 17:36

BDK.VN - Ngày 31-12-2021, Viện Khoa học xã hội (KHXH) vùng Nam Bộ phối hợp với tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Phát triển bền vững tỉnh Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.

Đại biểu trình bày tham luận.

Đại biểu trình bày tham luận.

Hội thảo với hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Tú Anh, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải tham dự.

PGS.TS. Lê Thanh Sang - Trưởng ban tổ chức, PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng - Phó viện trưởng phụ trách Viện KHXH vùng Nam Bộ, TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên - Phó viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ cùng chủ trì.

Tại hội thảo, đại biểu đến từ Viện KHXH vùng Nam Bộ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Đại học Trà Vinh, Nhóm Sáng tạo khởi nghiệp Bến Tre, Đại học Nguyễn Huệ (Đồng Nai)… đã trình bày các tham luận gồm: "Các vấn đề cơ bản của Bến Tre trong phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu"; “Chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt tỉnh Bến Tre thích ứng với biến đổi khí hậu”;  “Ứng xử kinh tế của nông hộ trong bối cảnh xâm nhập mặn (Nghiên cứu trường hợp xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách)”; “Di dân ở Bến Tre trong bối cảnh biến đổi khí hậu - Thực trạng và giải pháp”; “Tiềm năng và hướng phát triển bền vững du lịch nông nghiệp tại tỉnh Bến Tre”; “Tác động của xâm nhập mặn đến sản xuất nông hộ và biện pháp cải thiện đất canh tác lúa tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre”; “Nhận thức của người dân Bến Tre về rủi ro sức khỏe dưới tác động của biến đổi khí hậu (Nghiên cứu trường hợp xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam)”, “Bảo tồn di sản Bến Tre trước tác động của biến đổi khí hậu”.

Ý kiến của đại biểu cho rằng, Bến Tre đang trong bối cảnh mới. Tỉnh cần nhận diện các thách thức để nhận diện cơ hội. Bến Tre là tỉnh ven Biển Đông của đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống nước và đất rất nhạy cảm với nước biển dâng. Dân số và kinh tế gắn với nông nghiệp, nông thôn. Xu hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và tiêu dùng xanh. Quá trình chuyển đổi số diễn ra trong mọi mặt đời sống xã hội. Nước biển dâng kết hợp với khô hạn đang ngày càng nghiêm trọng, mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển của Bến Tre. Ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an ninh nguồn nước và mất đa dạng sinh học do yếu tố bên trong và bên ngoài. Nền kinh tế có giá trị gia tăng thấp và ít khả năng chống chịu các cú sốc từ các diễn biến môi trường và thị trường. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu và kỷ nguyên chuyển đổi số.

Bến Tre cần phát huy tối đa lợi thế kinh tế gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và lợi thế văn hóa sinh thái đặc thù để kiến tạo bản sắc lịch sử “xứ Dừa” của Bến Tre. Kiên trì và chủ động thực hiện chiến lược hướng Đông. Đây là lựa chọn “duy nhất đúng" và mang tính “sống còn” đối với Bến Tre. Không cố gắng mở rộng diện tích ngọt hóa mà xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế thích ứng với môi trường ngọt, lợ, mặn. Tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nhằm bảo vệ và phát huy nền tảng văn hóa sinh thái - nguồn lực cốt lõi của Bến Tre.

Một số vấn đề thực tiễn đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu: Hướng Đông là địa bàn có môi trường nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất với các tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, các kế hoạch phát triển tỉnh trong tương lai cần được tính toán và cập nhật dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các kịch bản biến đổi khí hậu có thể ít tính tin cậy cấp địa phương, tính bất định cao của biến đổi khí hậu và cả nguồn số liệu, phương pháp tính toán. Xung đột môi trường trong quy hoạch, điều phối nguồn nước giữa các khu vực sinh kế nước ngọt, lợ, mặn. Khả năng mất an ninh nguồn nước nghiêm trọng do nước biển dâng, suy giảm nguồn nước ngọt sông Mêkông, nước ngầm, và sụt lún đất. Ô nhiễm và suy thoái môi trường, sự xuống cấp của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có nguy cơ hủy hoại nền tảng cốt lõi của du lịch văn hóa sinh thái. Thu nhập và đời sống vật chất của người dân thấp hơn so với bình quân của vùng và cả nước.

Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên - Phó viện trưởng Viện KHXH vùng Nam Bộ cho rằng: Các tham luận cũng như ý kiến phát biểu trực tiếp của đại biểu thể hiện tính khoa học, hữu ích cho Bến Tre. Ban tổ chức hội thảo hoàn chỉnh các bài viết trong kỷ yếu và có báo cáo thể hiện đầy đủ các vấn đề tâm huyết để lãnh đạo tỉnh xem xét định hướng phát triển Bến Tre trong bối cảnh phát triển mới.

Tin, ảnh: Minh Triều

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN