Châu Thành tập trung xây dựng một mô hình công nghiệp phát triển gắn với nông nghiệp kỹ thuật cao

20/02/2011 - 15:59
Đường về Xã Văn hóa Sơn Hòa. Ảnh: H.H

Năm 2010, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của UBND tỉnh cùng các sở, ngành nên kinh tế - xã hội của huyện Châu Thành tiếp tục phát triển, an ninh, quốc phòng được giữ vững.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,7% so với năm 2009 và đạt 126,9% so với Nghị quyết HĐND; thu nhập bình quân đầu người là 16,28 triệu đồng/năm, đạt 119,2%. Giá trị sản xuất nông - ngư nghiệp tăng 6,4%, đạt 256%; công nghiệp - xây dựng tăng 24,4%, đạt 131,9% và thương mại - dịch vụ tăng 21,07%, đạt 113,9%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp: nông - ngư nghiệp chiếm 39,88%, công nghiệp - xây dựng chiếm 28,97%, các ngành dịch vụ chiếm 31,15%. Tổng thu ngân sách 105,443 tỷ đồng, đạt 187,1% so với nghị quyết.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả. Tiềm năng nông nghiệp được khai thác tốt hơn qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Mô hình trồng xen cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là trồng xen cây cacao. Việc chuyển dịch mạnh nuôi trồng thủy sản trong các năm qua đã đem lại hiệu quả khá tốt. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngoài các cơ sở sản xuất ổn định, Khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp có 29 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký là 3.867,4 tỷ đồng. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề thủ công mỹ nghệ từng bước được đầu tư đổi mới trang thiết bị; các nhà máy, xí nghiệp mới được đầu tư công nghệ, tạo thêm nhiều sản phẩm mới có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Các ngành dịch vụ có bước chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống dân cư.

Bên cạnh sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đại bộ phận quần chúng nhân dân đã tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào vận động mang tính chất xã hội hóa như: đóng góp xây dựng giao thông nông thôn (đã vận động xây dựng được thêm 49,25km đường, trong đó nhựa, bê-tông 37,07km; 36 cây cầu, với tổng kinh phí 10,6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 2,99 tỷ đồng)...

Ở lĩnh vực văn hóa - xã hội, các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch. Đời sống tinh thần, nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân được nâng lên. Bằng nhiều giải pháp, huyện đã kéo giảm được 5,73% hộ nghèo, đào tạo nghề và tạo việc làm cho 7.953 lao động; thực hiện tốt công tác chăm lo cho đối tượng chính sách, các hoạt động trợ giúp đối tượng khó khăn được duy trì và mở rộng.

Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X (2010-2015) và là năm kết thúc nhiệm kỳ 2005-2011 của UBND huyện. Đây là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tổng kết và đề ra các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm tới. Vì vậy, đòi hỏi năm 2011, huyện phải có sự phấn đấu vượt bậc. Xác định hướng đột phá về kinh tế của huyện là xây dựng nền công nghiệp phát triển gắn với sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao, đồng thời đẩy nhanh phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch từ nông nghiệp toàn diện, công nghiệp, thương mại - dịch vụ vào năm 2010 sang công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp kỹ thuật cao từ năm 2011. Nhiệm vụ chủ yếu của huyện là đẩy nhanh phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ, đưa ngành công nghiệp và thương mại - dịch vụ chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế song song với phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả và từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch phát triển từng cụm, vùng có chủ điểm hợp lý gắn với quy hoạch phát triển các khu thị tứ, thị trấn; tiếp tục nâng chuẩn, chất các tiêu chí, danh hiệu của phong trào xây dựng đời sống văn hóa, huyện văn hóa và xây dựng hoàn thiện các công trình thiết chế của Đề án Huyện văn hóa; triển khai kế hoạch và đầu tư xây dựng xã nông thôn mới, chọn xã Hữu Định làm điểm và Thành Triệu làm diện để triển khai; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội như: công tác giảm nghèo, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, lao động việc làm; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,87%, thu nhập bình quân đạt 17,5 triệu đồng/người/năm.

Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, huyện tiếp tục quy hoạch phát triển đô thị những xã thuộc trung tâm tiểu vùng để thu hút dân cư, phát triển thương mại; định hướng, hỗ trợ phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề để thu hút lao động nông thôn. Huyện đang nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch cho sát hợp với định hướng là: các xã cánh Đông sẽ đẩy mạnh phát triển về công nghiệp, thương mại; các xã thuộc cánh Tây sẽ quy hoạch vùng cây ăn trái chuyên canh và trên toàn huyện sẽ đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; phát triển hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch dài hạn. Đến hết năm 2011, các trục giao thông chính theo hướng Bắc - Nam (quốc lộ 60 cũ, quốc lộ 60 mới, đường nối cảng Giao Long đến TP. Bến Tre), Đông - Tây (đường tỉnh: 883, 884, đường huyện: 173, 175) của huyện sẽ cơ bản hoàn chỉnh.

Huyện đã và đang thực hiện các chính sách, giải pháp, tạo điều kiện để hỗ trợ nhân dân qua các chương trình, đề án đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho một bộ phận nhân dân chuyển đổi, không còn sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các đơn vị có dự án đầu tư sử dụng lao động địa phương hoặc bằng hình thức liên kết với nhân dân trong khu vực cùng tham gia vào dự án. Đây là vấn đề trọng tâm mà UBND huyện quan tâm giải quyết để phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, đúng định hướng, đúng quy hoạch, mang tính bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.

Ngô Văn Măng (Chủ tịch UBND huyện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN