Huy động các nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

16/01/2025 - 08:34

BDK - Bến Tre với quy mô kinh tế còn nhỏ nhưng với khát vọng phát triển, tầm nhìn chiến lược dài hạn, lãnh đạo tỉnh đã xác định nhiều lĩnh vực đột phá và một trong những lĩnh vực trọng tâm, chiến lược dài hạn là phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế biển để tạo động lực mới cho tăng trưởng trước mắt và lâu dài. Quy hoạch tỉnh đến 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được duyệt, trong đó một trong những chương trình trọng tâm là đầu tư lấn biển, tạo dư địa quỹ đất phát triển kinh tế và tạo hành lang kinh tế mới cho tỉnh, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn (thứ 3 và thứ 5, trái sang), cùng với lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự diễn đàn Mekong Connect năm 2024, tại An Giang. Ảnh: Cẩm Trúc

Tập trung huy động nguồn lực

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh và danh mục dự án (DA) dự kiến, đây là điều kiện và là cơ hội để các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) tìm hiểu, nghiên cứu và lựa chọn lĩnh vực, DA phù hợp đầu tư tại tỉnh. Với quyết tâm chính trị cao nhằm huy động các nguồn lực thực hiện quy hoạch, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư nhiều công trình hạ tầng, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để DN đầu tư và triển khai các DA đầu tư tại tỉnh. Năm 2023 - 2024, tỉnh đầu tư mạnh vào khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), tạo quỹ đất sẵn sàng cho nhà đầu tư, các “đại bàng” làm tổ. Cụ thể đã cơ bản hoàn thành hạ tầng KCN Phú Thuận với quy mô 231ha, KCN thứ ba lớn nhất của tỉnh, cùng với đầu tư mới, mở rộng các CCN như Tân Thành Bình, Phong Nẫm, An Đức - Ba Tri… thu hồi nhiều DA trước đây có sử dụng đất chưa triển khai, đất còn để trống nhằm tiếp tục tạo nguồn quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện DA.

Xác định DN là một trong các trụ cột chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao giá trị vùng nguyên liệu, tạo kim ngạch xuất khẩu và đóng góp chính cho ngân sách, lãnh đạo tỉnh không ngừng mời gọi hợp tác, tích cực huy động nguồn lực từ DN để khai thác các cơ hội đầu tư tại tỉnh, đặt mục tiêu huy động 500 ngàn tỷ đồng cho giai đoạn 10 năm 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2026 - 2030 cần ít nhất 310 ngàn tỷ đồng để thực hiện các DA đầu tư, nhất là cho khu vực kinh tế biển.

Để huy động vốn nêu trên, tỉnh phải có giải pháp quyết liệt, khả thi nhằm xúc tiến, huy động hiệu quả các nguồn lực, cụ thể hóa các cam kết được các nhà đầu tư đưa ra trong Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2024 (khoảng 11 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực) bằng các DA cụ thể; chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ mạnh mẽ nhà đầu tư, DN.

Hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích. Để huy động được các nguồn vốn đầu tư xã hội phục vụ phát triển theo quy hoạch, tỉnh phải tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Thứ nhất, bám sát các chính sách mới ban hành của Trung ương gắn với thực hiện các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh, thực hiện tốt các chủ trương phân cấp, phân quyền mà Trung ương đã giao cho địa phương, chủ động điều hành linh hoạt trong nguồn lực được phân cấp, thực hiện mạnh mẽ phương châm “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Thứ hai, nghiên cứu hình thức đầu tư mới như hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư trên nguyên tắc nguồn vốn đầu tư công sẽ được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để tạo dẫn dắt, lan tỏa, hỗ trợ thu hút nguồn vốn tư nhân và tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân triển khai nhanh. Tỉnh dồn sức đầu tư và hoàn thành kết cấu hạ tầng chiến lược, có tính kết nối liên vùng như đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2, cầu Ba Lai 8, Đình Khao và tuyến đường bộ, hệ thống cầu trên tuyến đường bộ ven biển kết nối vùng.

Thứ ba, dùng ngân sách đầu tư công đầu tư hoàn thiện các KCN, CCN tại Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; nhanh chóng đưa các khu đất ở An Điền, An Nhơn, Thạnh Phong vào kế hoạch phát triển KCN, CCN trong thời gian sớm nhất, tạo động lực, hành lang phát triển kinh tế biển.

Thứ tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rút gọn các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong điều hành kinh tế (PCI); năng động, cởi mở, hỗ trợ tốt cho nhà đầu tư, DN; bên cạnh các động lực truyền thống như đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng, tập trung mạnh để tăng quy mô kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, đổi mới sáng tạo để tạo động lực tăng trưởng mới GRDP cho tỉnh.

Thứ năm, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung ứng cho các DN, nhân lực cho lĩnh vực kinh tế mới như năng lượng tái tạo, năng lượng mới, công nghiệp chế biến chế tạo, hạ tầng kinh tế, các lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh; khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa phương. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và tạo nhóm DN dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực.

Thứ sáu, tăng cường liên kết vùng trong tất cả các lĩnh vực để các nhà đầu tư, DN không chỉ hợp tác, khai thác tiềm năng của tỉnh mà còn phối hợp, hợp tác với các tỉnh, thành khu vực, tạo ra thị trường kinh doanh, đầu tư rộng lớn cho cả vùng, trong đó, từng tỉnh, thành sẽ tận dụng, phát huy lợi thế của mình trong thị trường chung. Trước mắt duy trì và tham gia tích cực vào các diễn đàn điểm: Mekong Connect, Mekong Innovation, Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo, kinh tế trọng điểm vùng.

Thứ bảy, cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy cấp tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương, đi liền với bố trí, phân công lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tạo đội ngũ thực chiến đủ mạnh, có chuyên môn sâu nhằm tham mưu, phục vụ cho sự phát triển chung của địa phương, hỗ trợ tốt nhu cầu chính đáng của nhân dân và cộng đồng DN.

Tỉnh cùng cả nước đang bước vào một giai đoạn phát triển mới trong “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” bằng quyết tâm chính trị cao, cách làm mới, tỉnh phải không ngừng nỗ lực nâng tầm, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; năng động, thực thi hiệu quả các chính sách mới được Trung ương ban hành và phân cấp sẽ là cơ hội, thời cơ để đưa tỉnh lên vị thế mới, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Nguyễn Trúc Sơn - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN