Chủ trì buổi tọa đàm.
Tham dự có đại diện các ban đảng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Trường Chính trị, Báo Đồng Khởi, Đài Phát thanh và Truyền hình; đại diện thường trực và trưởng ban tuyên giáo các huyện uỷ, thành ủy, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ; đại diện lãnh đạo trung tâm chính trị các huyện, thành phố.
Sau một buổi làm việc nghiêm túc, khẩn trương, cuộc toạ đàm với chủ đề “Nâng cao năng lực cụ thể hóa thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng” đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Các đại biểu đã trực tiếp nghe nhiều tham luận của các đơn vị. Còn nhiều tham luận nhưng thời gian có hạn, Ban tổ chức sẽ nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cụ thể hóa thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong thời gian tới.
Tham luận của các đại biểu.
Kết thúc buổi toạ đàm, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Văn Dũng đánh giá cao buổi tọa đàm và cho rằng: Đây là lần đầu tiên các đại biểu tham gia gởi tham luận nhiều nhất, có 40 bài. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã khái quát một số nội dung qua ý kiến phát biểu và tham luận của các địa phương, đơn vị. Trong đó, nổi lên các nhóm vấn đề lớn về tầm quan trọng của việc cụ thể hoá thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, cán bộ, đảng viên trong học tập, quán triệt, cụ thể hoá thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng; giải pháp nâng cao năng lực cụ thể hoá thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong thời gian tới.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Văn Dũng cho rằng: Công tác chính trị, tư tưởng là nhiệm vụ hàng đầu của công tác xây dựng Đảng. Trong đó, việc cụ thể hóa thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nhằm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác này, các đơn vị, địa phương đã nghiêm túc đánh giá một cách khách quan hạn chế về năng lực cụ thể hóa thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong thời gian qua, thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, tồn tại, phân tích nguyên nhân hạn chế, thể hiện sự trăn trở và trách nhiệm cao trong đề xuất những giải pháp nâng cao năng lực cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Cấp Trung ương, Tỉnh uỷ và các cấp uỷ đều khẳng định những chủ trương, nghị quyết của Đảng ban hành rất đúng, rất trúng, rất hay, nhưng khâu yếu nhất đó là khâu tổ chức cụ thể hóa và thực hiện, nên nghị quyết chậm đi vào cuộc sống và hiệu quả chưa cao.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Văn Dũng phát biểu kết luận tọa đàm.
Các nội dung phát biểu tại buổi toạ đàm chủ yếu tập trung vào một số nhóm giải pháp cơ bản như đối với tổ chức triển khai, quán triệt nghị quyết. Thời gian qua, các cấp ủy đảng có quan tâm đổi mới cách thức tổ chức triển khai, quán triệt việc học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc học tập nghị quyết, quy định thành tiêu chuẩn xét thi đua, đánh giá cán bộ, đảng viên. Trong đó, khâu quan trọng nhất đó là khâu cụ thể hoá và tổ chức thực hiện.
Nguyên nhân yếu kém ở khâu này trong thời gian qua là do: Cụ thể hoá không sát thực tế của ngành, địa phương, lý luận chung chung, sao chép; đưa ra các chỉ tiêu không phù hợp, quá cao hoặc quá thấp; nhiệm vụ giải pháp chung chung, thiếu cụ thể, khó thực hiện; phân công tổ chức thực hiện chưa rõ cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp; không xác định rõ nguồn lực, thời gian thực hiện, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Và cơ bản nhất đó là năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không là ở khâu cấp uỷ và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Cũng theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, để nâng cao năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghị quyết đòi hỏi phải đảm bảo khâu tổ chức học tập, quán triệt phải nắm chắc, hiểu rõ bối cảnh, quan điểm, mục tiêu của nghị quyết cần đạt. Cụ thể hoá phải phù hợp, sát với tình hình thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương, bằng đầu việc, việc làm cụ thể, tránh lý luận chung chung; phân công rõ người, rõ việc trong việc chủ trì và phối hợp; rõ nguồn lực; thời gian thực hiện, thời gian kết thúc; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc trong quá trình tổ chức thực hiện theo phương châm “Lãnh đạo nội dung gì, thì kiểm tra, giám sát nội dung đó”; kiểm tra, giám sát kịp thời, đúng trọng tâm. Lê-nin nói: “Không kiểm tra, giám sát thì coi như không có lãnh đạo”. Vấn đề quan trọng quyết định là cấp uỷ, lãnh đạo và đội ngũ cán bộ. Bởi hiệu quả thực hiện nghị quyết là thước đo phẩm chất, năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền, phải bảo đảm thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tới Nhân dân, nhất là ở cơ sở. Trong đó, cần tập trung phát huy vai trò báo cáo viên, tuyên truyền viên và công tác tuyên truyền miệng.
“Cuộc tọa đàm hôm nay cơ bản đạt kết quả tốt, chúng ta cũng đã rút ra những bài học quý báu, thống nhất một số nhiệm vụ giải pháp để góp phần nâng cao năng lực cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Sau tọa đàm này, đề nghị các cấp ủy tiếp tục rà soát, đánh giá đúng thực chất tình hình cụ thể từng địa phương, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những giải pháp góp phần khắc phục được những hạn chế, yếu kém, nâng cao năng lực cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết Đảng trong cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân, có như thế, các chủ trương, nghị quyết của Đảng sẽ sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước sâu rộng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI” - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Văn Dũng nhấn mạnh.
Tin, ảnh: Huyền Thu