Chủ động ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2023 và năm 2024

13/10/2023 - 21:29

BDK.VN - Chiều 13-10-2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Phó trưởng ban, phụ trách công tác phòng, chống thiên tai tỉnh Đoàn Văn Đảnh chủ trì hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, hạn mặn năm 2022-2023, xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện trong năm 2023-2024.

Chủ trì hội nghị.

Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh là thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; các huyện, thành phố; Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố; Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố, Đồn biên phòng phối hợp với 3 huyện ven biển tham dự.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, thời gian qua công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai năm 2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bến Tre xếp hạng 19/63 tỉnh, thành cả nước và xếp hạng 5/13 khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, với số điểm 75,15 điểm, cơ bản đạt yêu cầu theo Bộ chỉ số.

Tuy nhiên, thiệt hại do thiên tai còn rất lớn. Đợt hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 chỉ ước tính thiệt hại của ngành nông nghiệp đã lên đến 1.660 tỷ đồng. Trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã được Trung ương hỗ trợ 1.103 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương), 642 tỷ đồng (vốn ODA) và 265 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương) để triển khai thực hiện 41 công trình, dự án chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gắn với mục tiêu phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí khoảng 1.160 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 6 dự án cấp bách phòng, chống sạt lở. Từ đầu năm 2022 đến nay, giông lốc gây ảnh hưởng trên 100 căn nhà ở của người dân.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia phát biểu tại hội nghị.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị đại biểu nghe các tham luận cập nhật xu thế tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn trong những tháng cuối năm 2023 và nhận định tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024; công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai, xâm nhập mặn 2023-2024…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nguyễn Minh Cảnh đề nghị: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm những nội dung chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Chính phủ, của lãnh đạo tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đưa dự báo và kịp thời thông tin đến người dân. Xây dựng, sửa chữa các công trình, đập tạm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình dự án.

Sửa chữa, nâng cấp công trình bờ bao, cống ngăn mặn; nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh rạch nội đồng để tăng lượng tích trữ nguồn nước. Các đơn vị chủ đầu tư có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước để kịp đưa vào khai thác, sử dụng trong mùa hạn mặn 2023-2024. Ngành hữu quan cần có phương án cung cấp nước ngọt khi xảy ra hạn mặn gay gắt, đảm bảo người dân có nước ngọt sử dụng. Các huyện rà soát lại máy RO, cần thiết nhờ cán bộ kỹ thuật hỗ trợ để hoạt động khi mặn diễn ra.

Phát huy vai trò tích cực, chủ động của người dân trong thực hiện các giải pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả. Sẵn sàng triển khai ứng phó tại chỗ đảm bảo an toàn về người, tài sản, bảo vệ sản xuất lúa, hoa màu, các vùng cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thủy sản,… khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm 2023 bằng nhiều hình thức đảm bảo đủ nguồn nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp xâm nhập mặn tăng đột biến, bất thường. Bố trí lịch thời vụ gieo trồng hợp lý để tạo điều kiện đẩy sớm thời điểm xuống giống lúa vụ Đông Xuân phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, bảo đảm tránh thời điểm xâm nhập mặn lên cao trùng với thời kỳ sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng. Các diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn cần lùi thời vụ xuống giống đến khi nguồn nước bảo đảm đủ cung cấp. Khảo sát, đề xuất danh mục và phương án thực hiện các công trình đập tạm ngăn mặn, bờ bao ngăn mặn cục bộ; các công trình thủy lợi, cống ngăn mặn cần được duy tu, sửa chữa...

Sạt lở khu dân cư, công trình công cộng phải xây dựng phương án bảo vệ. Trường hợp sạt lở nghiêm trọng thì ngành hữu quan và tỉnh tìm phương án xử lý, giảm thiểu thiệt hại...

Tin, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN