Chủ động ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh

27/09/2023 - 05:42

BDK - Trong vòng 20 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh, thiên tai đã làm 43 người chết, 84 người mất tích, 819 người bị thương; trên 28 ngàn căn nhà bị sập đổ và 100 ngàn căn nhà bị hư hỏng, tốc mái; 200 ngàn héc-ta lúa bị thiệt hại và 100 ngàn héc-ta cây ăn trái bị ảnh hưởng; gần 250 ngàn kí-lô-mét đê bao, bờ bao bị ngập úng, sạt lở; trên 350 ngàn người bị thiếu nước sạch sử dụng. Ước tổng giá trị thiệt hại 8 ngàn tỷ đồng...

Chăm sóc cây trồng trong mùa hạn mặn.

Chăm sóc cây trồng trong mùa hạn mặn.

Phòng chống hạn mặn

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Thắm, qua thực hiện công tác phòng chống, ứng phó với hạn mặn mùa khô năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020, tỉnh đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, huyện đến xã và toàn thể nhân dân. Đồng thời, thực hiện đồng bộ cả 2 giải pháp công trình và phi công trình.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, dự báo tình hình xâm nhập mặn. Trong đó, có chú trọng thực hiện dự báo sớm, dài hạn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và khuyến cáo lịch thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tránh bị động. Bố trí lịch thời vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương trong điều kiện hạn mặn.

Tập trung nâng cao nhận thức, năng lực của người dân trong phòng chống, ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn thông qua tổ chức thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Phát huy tính sáng tạo trong nhân dân, nhân rộng các mô hình hay, các biện pháp trữ nước ngọt, tưới tiết kiệm nước. Khuyến khích người dân tự trang bị máy đo mặn để theo dõi diễn biến mặn và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cao vào quá trình sản xuất nông nghiệp.

Một trong những kết quả nổi bật nhất của tỉnh trong công tác phòng chống hạn mặn là phong trào “Đồng khởi” trữ nước mưa, nước ngọt do Tỉnh ủy phát động từ năm 2016. Phong trào đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của người dân, chính quyền địa phương các cấp; nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, toàn tỉnh đã có gần 99% hộ dân có đủ điều kiện, dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt. Người dân chủ động trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức, phương tiện, góp phần giảm đáng kể tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô những năm gần đây.

Khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển

Trước tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh trong khi nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, chưa thể đầu tư, xử lý được hết các điểm sạt lở, tỉnh quan tâm thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” để kịp thời triển khai các giải pháp cấp bách khi có tình huống. Kịp thời triển khai các giải pháp cấp bách để xử lý sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế thiệt hại do sạt lở. Cụ thể, tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực đã, đang và có nguy cơ cao bị sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng. Thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở. Tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để xử lý, gia cố tạm thời khi có sự cố nhằm hạn chế thiệt hại.

Khi có tình huống sạt lở xảy ra, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các ngành, các cấp địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện giúp người dân khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách hỗ trợ bố trí, ổn định dân cư tại các vùng sạt lở; chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội…

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã triển khai 16 dự án/công trình phòng chống sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài 28km, kinh phí thực hiện 680 tỷ đồng; 6 dự án/công trình phòng chống sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 9km, kinh phí thực hiện 464 tỷ đồng.

“Trong thời gian tới, tỉnh kiến nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ tiếp tục có dự báo, cảnh báo sớm về tình hình nguồn nước và xâm nhập mặn hàng năm để các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Bến Tre nói riêng có sự chủ động trong công tác chuẩn bị phòng chống, ứng phó. Các bản tin dự báo, cảnh báo trong giai đoạn mặn diễn biến gay gắt có thể nêu cụ thể hơn về thời điểm, khu vực có khả năng xuất hiện nước ngọt giúp người dân kịp thời tận dụng tối đa nguồn nước. Ban hành bản tin cảnh báo mưa giông, sét sớm hơn để có thời gian chuyển tiếp, thông báo đến các địa phương và người dân”.

(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Thắm)

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN