Chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu

18/09/2023 - 06:24

BDK - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, các cấp, ngành và địa phương đã tập trung quyết liệt, chủ động phòng chống thiên tai (PCTT), thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản, nhất là sản xuất nông nghiệp. Hiện tỉnh đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với hiện tượng El Nino có khả năng tiếp tục duy trì và kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024. Tình hình thiên tai, xâm nhập mặn được dự báo sẽ diễn biến cực đoan, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.

Thi công bờ kè chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại.

Thi công bờ kè chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại.

Tình hình thiên tai những tháng đầu năm 2023

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 5 đợt giông lốc gây hư hỏng, tốc mái 88 căn nhà ở, 2 người bị thương do tole rơi trúng. Trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất là các huyện  Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và Chợ Lách. Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh trong những năm qua diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nhanh hơn gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, dân sinh. Những khu vực đã và đang diễn biến sạt lở nghiêm trọng như sạt lở bờ biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; sạt lở bờ sông Mỏ Cày; sạt lở khu vực các cồn trong tỉnh. Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh còn khoảng 13km bờ sông và 8,5km bờ biển đang bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng nhưng chưa được bố trí vốn để đầu tư xây dựng công trình, ước tổng nhu cầu kinh phí thực hiện 730 tỷ đồng.

Trong đó, từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng. Đó là sạt lở bờ sông huyện Mỏ Cày Nam (Mỏ Cày). Sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp một số trụ sở cơ quan và cuộc sống, sinh hoạt của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến quốc lộ 57. UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở theo quy định. Sạt lở bờ sông Giao Hòa thuộc huyện Châu Thành gây ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường huyện 03. Khu vực sạt lở nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng công trình cống An Hóa thuộc Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA 3) do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 - Bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện. Tỉnh đã có đề xuất, kiến nghị Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 xem xét, hỗ trợ tỉnh sớm triển khai xây dựng công trình cống An Hóa, nhất là hạng mục công trình nằm trong khu vực đang và có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở để đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra.

Tình hình xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023 tuy không diễn biến gay gắt nhưng cũng gây tác động đến các hoạt động sản xuất, dân sinh trên địa bàn  tỉnh. Hiện tượng sóng to, gió lớn trên biển thường xuyên xảy ra đã gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác thủy, hải sản của ngư dân và gây sạt lở bờ biển.

Dự báo thiên tai và các giải pháp phòng chống

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì và có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024 với xác suất trong khoảng từ 80 - 90%. Tình hình triều cường lên nhanh từ đầu tháng 9, đỉnh triều cao nhất xuất hiện trong cuối tháng 10, đầu tháng 11, một số trạm đạt mức cao xấp xỉ đỉnh triều lịch sử. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài ở mức tương đương, cao hơn mùa khô năm 2015-2016 và không loại trừ trường hợp cực đoan, kéo dài và đạt lịch sử như mùa khô năm 2019-2020 do tác động của công trình cống, đập giữ nước tại thượng nguồn tỉnh và tại các địa phương giáp ranh tỉnh, mặn khả năng sẽ xâm nhập sớm vào các sông trên địa bàn tỉnh từ nửa cuối tháng 11-2023. Các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai gồm 3 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; khu vực ven sông và các cồn trên sông thuộc các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách.

Để hạn chế thiệt hại, Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh cho biết: Sở sẽ phối hợp triển khai bằng nhiều giải pháp. Đối với các biện pháp phi công trình, tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Có phương án về ứng phó với các loại hình thiên tai như: giông lốc, bão, ấp thấp nhiệt đới; triều cường, ngập úng, tràn, vỡ đê; sạt lở bờ sông, bờ biển. Biện pháp công trình, tiếp tục đầu tư, xây dựng các công trình PCTT, thủy lợi, đê điều, cấp nước nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô hàng năm cũng như các dự án có lồng ghép mục tiêu PCTT trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, lập danh mục các công trình bị hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn để kịp thời xử lý, không để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình. Cần đặc biệt quan tâm xử lý và huy động nguồn lực để hoàn thành việc xử lý đối với những sự cố công trình đã xảy ra trong các mùa lũ, bão trước; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng, đảm bảo ứng phó ngay khi có sự cố xảy ra, bảo đảm thực hiện việc xử lý sự cố công trình theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tăng cường công tác quản lý đê điều; đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, bờ bao và xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu đê điều. Xây dựng phương án về bảo vệ các trọng điểm xung yếu của công trình trong mùa mưa. Thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng, khả năng ngăn triều cường, chống bão, lũ của từng công trình khi có tình huống bất lợi xảy ra đối với các công trình.

Bài, ảnh: Hoàng Duy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN