Hộ dân tại xã Minh Đức được hỗ trợ dụng cụ chứa nước sạch.
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, tình hình thiên tai những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 diễn biến phức tạp, khó lường. Cụ thể, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì và có khả năng kéo dài cho đến những tháng đầu năm 2024 với xác suất từ 80 - 90%. Mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm (khoảng vào nửa cuối tháng 10-2023), lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm; nhiệt độ trung bình tại các khu vực cao hơn.
Tình hình triều cường lên nhanh từ đầu tháng 9-2023, đỉnh triều cao nhất xuất hiện trong cuối tháng 10, đầu tháng 11, một số trạm đạt mức cao xấp xỉ đỉnh triều lịch sử. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015 -2016.
Do đó, các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng; chuyển tiếp thông tin dự báo, cảnh báo, số liệu đo mặn hàng ngày tại các trạm đến lãnh đạo cấp huyện, xã và thông qua các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook) về phòng chống thiên tai để người dân biết, ứng phó.
Lĩnh vực trồng trọt: Khuyến cáo nhân dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; sử dụng các giống thích nghi với điều kiện hạn mặn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt; tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương… để tiết kiệm nước.
Lĩnh vực chăn nuôi: Hướng dẫn người dân dự trữ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi; các biện pháp vệ sinh tiêu độc, sát trùng chuồng trại, phòng ngừa các loại dịch bệnh thường xảy ra đối với gia súc, gia cầm trong mùa khô.
Về thủy lợi, trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam có 62 công trình thủy lợi (trong đó: 11 cống đang vận hành hiệu quả; 39 cống tạm ngăn mặn cục bộ và 12 tuyến đê bao, bờ bao với tổng chiều dài gần 50km và hệ kênh rạch chằng chịt.
Ngoài ra, còn khoảng 500 công trình nhỏ, do nhân dân tự xây dựng và quản lý sử dụng. Tổng diện tích tưới chủ động của huyện trên 13.000ha, đạt khoảng 70% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện; trong đó, gần 9.000ha được tưới từ các công trình thủy lợi đã được xây dựng kiên cố do cấp huyện và cấp tỉnh quản lý, còn hơn 400ha được tưới từ các công trình do nhân dân tự xây dựng. Nhìn chung, cơ bản phục vụ tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi, huyện đề ra một số giải pháp: Đối với các hệ thống công trình đã được đầu tư khép kín (cống Vàm Đồn, cống Tân Hương, cống Bình Bát, cống Tân Trung, cống Đìa Dứa, cống Bà Linh, cống Minh Nghĩa, cống Sa Kê, cống Giồng Võ, cống Tân Ngãi, cống Tân Tập và các cống tạm cục bộ): chú trọng việc vận hành các cửa cống theo hướng ngăn triều cường, tăng cường trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Riêng các hệ thống công trình chưa được đầu tư khép kín: tổ chức vận động người dân đắp bờ bao từng khu vực cục bộ, đắp đập tạm để chống triều cường, ngăn mặn, trữ ngọt. Tổ chức kiểm tra, theo dõi độ mặn tại các công trình đầu mối quan trọng để vận hành đóng mở cửa cống đảm bảo lấy nước tưới trong điều kiện nồng độ mặn cho phép và ngăn triều cường.
Bên cạnh đó, toàn huyện được trang bị 44 hệ thống lọc nước RO, trong đó hư hỏng 2 hệ thống (xã Phước Hiệp). Các hệ thống còn lại (42 hệ thống) thực hiện tốt công tác bảo dưỡng nhằm kịp thời vận hành khi độ mặn gay gắt để cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Trên địa bàn huyện có 5 nhà máy cấp nước, tổng công suất xử lý 10.350m3/giờ, tương đương 25.000m3/ngày đêm, phục vụ cho trên 32.000 hộ dân. Đặc biệt, việc đưa vào khai thác sử dụng cống Sa Kê tạo điều kiện cho Công ty TNHH Cấp thoát nước Mỏ Cày có nguồn nước ngọt đảm bảo để cung cấp nước ngọt phục vụ cho trên 28 ngàn hộ dân của huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc. Huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch cấp nước cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô hạn, đảm bảo số lượng và chất lượng. |
Bài, ảnh: Thảo Trần