Hưng Khánh Trung B chủ động ứng phó xâm nhập mặn

27/03/2023 - 05:25

BDK - Toàn xã Hưng Khánh Trung B (Chợ Lách) có 22km đê bao đã được khép kín, cùng 130 cống ngăn mặn trữ ngọt đang vận hành đã phát huy tác dụng trong ứng phó tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra trong mùa khô năm 2023.

Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh Trung B Nguyễn Công Tráng giới thiệu mô hình trữ nước trong ao lót bạt phục vụ sản xuất.

Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh Trung B Nguyễn Công Tráng giới thiệu mô hình trữ nước trong ao lót bạt phục vụ sản xuất.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thời gian qua, cùng với quá trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, cấp ủy, chính quyền xã Hưng Khánh Trung B đã thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi trên địa bàn, góp phần phục vụ đời sống và sản xuất của người dân địa phương. Các công trình thủy lợi được triển khai với sự đồng thuận và ủng hộ của người dân đã phát huy được lợi ích. Điển hình như tuyến đê bao Bưng Tích từ quốc lộ 57 đến cống Sáu Kiểu qua ấp Phú Hưng dài 1,85km, chân đê cao 6m, mặt đê 2,5m hoàn thành năm 2022, góp phần khép kín hệ thống đê bao trên địa bàn xã.

Các tuyến đê bao kết hợp cống thủy lợi đóng mở khi có xâm nhập mặn đã bảo vệ vùng sản xuất cây giống của địa phương. Trong đợt mặn mùa khô 2022 tuy có kéo dài nhưng người dân không bị thiệt hại. Hiện xã Hưng Khánh Trung B tiếp tục duy trì bảo quản, sử dụng các công trình thủy lợi này. Đồng thời, ngay từ đầu mùa khô 2023, không chủ quan, xã đã tuyên truyền, vận động người dân chủ động nạo vét kênh mương, trữ nước ngọt, đo kiểm tra độ mặn thường xuyên trước khi tưới cho cây trồng.

 Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh Trung B Nguyễn Công Tráng cho biết: Toàn bộ 7 ấp của xã đều có bố trí điểm đo độ mặn miễn phí hàng ngày phục vụ người dân. Ngoài ra, xã còn thực hiện đo kiểm tra độ mặn hàng ngày tại 3 điểm trọng yếu tại khu vực rạch Cái Hàn, Vàm Tắc (sông Cổ Chiên) và Hòa Khánh (sông Hàm Luông) để cập nhật, báo cáo về huyện. Tại địa phương cũng đã thành lập tổ phụ trách đóng, mở các nắp cống, đo kiểm tra và xả nước, lấy nước vào thường xuyên, tránh ô nhiễm nguồn nước tưới.

Người dân chủ động trữ nước

Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh Trung B Nguyễn Công Tráng cho biết: Từ năm 2016, sau đợt hặn mặn lịch sử gây thiệt hại nghiêm trọng, ý thức người dân địa phương đã thay đổi và nâng cao hơn, chủ động hơn trong ứng phó với xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu. Bên cạnh các giải pháp về công trình là hoàn thiện đê bao, thủy lợi thì tại từng hộ dân cũng đã chủ động các giải pháp về nguồn nước tưới. Mỗi gia đình đều có trang bị ống hồ chứa nước sinh hoạt. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống đều có ứng dụng các giải pháp trữ nước như: đắp hồ chứa, lót bạt, tận dụng hệ thống kênh mương, bao, bọng để trữ nước.

Hộ của bà Nguyễn Thị Tưởng, Tổ số 9, ấp Tân Trung, với 14 công đất, chuyên sản xuất cây mai con, mai ghép các loại. Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 diễn ra đột ngột làm cho vườn mai của gia đình bà hư hại rất nhiều. Sang những năm tiếp đó, gia đình chưa làm được hồ chứa. Bà đã mua các bao trữ nước 25m3 để vượt qua khó khăn. Hiện nay, khi hệ thống đê bao của xã đã khép kín, bà Tưởng cũng đã đầu tư nạo vét kênh mương quanh vườn để trữ nước và lắp đặt máy bơm để tưới vườn mai.

Bà Tưởng cho biết: “Nhà tôi có hồ chứa nước và trữ trong rạch. Nước xuống thì vườn tôi cũng đủ nước để tưới cho vườn mai. Các hộ lân cận cũng cùng đặt máy bơm lấy nước tưới trên rạch này. Dù vậy, do cây mai rất nhạy cảm nên chúng tôi hàng ngày đều phải đo kiểm tra kỹ lưỡng rồi mới dám bơm tưới cây. Nhà tôi làm nhiều nên không dám chủ quan, nhiều khi vướng mặn một chút hàng ngày tích dần cũng hại cho cây”.

Hiện độ mặn trên sông Cổ Chiên đang thấp nên người dân mở cống xả nước, tránh ứ đọng ô nhiễm. Khu vực 3 ấp: Tân Trung, Trung Hiệp và Thanh Trung của xã Hưng Khánh Trung B nằm trong phạm vi đê Thanh Trung đã được khép kín, với tổng chiều dài khoảng 2,5km, được hưởng lợi từ thành quả của công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng, giúp ngăn mặn trữ ngọt hiệu quả.

Hay như hộ ông Lê Quốc Nghị, Tổ số 10, ấp Trung Hiệp đã đầu tư hồ lót bạt trữ 1.200m3 nước để tưới cho vườn mai khoảng 4.000m2. Ông Nghị cho biết: “Ngoài hồ này thì tôi cũng có bao bọng thêm ở rạch, chừng nào xài hết nước bên ngoài hoặc khi mặn cao nhiễm bên ngoài thì mới xài đến hồ trữ. Từ đầu mùa khô tới nay, mỗi lần tưới là mỗi lần đo để đảm bảo an toàn”.

Toàn huyện Chợ Lách hiện đê bao chiếm trên 92% diện tích đất sản suất nông nghiệp, với 105,7km đê bao vững chắc, phục vụ 4.985ha đất sản xuất; 76,77km đê bao an toàn, phục vụ diện tích 1.611ha, 60km bờ bao phục vụ diện tích 2.652ha là đê bao cục bộ do Nhà nước hỗ trợ cống, dân đắp đê, toàn huyện có hơn 1.048 cống ngăn mặn trữ ngọt. Người dân chủ động trữ nước thông qua các ao lót bạt và túi trữ ứng phó hạn mặn với trên 1.200 ao, trữ từ 100 - 2.000m3.

“Vừa qua, mặn đột ngột xâm nhập sâu, nhưng nhờ có thông tin kịp thời nên người dân đã tổ chức đóng cống. Hầu như nước trong mương vườn không bị ảnh hưởng do mặn. Theo như dự báo, mưa sẽ đến sớm và tình hình mặn không gay gắt nhưng huyện vẫn thường xuyên theo dõi và nhắc nhở, thông tin trên nhóm Zalo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện và xã để thông tin hạn mặn từng thời điểm cho người dân chủ động lấy nước phục vụ sản xuất”.

(TS. Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách)

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN