Đại biểu Đặng Thuần Phong ủng hộ làm đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam

15/11/2024 - 11:03

BDK.VN - Tham gia thảo luận tại Tổ về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội có ý kiến về các nội dung trên như sau:

Đại biểu Đặng Thuần Phong phát biểu tại Phiên thảo luận Tổ.

Đối với việc mở rộng đường băng phía Bắc của sân bay Long Thành, đại biểu cho rằng sớm muộn gì cũng phải làm, nếu có điều kiện làm luôn vừa tiết kiệm, vừa rút ngắn được thời gian, vừa đảm bảo được các yêu cầu hoạt động sau này và sớm hoàn thiện các hạng mục cần thiết cho việc đầu tư sân bay Long Thành và làm sớm thì có khả năng tiết kiệm được chi phí phát sinh. Đại biểu hoàn toàn ủng hộ trong điều kiện có thể làm được thì làm luôn như thế là thích hợp và việc mở rộng là rất cần thiết, có tác dụng dự phòng khi đường băng số 1 bị sự cố sẽ có đường băng số 3 để xử lý.

Đối với việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đại biểu cho biết các nhiệm kỳ trước đây Quốc hội cũng đã bàn nhiều lần nhưng do tình hình GDP của đất nước lúc đó chưa cho phép, thu nhập bình quân đầu người còn thấp và nợ công còn cao nên chưa thể đầu tư được đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Đại biểu cho rằng tuyến đường này là niềm mơ ước của Nhân dân, nếu làm được sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, đất nước thống nhất từ lâu nay có tuyến đường sắt cao tốc nối liền như một mạch máu xuyên suốt cho vận tải, sẽ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội rất lớn.

Trong điều kiện ngân sách hiện nay, chúng ta có khả năng làm được thì đại biểu rất đồng tình và ủng hộ về mặt chủ trương. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu thấy có một số vấn đề cần phải xem xét thấu đáo hơn, cụ thể:

Thứ nhất là về nguồn vốn thực hiện dự án dự kiến là 67 tỷ USD, với thời gian thực hiện trong 8 năm. Đại biểu đặt vấn đề liệu trong 8 năm đó tổng nguồn vốn có phát sinh không, vì thời gian kéo dài các dự án đa số đều bị đội vốn, và nếu phát sinh thì mức độ dự báo phát sinh cỡ nào, giải pháp xử lý ra sao. Mặc dù có phân kỳ đầu tư từng năm nhưng phân kỳ trả nợ cũng là vấn đề lớn cần bàn tính. Ngoài ra, dự án này Nhà nước đầu tư hoàn toàn từ ngân sách hay có cho phép các thành phần kinh tế khác tham gia không. Đây là các vấn đề Chính phủ cần làm rõ.

Vấn đề thứ hai đại biểu quan tâm là về công nghệ. Dự kiến tốc độ của tàu chạy là 350 km/h, nhưng theo đại biểu cái chính là công nghệ nào, độ bền lâu dài và hiệu quả của nó để phát huy tác dụng, cần phải nghiên cứu tìm xem công nghệ nào hiệu quả trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của nhiều quốc gia đi trước để tính toán.

Cùng với vấn đề lựa chọn công nghệ, đại biểu quan tâm đến khả năng tự chủ đối với toàn bộ hệ thống trang thiết bị sau này, vì nhiều khi đầu tư xây dựng xong đường sắt rồi tới các cơ khí nhỏ, những toa tàu, những phương tiện kỹ thuật khác… đều phải nhập của nước ngoài vì không tự sản xuất, không tự làm chủ được sẽ dẫn tới lãng phí và lệ thuộc lớn. Nếu có vấn đề, sự cố phát sinh thì việc vận hành hệ thống này sẽ bị ách tắc ngay. Vấn đề này đã chuẩn bị như thế nào thì chưa thấy trong báo cáo của Chính phủ.

Một vấn đề quan trọng và quyết định nữa, theo đại biểu, đó là nguồn nhân lực phục vụ vận hành hệ thống. Đại biểu đề nghị ngay từ bây giờ phải chuẩn bị để khi hoàn thành xong đưa vào sử dụng thì có nguồn nhân lực sẵn sàng để tham gia điều hành, phục vụ, đội ngũ này phải có khả năng tiếp cận ngay công nghệ và sử dụng nó thành thạo để không bị lệ thuộc.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ và chuẩn bị kỹ các vấn đề nêu trên để các đại biểu Quốc hội thực sự an tâm khi xem xét thông qua. 

Đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm về nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhượng quyền, nhận quyền sử dụng đất và đang có quyền sử dụng đất, đại biểu đánh giá rất cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế vì báo cáo này đã chỉ cho Chính phủ thấy rõ nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong Tổ, hiện tại việc triển khai xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của các Luật Đất đai, Luật Nhà ở…các địa phương chưa thấy báo cáo vướng mắc gì. Nếu không có vướng mắc thì cứ theo quy định của pháp luật mà làm, không cần thiết phải thí điểm.

Việc này nói là thí điểm nhưng nhà ở thương mại nhà đầu tư xây dựng để kinh doanh, mua bán, quyền sử dụng đó giao người ta là mấy chục năm, thậm chí là vĩnh viễn, như vậy nếu có phát sinh vấn đề gì thì hậu quả pháp lý của các giao dịch đó sẽ xử lý thế nào nếu đã mua bán xong hết rồi.

Theo đại biểu, đây là vấn đề lớn cần hết sức cân nhắc, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, nếu pháp luật hiện hành được triển khai không vướng mắc, thì không nên thí điểm những điều mà pháp luật không quy định, nếu thí điểm thành công thì có thể tổng kết đưa vào luật để quy định nhưng nếu không thành công thì xử lý hậu quả ra sao.

Ngoài ra, theo đại biểu, phạm vi áp dụng của đất đai theo dự thảo Nghị quyết là quá rộng, bao gồm cả đất trồng lúa, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và cả đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo. Hệ lụy từ phạm vi sử dụng các loại đất này chưa được tính toán kỹ.

Đặc biệt, vấn đề này liên quan tới quy hoạch, mà quy hoạch thì theo từng cấp, theo từng vùng, từng lĩnh vực, bây giờ cho thí điểm như thế này liệu có phá vỡ những quy hoạch đó hay không và hệ lụy ai sẽ chịu trách nhiệm nếu có xảy ra vi phạm.

Còn đối với đất quốc phòng, an ninh thì ưu tiên số một là để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh của quốc gia. Đa số đất quốc phòng, an ninh liên quan tới rừng, biên giới, hải đảo mà giao cho các doanh nghiệp xây nhà ở thương mại để kinh doanh, đây là vấn đề hết sức cân nhắc.

Trong khi đó, nhà ở thương mại hiện nay xây dựng rất nhiều, nhiều dự án bán không được bỏ hoang, bây giờ lại tiếp tục cho thí điểm mà chủ yếu làm ở các đô thị. Ở các đô thị cung nhà ở thương mại hiện tại đã quá cầu, bây giờ tiếp tục cung ứng thêm nữa, liệu có ổn không. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá thật kỹ về tính thống nhất của hệ thống pháp luật, về sự cần thiết, về những tác động về kinh tế xã hội…của dự thảo nghị quyết này.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN