BDK.VN - Sáng 13-11-2024, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về: Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và một số nội dung quan trọng khác. Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn điều hành phiên thảo luận Tổ 9.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn - chủ trì phiên thảo luận Tổ 9 vào sáng 13-11-2024.
Tại phiên thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, các vấn đề được trình và thẩm tra đều là những vấn đề rất lớn, quan trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay và đến hết kỳ quy hoạch năm 2030, bước sang kỳ quy hoạch đến năm 2035.
Do đó, đề nghị ĐBQH cố gắng tập trung cho ý kiến theo nội dung trên tờ trình, đặc biệt là Báo các thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Thứ nhất, liên quan đến chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đề nghị quý đại biểu trong Tổ 9 tập trung nghiên cứu và cho ý kiến về sự cần thiết của dự án; phạm vi quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ; về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính; về nguồn vốn; các chế tài, chính sách đặc thù…
Thứ hai, điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội, Chính phủ trình cũng giống như hiệu quả đang làm nếu tiếp tục đầu tư sẽ có những cách tính như: Vốn đầu tư, thuận lợi trong quá trình triển khai thêm đường băng của sân bay, các ĐBQH trao đổi thêm vì đây là dự án đang được triển khai.
Thứ ba, Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, so với Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở mà Quốc hội vừa thông qua. Dự thảo Nghị quyết này có những điểm khác với luật mà trong Luật Đất đai cũng chưa quy định, chưa thống nhất khi biểu quyết thông qua Luật Đất đai năm 2024, có nhiều vấn đề trong dự án thí điểm, chưa được đưa vào.
Hiện nay, để triển khai thành một nghị quyết và có những điểm khác biệt với luật thì phải hết sức lưu ý.
Tham gia thảo luận tại tổ, phát biểu về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đại biểu Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH đoàn Bến Tre, đồng tình rất cao về tiêu chí, theo Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Đại biểu nêu một số quan điểm cá nhân về một số nội dung sau:
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam thảo luận tại tổ sáng 13-11-2024.
Thứ nhất, về đáp ứng tiêu chí dự án quan trọng của quốc gia, đại biểu cho rằng hồ sơ Chính phủ trình và các tiêu chí của Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam này đáp ứng theo Điều 7 của Luật Đầu tư công và đại biểu đồng tình cao với sự cần thiết để ban hành chủ trương phê duyệt dự án này và dự án này phải được thực hiện sớm.
Đây là niềm mong ước của nhân dân cả nước để tạo điều kiện thông thoáng cho vận chuyển trong đi lại trên hành lang trục giao thông Bắc - Nam, nếu dự án được thực thi tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân trong quá trình đi lại, kinh doanh cũng như vận chuyển các hàng hóa thông thương, hàng hóa để phát triển kinh tế.
Đồng thời, tăng cường kết nối vùng miền, tạo động lực lan tỏa trên hành lang trục Bắc - Nam cũng như giúp cho việc chuyển dịch kinh tế, phân bổ dân cư và tạo động lực cho phát triển công nghiệp đường sắt, phát triển phương thức vận tải bền vững, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân được thuận tiện hơn.
Do dự án được đầu tư với quy mô lớn đi qua nhiều tỉnh, đại biểu còn băn khoăn mấy nội dung.
Thứ nhất, là do đi qua nhiều tỉnh và hiện hữu đã có hệ thống đường sắt Bắc - Nam nhưng khoảng 3.200km, như vậy việc kết nối các phương án đường sắt tốc độ cao với các đường sắt hiện hữu cũng như là các hệ thống giao thông khác, đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ và đánh giá kỹ hơn.
Thứ hai, qua xem đoạn clip trình chiếu tại Nghị trường, đại biểu còn băn khoăn và đề nghị cần phân tích thêm chi phí về thời gian để tính hiệu quả bài toán về kinh tế.
Thứ ba, rút kinh nghiệm các dự án đã triển khai trước, đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam thì phương án dự phòng chậm như thế nào cũng cần phải làm rõ và đánh giá có báo cụ thể hơn trong báo cáo tiền khả thi.
Thứ tư, đại biểu quan tâm đó là các chính sách đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án. Đại biểu đề nghị đối với các chính sách đặc thù cần phải rà soát, tính toán kỹ để phát huy được hiệu quả thực hiện dự án đảm bảo, mang tính khả thi, đáp ứng theo đúng mục tiêu, đúng sự mong đợi của người dân và cử tri.
Thứ năm là dự án đi qua 20 tỉnh và diện tích đất của dự án này khá lớn, tác động đến cuộc sống của người dân, đại biểu cũng đề nghị cần tính toán việc ưu tiên tạo việc làm cho nhóm kỹ sư, công nhân, người lao động và những người dân thuộc diện giải tỏa cho khu vực mà có đường sắt tốc độ cao tốc đi qua.
Thứ sáu là về môi trường, tiếng ồn trong quá trình thi công tàu đi qua, môi trường sinh thái, chuyển đổi đất cũng sẽ tác động và ảnh hưởng môi trường rất lớn, đề nghị cần phải có đánh giá, phân tích kỹ cho phù hợp.
Cuối cùng là về tổng mức đầu tư, báo cáo thẩm tra đã phân tích rất rõ và các đại biểu đánh giá cao sự kỳ công của Ủy ban Kinh tế. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ hơn về khả năng vốn, bố trí vốn cho từng giai đoạn việc hấp thu nguồn vốn, cân đối nguồn vốn, đặc biệt tính toán kỹ dự phòng các phương án về phân bổ vốn cũng như là đối với các địa phương có dự án đi qua thì việc bố trí vốn tương ứng để đảm bảo cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
* Cùng thảo luận nội dung này,đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, ĐBQH Đoàn Bến Tre có một số vấn đề trao đổi tại Tổ 9 như sau:
Trước tiên, đại biểu đồng tình rất cao về sự cần thiết phải đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam này. Dự án này đã có chủ trương trong một thời gian dài, hiện nay đã đủ điều kiện để đầu tư thực hiện dự án. Ngoài những ý kiến mà Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra và tổng hợp ý kiến thẩm tra của các Ủy ban, đại biểu cho rằng rất sâu sắc, đầy đủ, chi tiết. Tuy nhiên, đại biểu có một số quan điểm về nội dung dự án này như sau:
Trước hết, về vấn đề lựa chọn công nghệ, chuyển giao công nghệ và làm chủ công nghệ, đại biểu cho rằng đối với việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao này thì công nghệ đóng vai trò quyết định. Đại biểu thấy rằng nội dung Chính phủ trình cũng đã phân tích rất kỹ công nghệ mới nhất hiện nay và có những phương án đưa ra để thuyết phục về việc lựa chọn công nghệ này theo điều kiện, nguồn kinh phí và trên cơ sở học tập kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn, lo ngại về khả năng nội địa hóa cũng như chuyển giao công nghệ vì hiện nay vấn đề này còn phụ thuộc rất lớn vào nước ngoài.
Theo đại biểu, từ năm 2016, chúng ta đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 ngày 02/11/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo cũng như có nhiều chính sách của Đảng, của Nhà nước để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí, nhưng đánh giá lại cho đến thời điểm này thì khả năng nội địa hóa của chúng ta rất thấp. Qua khảo sát thực tế, đại biểu thấy rằng trong các ngành công nghiệp xe hơi, điện gió, điện mặt trời….các linh kiện, máy móc, thiết bị đều phải nhập từ nước ngoài vào, khi cần thay thế, sửa chữa đều mất thời gian chờ đợi. Đối với những dự án đường sắt tốc độ cao đã xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội vừa qua mặc dù đầu tư với khối lượng nhỏ, chiều dài ngắn mà cũng phải kéo dài nhiều năm, trong thời gian kéo dài đó, công nghệ có khả năng thay đổi.
Đối với dự án đường sắt tốc độ cao này của chúng ta tổng chiều dài 1.541 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2035, đại biểu lo ngại khả năng hoàn thành đúng tiến độ của dự án cũng như sự phù hợp của công nghệ có còn đảm bảo. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải đánh giá một cách xác đáng hơn và có thể đưa ra nhiều phương án theo lộ trình, những phương án về vốn, những phương án về công nghệ, những phương án về khả năng nội địa hóa… giúp đại biểu Quốc hội có nhiều thông tin, góc nhìn khác nhau để lựa chọn được công nghệ phù hợp nhất.
Thứ hai, về vấn đề hướng tuyến: Dự án đưa ra 6 tiêu chí liên quan đến hướng tuyến, trong đó có tiêu chí đáp ứng yêu cầu về điểm khống chế, yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu “thẳng nhất có thể”, theo đại biểu yêu cầu “thẳng nhất có thể” chưa rõ nghĩa, chưa được phù hợp vì đối với dự án đường sắt tốc độ cao, yêu cầu kỹ thuật phải đặt lên hàng đầu, hạn chế tối đa đi qua địa hình những khu vực nhạy cảm về môi trường, rừng, di tích danh lam thắng cảnh, đất quốc phòng...
Đại biểu đề nghị Chính phủ xác định lại 06 tiêu chí trong vấn đề hướng tuyến, tiêu chí nào là ưu tiên và các thứ tự ưu tiên để các tỉnh lựa chọn cho phù phợp vì dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam dự kiến đi qua 20 tỉnh và mỗi tỉnh sẽ lựa chọn những tiêu chí khác nhau.Ví dụ như đất rừng, những tỉnh có rừng nhiều thì tỉnh đó sẽ ưu tiên chọn đi qua rừng để giảm diện tích rừng đi, nhiều tỉnh muốn chuyển diện tích rừng qua các dịch vụ khác nhưng vẫn đảm bảo được tiêu chí về kinh tế xã hội (tiêu chí che phủ rừng ở 4,42%).
Hiện nay, có nhiều nghị quyết của Quốc hội về thí điểm hay về chính sách đặc thù phát triển cho các tỉnh có rừng, điều chỉnh mục đích sử dụng đất rừng và giao thẩm quyền điều chỉnh về cho UBND tỉnh nên đại biểu cho rằng việ phát triển kinh tế xã hội, phát triển đường sắt cũng rất quan trọng nhưng cũng phải đảm bảo được các tiêu chí khác về kinh tế xã hội, đảm bảo tiêu chí xanh, tiêu chí bền vững, phát triển kinh tế bền vững... Do đó cần phải xác định tiêu chí về hướng tuyến theo thứ tự ưu tiên và phải đồng nhất ở tất cả các tỉnh dự án đi qua.
Vấn đề thứ ba, về các chính sách đặc thù, đại biểu quan tâm đến hai chính sách:
Một là, chính sách giao Chính phủ được sử dụng các nguồn vốn khác ngoài ngân sách, đại biểu rất đồng tình vì ngay từ đầu đã chọn phương án đầu tư bằng ngân sách nhà nước, rút kinh nghiệm từ đường cao tốc Bắc Nam, nhiều đoạn tuyến của cao tốc Bắc Nam phải dự phòng làm PPP.
Nhưng hiện nay làm PPP kêu gọi đầu tư tư nhân rất khó nên ngay từ đầu phải chọn đầu tư từ ngân sách nhà nước và ưu tiên là trong điều kiện cho phép thì giao cho Chính phủ được sử dụng các nguồn vốn khác như nguồn vốn ODA, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, phải rút kinh nghiệm với nhiều dự án sử dụng nguồn vốn ODA, bị phụ thuộc rất nhiều về công nghệ, về kỹ thuật và kéo dài thời gian và khả năng rủi ro về mặt pháp lý rất cao trong việc bồi thường và chi phí đầu tư thường sẽ đội vốn lên gấp hai, gấp ba lần so với ban đầu. Một dự án hơn 1,7 triệu tỉ đồng như dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nếu đội vốn lên, đại biểu nghĩ rằng rất khó cho việc đầu tư đúng thời gian theo dự đoán. Vì vậy Chính phủ được quyền sử dụng các nguồn vốn khác và tiêu chí trong dự án này phải rõ ràng để làm cơ sở quyết định chính sách.
Hai là, chính sách đặc thù về phát triển khoa học công nghệ và tuyển dụng, đào tạo thuê, sử dụng nguồn nhân lực cho dự án: trong chính sách này có nhiều chính sách liên quan mặc dù không lớn nhưng nếu để chính sách về phát triển khoa học công nghệ và tuyển dụng, đào tạo thuê, sử dụng nguồn nhân lực thì khả năng lạm dụng và lợi dụng chính sách rất cao.
Trong đó chính sách tổ chức, cá nhân chủ trì hoạt động khoa học, công nghệ phục vụ dự án thì được quy định hình thức lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ hàng hóa. Đại biểu cho biết đây là hoạt động khoa học, công nghệ và nhiệm vụ khoa học, công nghệ phải theo Luật Khoa học, công nghệ nên khi thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ phải nghiên cứu một vấn đề gì đó để phục vụ một dự án, một đối tượng nào đó nhưng khi đưa ra giả thuyết nghiên cứu thì có khi thành công, khi không thành công nhưng đây là dự án đầu tư không phải dự án khoa học nên dự án này nó phải đi trước.
Đại biểu đề nghị phải phân tích làm rõ nhiệm vụ khoa học, công nghệ phải theo Luật Khoa học, công nghệ, phải xác định được nhiệm vụ, mục tiêu của nhiệm vụ. Trường hợp nghiên cứu không thành công thì như thế nào, tiền xử lý thế nào và tiền nghiên cứu này có nằm trong tổng mức đầu tư của dự án hay không thì vấn đề về phát triển khoa học công nghệ và tuyển dụng, đào tạo thuê, sử dụng nguồn nhân lực cho dự án chưa quy định rõ.
Ba là, doanh nghiệp, tổ chức hoặc công nghệ được nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ, đại biểu cho rằng rất khó vì đã phê duyệt nhiệm vụ thì nhà nước phải cấp kinh phí cho hoạt động, trong đó có mua sắm, có vận hành máy móc, thiết bị phục vụ theo Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Khoa học, công nghệ.
Như vậy, áp dụng pháp luật vào nội dung dự án này sao cho phù hợp và quy định cụ thể hơn để thực hiện thống nhất, tránh trường hợp lẫn lộn giữa đầu tư của dự án và nhiệm vụ khoa học công nghệ thực thụ. Lúc đó không xác định được thế nào là nhiệm vụ khoa học công nghệ, thế nào là hoạt động khoa học công nghệ, hiện tại Dự án chưa phân định được hai khái niệm về nhiệm vụ khoa học công nghệ khác với hoạt động khoa học công nghệ như thế nào.
Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định pháp luật về công nghệ cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ chưa được quy định trong văn bản pháp luật nào. Trong Luật Khoa học, công nghệ chỉ giao cho tổ chức khoa học, công nghệ và tổ chức khoa học, công nghệ theo đại biểu thì chưa được định nghĩa rõ ràng, còn doanh nghiệp mà được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao đại biểu nghĩ rất khó vì đã là doanh nghiệp thì không có làm khoa học, công nghệ và nếu làm khoa học, công nghệ phải theo nhiệm vụ khoa học, công nghệ được phê duyệt và theo một luật quy định. Do đo, đại biểu cho rằng những nội dung quy định về doanh nghiệp, tổ chức hoặc công nghệ được nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ chưa được rõ ràng trong dự án này.
Về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ dự án. Đây là những vấn đề đại biểu nhận thấy cần rà soát lại và nếu cần thì nên có quy định riêng bên ngoài nội dung dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không để chung với dự án đầu tư...
Được biết, theo dự kiến Chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ tiếp tục họp đợt 2, dự kiến từ ngày 20-11-2024 và bế mạc vào sáng ngày 30-11-2024.