EU xem xét 2 đề xuất áp giá trần năng lượng

06/09/2022 - 21:26

Ngày 6-9-2022, Bộ trưởng Công Thương CH Séc, nước đang giữ ghế Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), cho biết hiện có 2 đề xuất về cách thức áp giá trần năng lượng trong EU.

Cơ sở lọc dầu OMV của Áo ở gần Vienna. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cơ sở lọc dầu OMV của Áo ở gần Vienna. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Phiên họp bất thường của Hội đồng Năng lượng EU vào ngày 9-9 tới sẽ thảo luận các đề xuất này.

Theo Bộ trưởng Jozef Sikela, CH Séc đang tổng hợp quan điểm riêng rẽ từ các nước thành viên EU đối với các đề xuất, bao gồm việc tách giá khí đốt khỏi giá điện của các nhà máy sản xuất điện bằng khí đốt hoặc áp giá trần đối với các nhà sản xuất điện có chi phí thấp hơn như sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, hạt nhân hay than đá.

Bộ trưởng Công Thương Séc cho biết 2 đề xuất này hiện đang trái ngược nhau và Séc sẽ tổng hợp ý kiến sau đó công bố bản tóm tắt lập trường của các nước thành viên EU.

Ông Sikela cho rằng việc tách giá điện khỏi giá khí đốt “có nghĩa là giá khí đốt cao, vốn là chủ đề của cuộc chiến năng lượng, không ảnh hưởng đến giá điện”. Trong khi đó, đề xuất thứ 2 muốn thiết lập giá tối đa cho tất cả các sản phẩm điện, ngoại trừ khí đốt. Theo ông, việc tách biệt giữa giá khí đốt và giá điện có thể dẫn đến mức tiêu thụ khí đốt cao hơn trong bối cảnh châu Âu đối mặt nguy cơ thiếu khí đốt.

Bộ trưởng Công Thương CH Séc nhấn mạnh các nước EU đều nhất trí hiện là thời điểm thích hợp để CH Séc triệu tập cuộc họp bất thường của Hội đồng Năng lượng EU và thực hiện những bước đi nhất định. Theo ông, các quốc gia thành viên đang tìm kiếm các giải pháp riêng lẻ, nhưng một giải pháp toàn châu Âu cũng đang được xem xét.

Trước đó, hãng tin Reuters cho biết văn kiện do CH Séc dự thảo bao gồm các phương án như giới hạn giá khí đốt nhập khẩu, giới hạn giá khí đốt được sử dụng để sản xuất điện, hoặc tạm thời loại khí đốt sử dụng cho các nhà máy điện khỏi hệ thống giá điện hiện tại của EU. Ngoài ra, văn kiện này cũng đề xuất tạo tính thanh khoản cho các bên tham gia thị trường năng lượng thông qua các khoản tín dụng. 

Giá điện ở châu Âu được xác định trên thị trường giao dịch. Nguyên tắc định giá dựa vào nguồn cung có mức giá cao nhất trên thị trường đóng vai trò quan trọng quyết định mức giá cuối cùng mà người tiêu dùng phải trả. Trong bối cảnh hiện tại, mức giá đắt nhất đến từ các nhà máy điện sử dụng khí đốt, vốn chiếm khoảng 24% thị phần của EU.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN