Năm 2018, Sở Công Thương phối hợp với cơ sở thủ công mỹ nghệ dừa Đức Phát (số 175B quốc lộ 60, xã Tam Phước, huyện Châu Thành) thực hiện dự án hỗ trợ đầu tư cửa hàng bán các sản phẩm từ dừa và đặc sản của tỉnh, với tổng kinh phí thực hiện trên 200 triệu đồng. Việc xây dựng một mô hình cửa hàng bán đầy đủ các sản phẩm từ dừa giúp khách hàng tìm mua sản phẩm dễ dàng, góp phần tăng doanh thu, tăng thu nhập cho hộ sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp thuận tiện hơn trong công tác quảng bá sản phẩm, thương hiệu…
Cửa hàng Đức Phát được chọn để xây dựng cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm từ dừa và đặc sản của tỉnh. Ảnh: C. Trúc
Phát huy lợi thế địa phương
Toàn tỉnh có hơn 71 ngàn héc-ta đất trồng dừa, có ngành công nghiệp chế biến dừa phát triển nhất cả nước. Từ cây dừa, người dân có thể chế biến ra rất nhiều loại sản phẩm phục vụ đời sống, sinh hoạt như: hàng mỹ nghệ từ thân, lá hoa, trái, rễ dừa; thực phẩm từ cơm, nước dừa; hóa chất từ gáo dừa; sản phẩm từ vỏ dừa… Hiện tại, sản phẩm từ dừa của tỉnh đã được đưa đi tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh trong nước và xuất khẩu sang 85 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo Sở Công Thương, thời gian qua, các doanh nghiệp đã mở nhiều cửa hàng giới thiệu, kinh doanh sản phẩm đặc sản của tỉnh, trong đó chủ yếu là các sản phẩm từ dừa. Chỉ tính trên tuyến quốc lộ 60, đoạn từ ngã tư Tân Thành đến cầu Rạch Miễu, là cửa ngõ của TP. Bến Tre, có nhiều cửa hàng bán hàng đặc sản được hình thành và phát triển, thuận lợi trong việc quảng bá, giới thiệu đặc sản của Bến Tre. Trong đó, đoạn quốc lộ 60 đi qua xã Tam Phước hiện có 15 cở sở kinh doanh các sản phẩm từ dừa, trong đó có 9 cơ sở có mặt bằng chủ sở hữu và 6 cơ sở thuê mặt bằng để kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động. Có 5 cơ sở quy mô lớn và hoạt động ổn định, có khả năng phát triển để tiếp đón các đoàn khách lớn.
Tuy nhiên chưa có cửa hàng nào bán tương đối đầy đủ các sản phẩm từ dừa. Khi cần mua nhiều sản phẩm từ dừa, khách hàng phải đi rất nhiều nơi, khó tìm mua sản phẩm mình cần, trong khi sản phẩm đó trên địa bàn tỉnh được sản xuất khá nhiều, đặc biệt là đối với các sản phẩm còn có thể nghiên cứu để làm nguyên liệu để chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn. Vì vậy, cần có một mô hình cửa hàng bán đầy đủ các sản phẩm từ dừa để khách hàng có thể tìm mua dễ dàng, nhất là đối với khách hàng ngoài tỉnh.
Việc xây dựng một mô hình cửa hàng bán đầy đủ các sản phẩm từ dừa giúp khách hàng tìm mua sản phẩm dễ dàng không chỉ góp phần tăng doanh thu, tăng thu nhập cho hộ sản xuất, kinh doanh, mà còn giúp các doanh nghiệp thuận tiện hơn trong công tác quảng bá sản phẩm, thương hiệu và thể hiện được thiện chí của Bến Tre với khách hàng, nhất là đối với những khách hàng mua sản phẩm thô của Bến Tre về nghiên cứu chế tạo thành những sản phẩm có giá trị cao hơn, chất lượng hơn.
Thấy được triển vọng này, từ tháng 3-2018, Sở Công Thương tiến hành khảo sát và chọn xây dựng mô hình tại cửa hàng Đức Phát nằm trên tuyến quốc lộ 60, đoạn từ ngã tư Tân Thành đến cầu Rạch Miễu, cách trung tâm TP. Bến Tre khoảng 6km. Cửa hàng Đức Phát được thành lập vào năm 2014, đến nay đã ổn định, có tổng diện tích hơn 3.500m2, diện tích cửa hàng 605m2. Cửa hàng đang bày bán khá nhiều các mặt hàng từ dừa, thuộc các nhóm từ gỗ, gáo, trái, cơm dừa… Doanh thu năm 2017 đạt khoảng 1 tỷ đồng. Lượng khách đến tham quan và mua sắm tập trung vào những ngày nghỉ, lễ, Tết.
Khi Sở Công Thương đề xuất việc xây dựng dự án hỗ trợ đầu tư cửa hàng bán các sản phẩm từ dừa và đặc sản của tỉnh, ông Nguyễn Hữu Đức - chủ cửa hàng Đức Phát đã đồng tình hưởng ứng và chấp nhận duy trì các mặt hàng tiêu thụ chậm để đưa thêm các mặt hàng từ dừa, các mặt hàng đặc sản của tỉnh vào bày bán tại cửa hàng; thống nhất phối hợp, đóng góp kinh phí để cùng đầu tư nâng cấp cửa hàng… Theo ông Đức, việc đầu tư thực hiện dự án này rất có triển vọng về kinh tế và bản thân ông cũng đã mong mỏi thực hiện từ lâu.
Phương án triển khai
Mục tiêu mà dự án đặt ra là hỗ trợ đầu tư phát triển 1 cửa hàng bán sản phẩm từ dừa trở thành cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm từ dừa và đặc sản của tỉnh. Cửa hàng cũng là nơi kết nối thị trường, người tiêu dùng với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dừa, hàng đặc sản của tỉnh. Bên cạnh đó, dự án này cũng tạo cho cửa hàng nguồn hàng hóa, sản phẩm phong phú, đa dạng, xây dựng mối liên kết theo hướng chuỗi giá trị, dựa trên hợp đồng hợp tác kinh tế giữa người sản xuất và người tiêu thụ…
Dự án đã hỗ trợ cửa hàng Đức Phát đầu tư thêm nhiều trang thiết bị tại cửa hàng như: bảng hiệu, tủ, kệ, lắp đặt 1 hệ thống camera an ninh quan sát và 1 máy tính tiền; sắp xếp, trưng bày hàng hóa có hệ thống; bổ sung thêm một số mặt hàng từ dừa và đặc sản của tỉnh để đa dạng hàng hóa; hỗ trợ tăng cường phương thức quản lý; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cửa hàng trên các phương tiện truyền thông; in card của cửa hàng; cẩm nang cung cấp thông tin các sản phẩm dừa và đặc sản của tỉnh để giới thiệu tại các công ty du lịch, phát trực tiếp cho khách tại cửa hàng…
Sau khi được hỗ trợ, cửa hàng tổ chức lại phân khu trưng bày các sản phẩm theo nhóm hàng một cách khoa học, như: nhóm hàng thực phẩm từ dừa; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa; nhóm hàng mỹ phẩm từ dừa; nhóm hàng chế biến khác từ dừa; nhóm các đặc sản khác của Bến Tre… để khách hàng dễ dàng tìm mua hàng hóa mình cần. Dự án đã hoàn thành và nghiệm thu trong tháng 12-2018.
Mô hình cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm từ dừa và đặc sản của tỉnh khá đầy đủ, là nơi thuận tiện để giới thiệu với các đoàn khách, khách hàng đến tìm hiểu, tham quan, mua sắm đặc sản của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm từ dừa; các doanh nghiệp phân phối các nhóm sản phẩm từ dừa và các đặc sản khác của tỉnh; các nhà nghiên cứu cần có nguyên liệu để chế tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn. Dự án cũng tạo điều kiện cho cửa hàng Đức Phát phát triển kinh doanh; công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dừa và các mặt hàng đặc sản của tỉnh được thuận lợi hơn, góp phần ổn định việc làm cho người lao động, cũng như góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
Cẩm Trúc