Sơ chế bưởi xuất khẩu theo quy trình công nghệ mới. Ảnh: Hữu Hiệp
Thực trạng sản xuất còn manh mún
Theo đánh giá, những hạn chế của ngành NN tỉnh chủ yếu là về tính hiệu quả trong sản xuất, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hoạt động của chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tình trạng biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của các dạng thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường gây ngập úng cũng tác động lớn đến NN. Các yếu tố như quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tư duy an phận của nông dân cũng là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, giảm sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển NN, nông dân, nông thôn cũng như xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 96 hợp tác xã (HTX) thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 840 tổ hợp tác (THT) hoạt động theo Nghị định số 151 của Chính phủ. Tuy nhiên, hoạt động của các THT và HTX, cũng như chất lượng các chuỗi giá trị nông sản đã hình thành trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Chỉ dẫn địa lý và quảng bá thương hiệu sản phẩm còn yếu hoặc chưa được sử dụng. Ngoại trừ chế biến dừa, tỉnh vẫn còn thiếu các cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm NN khác, xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều trở ngại. Ngay cả đối với cây dừa, tuy có năng suất ổn định, diện tích sản xuất ngày càng tăng, chuỗi giá trị được cải thiện với sự quan tâm của chính quyền nhưng vẫn còn sản xuất theo quy mô nhỏ, kiểm soát chất lượng yếu, giá cả bấp bênh.
Bên cạnh đó, giữa nông dân và các cơ sở sản xuất, chế biến chưa có sự liên kết chặt chẽ. Thực tế cho thấy, do nông dân sản xuất manh mún và không đảm bảo được chất lượng nên dù doanh nghiệp (DN) có muốn liên kết để tiêu thụ sản phẩm thì cũng không đáp ứng được. Sản xuất nhỏ lẻ nên nông dân phải chấp nhận bán nông sản cho thương lái và chịu thiệt khi thị trường có biến động về giá, nhất là trong bối cảnh ngành NN, xuất khẩu nông sản đang đứng trước những quy định mới của thị trường. Nếu không thay đổi tư duy và tập quán sản xuất, những quy định mới của thị trường sẽ trở thành những rào cản lớn khó vượt qua được.
Chất lượng và liên kết sản xuất
Cần thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông trong tiêu thụ nông sản
Ngành NN đã xác định, trong điều kiện đất đai manh mún, hàng hóa cạnh tranh kém, việc xây dựng vùng nguyên liệu cho xuất khẩu, chế biến công nghiệp đang gặp khó, khả năng thu hút DN đầu tư vào NN, nhất là những DN lớn là rất khó khăn. Như vậy, hướng đi trong 10 năm tới của ngành tập trung vào phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, phát triển tính độc đáo của các sản phẩm bản địa gắn với phát triển tăng trưởng xanh, sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và những giá trị thương hiệu truyền thống.
Những năm gần đây, ngành NN tỉnh có chủ trương phát triển theo hướng chuyên canh, trồng các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế, các loại cây đặc sản có giá trị cao như sầu riêng, bưởi da xanh... và chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn GAP phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, kết hợp phát triển du lịch. Những địa phương có diện tích trồng dừa lớn như Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam cũng đã có những định hướng và giải pháp vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang trồng dừa theo phương pháp hữu cơ, liên kết với DN để được bao tiêu sản phẩm, ổn định chất lượng và đầu ra của trái dừa. Quá trình này cần được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới, nhất là khi vẫn còn nhiều nông dân có tâm lý e ngại chuyển đổi phương thức canh tác vì thiếu điều kiện đầu tư.
Kết luận số 359-KL/TU của Tỉnh ủy đã đề ra những định hướng cụ thể trong xây dựng mô hình tổ chức lại sản xuất gắn với quy hoạch đất đai và tổ chức lại dân cư nông thôn để phát triển NN tại địa phương. Việc cần làm của ngành NN là tổ chức thực hiện tốt cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NN, nông thôn; khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, chuyển sang làm kinh tế NN, kết hợp với phát triển du lịch NN.
Cùng với đó, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản, chú trọng tạo thêm nhiều sản phẩm trong chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả lợi ích giữa các tác nhân các khâu trong chuỗi; cơ bản tạo ra sự khác biệt trong liên kết sản xuất và đời sống người dân tham gia chuỗi giá trị. Ngoài ra, từng địa phương cần chủ động rà soát, lựa chọn những sản phẩm đặc trưng của địa phương để xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị nhằm góp phần phát triển mạnh và bền vững nền NN của tỉnh. Chú trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi - thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất NN an toàn, đạt tiêu chuẩn.
Vấn đề quan trọng cần làm là phải thay đổi nhận thức của nông dân từ tư duy sản xuất NN sang tư duy kinh tế NN. Để được như vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương cũng cần có chính sách để thúc đẩy, tạo điều kiện cho nông dân mạnh dạn chuyển đổi bằng nhiều hình thức. Trong đó, quan tâm củng cố và xây dựng các tổ hội nghề nghiệp, THT, HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm NN. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ cho các THT, HTX và các tổ chức đại diện của nông dân tham gia vào các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh và đầu tư bằng nhiều hình thức vào NN ở các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường...
Bài, ảnh: Thanh Đồng