Huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh

11/01/2021 - 06:51

BDK - Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án huy động nguồn lực xã hội phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Đây là một trong những đề án quan trọng, cần thiết, làm cơ sở cho các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện nhằm huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển tỉnh theo định hướng đã đề ra.

Đầu tư nâng cấp Đại lộ Đồng Khởi. Ảnh: H. Hiệp

Đầu tư nâng cấp Đại lộ Đồng Khởi. Ảnh: H. Hiệp

Định hướng thu hút đầu tư

Trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để hỗ trợ nguồn lực đầu tư các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về đầu tư hạ tầng: Hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư hoàn thành cầu Rạch Miễu 2, hoàn thành giai đoạn 1 tuyến đường bộ ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tạo hành lang kinh tế kết nối Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh, mở rộng quốc lộ (QL) 57 đoạn từ Mỏ Cày Nam đến Khâu Băng, trục giao thông từ QL 60 đi Khu công nghiệp (KCN) Phú Thuận, đường kết nối Bình Đại - Giồng Trôm - Mỏ Cày Nam, đường giao thông kết hợp đê ngăn mặn Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú và Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú, mỗi khu, cụm công nghiệp có một cảng trung chuyển. Giai đoạn 2026 - 2030 đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường bộ ven biển vùng ĐBSCL, nâng cấp QL 60, 57B, 57C lên cấp III hoặc cấp II đồng bằng, cầu Đình Khao, cầu Tân Phú, cảng nước sâu và các cảng trung chuyển.

Hạ tầng công nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng KCN Phú Thuận, quy hoạch và triển khai đầu tư KCN An Nhơn, mỗi huyện đầu tư ít nhất 1 cụm công nghiệp với quy mô tối thiểu 70ha. Nghiên cứu quy hoạch và thu hút đầu tư các khu phức hợp biển: công nghiệp kết hợp đô thị, thương mại, du lịch. Giai đoạn 2026 - 2030 đầu tư hoàn chỉnh KCN An Nhơn, KCN Giao Hòa, các khu phức hợp biển: công nghiệp kết hợp đô thị, thương mại, du lịch.

Hạ tầng năng lượng, giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư đường dây và trạm biến áp 220kV: Thạnh Phú - Mỏ Cày, Bình Đại - Bến Tre; đường dây 110kV: Ba Tri - Bình Thạnh, Phú Thuận - Bình Đại, Bến Tre - An Hiệp; trạm 110kV An Hiệp, trạm 110kV Thanh Tân. Giai đoạn 2026 - 2030 đầu tư đường dây và trạm biến áp 500kV Bến Tre - Long An.

Hạ tầng thủy lợi, cấp nước, giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, đê biển Ba Tri và cơ bản hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre; hoàn thành và đưa vào vận hành Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống truyền tải, Hồ chứa nước ngọt Lạc Địa (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri); ưu tiên đầu tư hệ thống cấp nước ngọt cho KCN Phú Thuận và 3 huyện biển để phục vụ thu hút các dự án đầu tư theo định hướng phát triển về hướng Đông. Giai đoạn 2026 - 2030 đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre, hoàn chỉnh hệ thống phân phối nước sạch, nghiên cứu đầu tư cống Hàm Luông.

Đầu tư xây dựng các công trình, dự án Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2025, tỉnh có 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú) và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2030.

Thứ hai, về huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư: Tập trung huy động nguồn ngân sách nhà nước, vốn ODA, PPP để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm như: giao thông, thủy lợi, hạ tầng công nghiệp… Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng điện, nước sạch, viễn thông, cảng… Đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, y tế; chuyển một số đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần; nhượng quyền khai thác các công trình dịch vụ công như bến cảng, cấp nước. Chuyển đổi khoảng 20 ngàn héc-ta đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để tạo quỹ đất thu hút đầu tư, tạo nguồn thu ngân sách. Ưu tiên bố trí ngân sách để tạo quỹ đất sạch và đối ứng các dự án PPP.

Giải pháp thực hiện

Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách: Chú trọng các chính sách thu hút đầu tư hợp lý để khai thác các tiềm năng lợi thế của tỉnh như: tài nguyên (đất, cát, sông nước, bờ biển), năng lượng, phát triển đô thị, đô thị thông minh, nông nghiệp, thủy sản công nghệ cao...; xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành có nhu cầu và chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức một cửa liên thông, đơn giản hóa, giảm bớt thời gian và chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư, đất đai, xây dựng…; nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; duy trì đối thoại với doanh nghiệp, quan tâm hỗ trợ giải quyết những khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư/doanh nghiệp để thu hút đầu tư hiệu quả và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của các huyện/thành phố; Quy hoạch xây dựng đảm bảo đồng bộ với Quy hoạch tổng thể Quốc gia, Quy hoạch ngành Quốc gia, Quy hoạch vùng… làm cơ sở huy động vốn đầu tư toàn xã hội.

Nhóm giải pháp về tiếp nhận nguồn vốn đầu tư: Một là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư: Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo hướng công khai, minh bạch các hoạt động đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và hiệu quả công tác phối hợp trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Rà soát kỹ từng dự án ngay từ khi thẩm định chủ trương đầu tư, chỉ lựa chọn, quyết định đầu tư các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Hai là, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn huy động: Ưu tiên nguồn vốn đầu tư công đầu tư các công trình có tính cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng bảo đảm tính đồng bộ, tính kết nối, nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí ít nhất 10% kế hoạch vốn đầu tư công trong kế hoạch trung hạn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là trong lĩnh vực giao thông nhằm tạo quỹ đất công để tổ chức đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách. Lựa chọn các dự án tiềm năng, ưu tiên các dự án có tính thương mại cao để thực hiện; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về danh mục các dự án đầu tư PPP và cân đối đủ vốn ngân sách để tham gia vào các dự án PPP.

Ba là, cân đối, phân bổ, lồng ghép nguồn lực hợp lý: Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, công nghiệp… để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, năng lượng, du lịch, đô thị trung tâm, đô thị ven sông/ven biển… ưu tiên phát triển mạnh về hướng Đông. Thực hiện lồng ghép các nguồn lực để tạo sức mạnh và nâng cao hiệu quả sử dụng phục vụ các mục tiêu phát triển của tỉnh, nhất là tiếp tục lồng ghép nguồn vốn đầu tư công với các chương trình/dự án khác, các nguồn vốn tài trợ, người dân đóng, nguồn vốn ODA, NGO… để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Bốn là, thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa: Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; đề xuất các danh mục xúc tiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 tập trung vào những dự án trọng điểm, có tính đột phá đến sự phát triển của tỉnh; trong đó có phân giao cho các cơ quan, ban ngành xây dựng hồ sơ nghiệp vụ để huy động, vận động nguồn lực. Từng cấp, từng ngành phải xây dựng các danh mục thu hút đầu tư để triển khai thực hiện.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển và thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt 85.941 tỷ đồng, đạt 107,2% chỉ tiêu, tăng gấp 1,48 lần so với giai đoạn trước, chiếm 36,17% so với GRDP. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước ước đạt khoảng 15.156 tỷ đồng, chiếm 17,64% tổng nguồn vốn.

Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng kinh tế bình quân 8,5 - 9,5%/năm; đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ và GRDP thuộc nhóm khá khu vực ĐBSCL.

Giai đoạn 2026 - 2030, tăng trưởng kinh tế bình quân 12 - 13%/năm. Đến năm 2030, GRDP thuộc nhóm đầu của khu vực ĐBSCL và vào nhóm 30 phát triển khá của cả nước.

Thu Huyền (lược trích)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN