Phát triển hệ thống hạ tầng, logistics đồng bộ, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

21/10/2020 - 06:49

BDK - Nghị quyết (NQ) Đại hội (ĐH) Đảng bộ tỉnh khóa X đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2015 - 2020 là “Tích cực huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng”. NQ ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng đã xác định một trong 3 đột phá chiến lược của đất nước trong giai đoạn này là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn (phải) tại buổi ký kết Bản ghi nhớ (MOU) giữa Đại sứ Ấn Độ và UBND tỉnh về tài trợ xây dựng dự án nhỏ ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh: PV

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn (phải) tại buổi ký kết Bản ghi nhớ (MOU) giữa Đại sứ Ấn Độ và UBND tỉnh về tài trợ xây dựng dự án nhỏ ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh: PV

Quán triệt NQ của Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 27-6-2016 về huy động nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH giai đoạn 2016 - 2020. Qua 5 năm tập trung triển khai thực hiện, tổng nguồn vốn tỉnh đã huy động được khoảng 82.941 tỷ đồng, tăng gần 1,43 lần so với giai đoạn trước; nguồn vốn này đã góp phần đầu tư thúc đẩy tăng trưởng (6,41%), tăng thu ngân sách (đạt trên 5.000 tỷ đồng), tăng thu nhập (1,5 lần), việc làm cho nhân dân; hoàn thiện dần hệ thống kết cấu hạ tầng tỉnh nhà, tạo động lực và hiệu ứng lan tỏa cho KT-XH phát triển; cụ thể:

Hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư đồng bộ; nhiều công trình lớn, quan trọng đã hoàn thành đưa vào sử dụng; đã cơ bản giải quyết xong việc xóa cầu yếu trên tất cả các tuyến; giao thông nông thôn phát triển nhanh với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện từng bước được hoàn chỉnh và bảo đảm kết nối gữa các đô thị, trung tâm thương mại - dịch vụ, các khu/cụm công nghiệp (CCN), vùng và khu vực sản xuất nông nghiệp, các đầu mối giao thông của địa phương; hệ thống đường giao thông nông thôn cũng góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và người dân.

Kết cấu hạ tầng thủy lợi được ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các dự án hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre, các công trình cấp bách, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 47 công trình phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp, góp phần phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và hạn chế tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển và ổn định dân sinh.

Hạ tầng công nghiệp có bước phát triển đáng kể; tỉnh tập trung phát triển công nghiệp, đến nay, Khu công nghiệp (KCN) Giao Long I, II và An Hiệp đã được lấp đầy và hoạt động ổn định; đã đưa vào hoạt động 4 CCN; đang dồn lực cho xây dựng KCN Phú Thuận. Giá trị sản xuất trong các khu, CCN chiếm 61,8% giá trị sản xuất công nghiệp và 66,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp đến cuối năm 2020 ước đạt 30%, tăng 7,2 điểm % so với năm 2016; giải quyết việc làm cho khoảng 38.000 lao động; tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu... tạo nhiều năng lực sản xuất mới, và các DN trong khu/CCN đang đóng góp tăng dần cho nguồn thu ngân sách tỉnh, trở thành là một động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Hạ tầng cấp nước sạch đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân thông qua việc triển khai thực hiện tốt Kết luận số 29-KL/TU của Tỉnh ủy về Đề án xây dựng hạ tầng cung cấp nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài các công trình cấp nước được huy động từ nhiều nguồn vốn, đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch (cuối năm 2020, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 60%, tăng 9,75% so với thời điểm năm 2016).

Đẩy nhanh tiến độ các công trình điện gió. Ảnh: Cẩm Trúc

Đẩy nhanh tiến độ các công trình điện gió. Ảnh: Cẩm Trúc

Hạ tầng cấp điện được quan tâm đầu tư, góp phần tăng sản lượng điện thương phẩm từ 1.204,58 triệu kWh năm 2016 lên 1.695,66 triệu kWh năm 2019, đạt mức tăng trưởng bình quân 11,3%/năm; đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,3%. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, nhất là điện gió đạt kết quả khả quan với tổng công suất đã được phê duyệt quy hoạch hàng ngàn MW, điện mặt trời lắp trên mái nhà đang phát triển khá nhanh, đây là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp năng lượng trong thời gian tới.

Hạ tầng xử lý rác thải - nước thải được chú trọng đầu tư, với nhiều công trình được đưa vào sử dụng, qua đó giải quyết cơ bản được tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực dân cư tập trung, bệnh viện. Đến nay, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đô thị đạt 93%; thu gom chất thải nguy hại đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt 100%.

Hạ tầng công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông không ngừng phát triển theo hướng hiện đại, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại dần nền hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 ngày càng tăng; tỷ lệ trao đổi văn bản liên thông giữa các cơ quan dưới dạng điện tử đạt 90%; triển khai chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng cho 201 tổ chức, 597 cá nhân; 100% các thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện/thành phố; 100% các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện/thành phố được kết nối truyền dẫn cáp quang. Hạ tầng bưu chính, viễn thông, internet triển khai đến khắp 100% xã, phường, thị trấn đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

***

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Giao thông kết nối (vùng, liên huyện) chưa thông suốt (độc tuyến: cầu Rạch Miễu quá tải, cầu Đình Khao, cầu Tân Phú chưa được đầu tư); các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ nhỏ, hẹp; trục động lực ven biển chưa được để ý đến. Hệ thống thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre chưa khép kín, nên chưa phát huy trong ngăn mặn trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. 

Tập trung triển khai các dự án khu dân cư đô thị tại địa bàn TP. Bến Tre. Ảnh: Cẩm Trúc

Tập trung triển khai các dự án khu dân cư đô thị tại địa bàn TP. Bến Tre. Ảnh: Cẩm Trúc

Đầu tư cho khu/CCN chậm; thu hút đầu tư khu, CCN gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng cấp nước sạch còn phân tán, chất lượng không cao; chưa chủ động được nguồn nước ngọt, mạng lưới tuyến ống chưa phủ khắp, nhất là vùng sâu, vùng xa. Hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu phát triển cho ngành năng lượng tái tạo và các vùng sản xuất tập trung. Hạ tầng xử lý rác thải - nước thải còn nhiều bất cập, nhất là nhà máy xử lý rác thải. Một số CCN chưa có khu xử lý nước thải tập trung; các khu đô thị, kể cả TP. Bến Tre nước thải chưa được xử lý... đã làm ảnh hưởng đến môi trường và gây bức xúc trong nhân dân.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin; việc ứng dụng để đổi mới phương thức, lề lối làm việc đòi hỏi phải có một quá trình thực hiện lâu dài; thiếu cơ chế, quy định, quy hoạch, định hướng, hướng dẫn cụ thể, đồng bộ về tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Hạ tầng logistics chưa được hình thành rõ; hệ thống đường thủy có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác, các bến cảng có quy mô nhỏ; chưa kết hợp được lợi thế của từng phương thức vận tải, nhất là vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy, giữa đường bộ và đường thủy; còn thiếu hệ thống kho bãi, dịch vụ chuyển phát, đại lý, bán buôn, vận tải, dịch vụ khai báo, hỗ trợ... cũng như chưa có Trung tâm logistics.

***

Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030 như dự thảo NQ đề ra, một trong những trụ cốt chính là phải tập trung huy động nguồn lực toàn xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ. Trong đó ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công cho các dự án lớn, có trọng tâm, trọng điểm, dự án kết nối, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, các dự án hạ tầng phát triển kinh tế hướng Đông mà trụ cột là kinh tế biển, nhằm tạo động lực phát triển mạnh hơn cho tỉnh trong thời gian tới. Xin đề xuất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Một là, phải hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch phát triển đô thị, Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, làm cơ sở huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng trong công tác lập quy hoạch và đề xuất đầu tư các dự án mang tính liên kết vùng (nhất là về giao thông kết nối các tỉnh qua các tuyến quốc lộ 60, 57; đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2, đường Bắc - Nam; tuyến đường ven biển nối Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng (ưu tiên 4 cầu lớn qua sông), cầu Đình Khao... nhằm tạo sự kết nối và liên kết vùng để phát triển bền vững theo tinh thần NQ số 120/CP.

Hai là, xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030, danh mục các chương trình/dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, công nghiệp, cấp nước, cấp điện, xử lý chất thải, hạ tầng số; phát triển đô thị, hạ tầng du lịch, logistics (kho bãi, kho ngoại quan).

Ba là, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công để đầu tư các dự án nền tảng, kết nối, vốn đối ứng với các dự án PPP và tập trung tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, nhất là phát triển công nghiệp, hạ tầng giao thông, du lịch...; đặc biệt là các dự án hạ tầng ven biển.

Bốn là, huy động các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn từ các thành phần kinh tế và dân cư để cùng tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH  của địa phương.

Năm là, chú trọng phát triển hạ tầng kinh tế số, nhất là phát triển hạ tầng nền tảng số và chuyển đổi số trong một số lĩnh vực, DN ưu tiên, đồng thời quan tâm đào tạo nguồn nhân lực số...  Tập trung phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển DN công nghệ số, phát triển chuỗi công viên phần mềm Quang Trung tại tỉnh để cung cấp sản phẩm công nghệ số, phát triển nội dung số, quảng cáo số... công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.  

Sáu là, tập trung rà soát quy hoạch, xây dựng chính sách phù hợp để thu hút và khuyến khích phát triển hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh; trong đó chú trọng khai thác các tiềm năng lợi thế của tỉnh như hệ thống sông Mê Kông kết nối với các địa phương, hệ thống giao thông thủy, xây dựng cảng sông, cảng biển, cảng trung chuyển/kho bãi/kho đông lạnh... Đồng thời, có chương trình/kế hoạch thu hút các dự án đầu tư phát triển lĩnh vực logistics, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực logistics và kế hoạch khai thác hiệu quả các bến, cảng và kho bãi hiện có.

Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá như đã nêu trong Báo cáo chính trị, thì việc tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những nhân tố hết sức quan trọng trong việc hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh trong nhiệm kỳ tới, góp phần đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá (tốp 6 khu vực đồng bằng sông Cửu Long) vào năm 2025.

Với định hướng rõ ràng, tầm nhìn dài hạn, sự quyết tâm cùng khát vọng vươn lên ngang tầm khu vực, bằng sự chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, hành động quyết liệt của các cấp chính quyền, sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của người dân và DN sẽ góp phần thực hiện thắng lợi NQ ĐH XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Một số dự án, công trình trọng điểm ưu tiên đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025:

1. Lĩnh vực giao thông: Đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2; trục động lực hạ tầng ven biển (từ TP. Hồ Chí Minh qua Bến Tre đến Kiên Giang); Đường từ vòng xoay An Khánh (QL.60) đến KCN Phú Thuận (ĐT.DK.07) liên huyện Châu Thành - Bình Đại; Đường Bắc Nam phục vụ KCN Phú Thuận và CCN Phong Nẫm (ĐT.DK.08); Nâng cấp, mở rộng QL.57 đoạn từ thị trấn Mỏ Cày đến Khâu Băng (huyện Thạnh Phú); Huyện lộ 17 Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú và các trục giao thông kết nối các CCN, khu, điểm du lịch, các vùng sản xuất nông nghiệp lớn...

2. Lĩnh vực thủy lợi: Đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú (giai đoạn 2); Hoàn thiện 2 hệ thống thủy lợi Nam và hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre (bao gồm các dự án do Jica tài trợ); Tuyến đê bao chống ngập kiểm soát mặn trữ ngọt kết hợp đường giao thông xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre; xây dựng các hồ chứa nước ngọt tại các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại.

3. Lĩnh vực công nghiệp: Hoàn thành KCN Phú Thuận, CCN Long Phước, mở rộng KCN ra huyện biển, mỗi huyện đầu tư ít nhất 1 CCN để thu hút đầu tư; 20 dự án đầu tư điện gió, điện khí 3 huyện Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú và các đường dây truyền tải/đấu nối và các trạm.

4. Dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải đô thị TP. Bến Tre, thị trấn Châu Thành; Dự án xử lý rác thải Bến Tre (giai đoạn 2) và các dự án xử lý rác thải của các huyện còn lại.

5.  Đưa vào vận hành chuỗi công viên phần mềm Quang Trung tại tỉnh Bến Tre; triển khai các dự án ưu tiên trong Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre.

6. Triển khai đầu tư và thu hút đầu tư một số bến tàu, cảng nước sâu/cảng chuyên dùng/cảng trung chuyển hàng hóa và nâng cấp mở rộng cảng Giao Long; đồng thời, có kế hoạch phát triển các dịch vụ logistics (17 loại dịch vụ) và hình thành Trung tâm logistics.

Nguyễn Trúc Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN