Kết quả 3 năm lãnh đạo thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội

01/06/2020 - 07:08

BDK - Ngày 24-6-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác giám sát và phản biện xã hội”. Sau 3 năm lãnh đạo thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá đạt một số kết quả quan trọng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới tại UBND huyện Bình Đại. Ảnh: Nguyễn Hiếu

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giám sát việc thực hiện Luật Bình đẳng giới tại UBND huyện Bình Đại. Ảnh: Nguyễn Hiếu

Nhận thức và sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) được nâng lên. MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phát huy tốt vai trò chủ thể của mình trong công tác GS, PBXH, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và việc xây dựng, ban hành các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công tác GS được thực hiện đúng quy trình, nội dung GS thiết thực và tập trung vào việc giải quyết những bức xúc, kiến nghị hợp pháp của nhân dân. Kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức được 1.187 cuộc GS, trong đó cấp tỉnh 114 và cấp huyện, thành phố là 1.073. Qua GS đã phát hiện những vấn đề bất cập, những điểm còn hạn chế của các ngành chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Từ đó, kiến nghị, đề xuất đến ngành chức năng và các cấp ủy đảng, chính quyền để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết, góp phần tổ chức thực hiện tốt hơn, kịp thời hơn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Công tác PBXH góp phần tốt hơn trong việc xây dựng, ban hành các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ tỉnh đến cơ sở phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi hơn. MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì thành lập Hội đồng phản biện và PBXH gồm những chuyên gia chuyên sâu trên các lĩnh vực, đại biểu cho từng giới, các giai tầng xã hội để có cách nhìn đa chiều và chuyên sâu góp phần phản biện có hiệu quả. Chủ động đề nghị PBXH với các nội dung thiết thực gắn với đời sống cộng đồng như: Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020; Quy định chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư về hoạt động du lịch và hỗ trợ cơ sở vật chất phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Qua 3 năm, đã tổ chức phản biện được 119 cuộc liên quan đến các chương trình, Đề án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; trong đó cấp tỉnh có 67 cuộc và cấp huyện, thành phố có 52 cuộc.

Bên cạnh đánh giá kết quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã rút ra một số kinh nghiệm. Đó là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền và các ngành chức năng, vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, sự đồng thuận của nhân dân là những yếu tố quan trọng để đạt được kết quả trong công tác GS, PBXH.

Phát huy vai trò chủ động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong việc tham mưu, phối hợp, nhất là phát huy đội ngũ chuyên gia là điều kiện để làm tốt và nâng cao chất lượng công tác GS, PBXH.

Các cấp, các ngành phải chủ động, minh bạch trong việc giải quyết các kiến nghị qua GS, PBXH, qua góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là các phản ánh, kiến nghị qua tiếp xúc cử tri, qua đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Quan tâm những nội dung liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, những vấn đề bức xúc được người dân quan tâm phản ánh, kiến nghị.

Năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ làm công tác GS, PBXH là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả GS, PBXH.

Nguyễn Hiếu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN