Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội tại tỉnh

01/11/2019 - 06:41

BDK - Qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (Quyết định 217, 218) về Quy chế giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, chính trị - xã hội; nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền tại tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đi vào nền nếp, thực chất.

Người dân cùng MTTQ, đoàn thể tham gia giám sát tuyến đường đang xây dựng tại ấp Bến Vựa (xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri).

Người dân cùng MTTQ, đoàn thể tham gia giám sát tuyến đường đang xây dựng tại ấp Bến Vựa (xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri).

Đi vào thực chất

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217, 218, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt nội dung cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện và ban hành nhiều công văn lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác GS, PBXH.

Tại xã Vĩnh Hòa (huyện Ba Tri), công tác GS, PBXH trong thời gian qua luôn được quan tâm thực hiện, đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trong đó, năm 2018,  MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Hòa cùng với các ngành, đoàn thể đã tổ chức một cuộc phản biện đối với công trình đường DA 01 từ ấp Bến Vựa Bắc qua ấp Bến Vựa. Công trình đường giao thông nông thôn dài 403m, với kinh phí 875 triệu đồng được đầu tư xây dựng theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Khi thông qua thiết kế, công trình không có hệ thống cống thoát nước. UBND xã Vĩnh Hòa có văn bản yêu cầu MTTQ, các đoàn thể phản biện về công trình này. Sau đó, MTTQ xã Vĩnh Hòa cùng các ngành, đoàn thể triển khai phản biện, tiến hành họp dân, lấy ý kiến thì người dân không đồng tình vì nhiều đoạn thấp nếu không có cống thoát nước sẽ bị ngập.

Ông Trịnh Văn Rừng, 79 tuổi (ngụ ấp Bến Vựa, xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri) cho biết: “Lúc chuẩn bị triển khai xây dựng, chính quyền đã tổ chức họp để người dân có ý kiến về việc thiết kế, xây dựng con đường trong ấp. Khi đó, tôi và nhiều người dân ở đây yêu cầu phải xây dựng cống thoát nước vì nhiều đoạn thấp nếu không làm sau này sẽ bị ngập nước vào mùa mưa”. Sau khi có phản biện từ MTTQ, chính quyền địa phương đã yêu cầu đơn vị liên quan thay đổi thiết kế và thêm hạng mục xây dựng cống thoát nước. Gần một năm nay, công trình hoàn thành đã phát huy hiệu quả nên người dân rất đồng tình.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Hòa Võ Phi Hùng cho rằng, trong thời gian qua, hoạt động GS, PBXH tại địa phương đã phát huy hiệu quả cao. Từ nay đến cuối năm, MTTQ sẽ tiếp tục phản biện đối với công trình xây dựng tuyến đường huyện lộ 14 tại địa phương. Đồng thời, GS UBND xã đối với hoạt động quản lý, thu chi công trình điện thắp sáng; GS đầu tư cộng đồng đối với công trình đường DA 05 trên địa bàn...

Ngay từ đầu năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ba Tri xây dựng tờ trình và kế hoạch GS, PBXH của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trình Thường trực Huyện ủy để phê duyệt. Trong năm 2019, đã xây dựng kế hoạch GS 15 đơn vị ngành và cấp xã. Đến nay, đã giám sát 15/15 đơn vị và tổ chức phản biện 3 dự án, công trình gồm: Dự án xây dựng mở rộng chợ và khu dân cư xã An Ngãi Trung; Công trình Nhà tang lễ thị trấn Ba Tri; Dự án Khu đô thị mới Ba Tri.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ba Tri Châu Anh Tuấn đánh giá: Công tác GS, PBXH trong những năm gần đây đã đi vào nền nếp, đúng quy trình, đúng nội dung đã được duyệt. Sau GS có thông báo kết luận cụ thể những mặt được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Từ đó, chất lượng GS được nâng lên, những vấn đề đặt ra trong GS cụ thể và sát thực tế hơn.

Phát huy hiệu quả

Trong 5 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức GS theo kế hoạch 59 cuộc; các huyện, thành phố giám sát 168 cuộc và cấp cơ sở GS 803 cuộc. Đối với hoạt động PBXH, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiến hành thành lập Hội đồng phản biện và PBXH đối với 13 nội dung văn bản dự thảo do các cơ quan Trung ương và địa phương yêu cầu. Quy trình thực hiện đảm bảo đúng quy chế, quy định, công tác kiểm tra, hướng dẫn được quan tâm thường xuyên. Từ đó, kết quả thực hiện ngày càng được nâng lên về số lượng và chất lượng. Đồng thời, tạo sự quan tâm chung của cả hệ thống chính trị, huy động được sự tham gia tích cực của các ngành, sự đồng thuận tham gia của nhân dân. Thông qua hoạt động GS đã nâng cao vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong hệ thống chính trị.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng cho rằng: Hoạt động GS, PBXH ở cấp tỉnh, huyện đã đạt được nhiều kết quả khả quan, đúng quy trình với những góp ý, kiến nghị cụ thể. UBND cấp huyện, tỉnh có giải trình, tiếp thu, chấn chỉnh nhất là các nghị quyết để thông qua HĐND. Tuy vậy, hoạt động phản biện là nội dung mới, thời gian qua, các đơn vị đặt hàng chưa nhiều, MTTQ thiếu thông tin; đối với cấp xã còn lúng túng về nội dung GS, PBXH, chưa có hậu kiểm.

Trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền và người dân hiểu công tác GS, PBXH của MTTQ các cấp để thực hiện tốt; tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các chuyên đề về nâng cao hiệu quả GS, PBXH, quy định về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cho đối tượng là cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp, nhất là đối với cấp xã và ấp, khu phố; quan tâm đến hậu kiểm sau GS... nhằm phát huy hơn nữa hoạt động GS, PBXH, tạo sự đồng thuận của nhân dân; nâng cao vị trí, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Bài, ảnh: Hoàng Trung

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN