Ngư dân xã An Thủy, huyện Ba Tri trong chuyến cập bến.
Các quy định mới
Luật TS năm 2017 có 9 chương với 105 điều bao gồm: những quy định chung; nội dung bảo vệ và phát triển nguồn lợi, nuôi trồng, khai thác (KT) TS; quản lý tàu cá, tàu công vụ TS, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; kiểm ngư; chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu TS; quản lý nhà nước; điều khoản thi hành. Luật được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động TS hoặc có liên quan đến hoạt động TS trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam KTTS ngoài vùng biển Việt Nam.
Luật TS đã nội luật hóa các nội dung liên quan đến 9 khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu. Cụ thể, Điều 60 khẳng định, chỉ rõ 14 hành vi được coi là KTTS bất hợp pháp gồm: KTTS không có giấy phép, trong vùng cấm KT, trong thời gian cấm KT; KTTS các loài thuộc danh mục TS nguy cấp, quý, hiếm; trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác; KT vượt sản lượng theo loài, KT sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép; che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm các quy định liên quan đến KT, bảo vệ nguồn lợi TS; ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về KT và bảo vệ nguồn lợi TS; chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi KTTS bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định…
Ngoài ra, Luật TS quy định về hạn ngạch giấy phép KTTS trên biển. Theo đó, hạn ngạch giấy phép KT được xác định trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá trữ lượng, xu hướng biến động nguồn lợi TS; tổng sản lượng TS tối đa cho phép KT bền vững; cơ cấu nghề, đối tượng, vùng biển, sản lượng KT theo loài đối với loài TS di cư xa hoặc TS có tập tính theo đàn. Một trong số các điều kiện để tổ chức, cá nhân được cấp phép KTTS là còn hạn ngạch giấy phép. Đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và chỉ được cấp lại giấy phép khi đã nộp nhật ký KT theo quy định và tàu cá không thuộc danh sách tàu cá KTTS bất hợp pháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố. Giấy phép sẽ bị thu hồi trong trường hợp KTTS trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam.
Tổ chức, cá nhân KTTS ngoài vùng biển Việt Nam được Bộ NN&PTNT chấp thuận, nếu KTTS tại vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực thì phải được bộ cấp phép; được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ có biển cho phép hoặc được tổ chức quản lý nghề cá khu vực cấp hạn ngạch cho Việt Nam. Thuyền trưởng tàu có trách nhiệm ghi, nộp nhật ký, nộp báo cáo, xác nhận sản lượng TSKT; TSKT phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc.
Chấp hành quy định
Thời gian qua, Chi cục TS đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm triển khai, phổ biến, giúp ngư dân nắm bắt và tuân thủ pháp luật về hoạt động KTTS. Theo Chi cục trưởng Chi cục TS Huỳnh Văn Cung, những quy định còn khá mới mẻ, bước đầu thực hiện có thể ngư dân sẽ bị ảnh hưởng vì có sự thay đổi trong cách quản lý. Trước đó, Sở NN&PTNT đã tổ chức triển khai Luật TS cho cán bộ quản lý trong ngành và lãnh đạo các địa phương. Chi cục cũng đã phối hợp với các đồn biên phòng, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Phòng NN&PTNT 3 huyện ven biển và UBND các xã tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân trên địa bàn các nội dung liên quan chống KT bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định với hơn 700 lượt người tham dự.
Từ tháng 5-2018, thông qua hoạt động của Tổ kiểm soát nghề cá, công tác kiểm tra, kiểm soát nghề cá cũng đã được triển khai tại 3 cảng cá Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Chi cục TS phối hợp với các đồn biên phòng, Hải đội 2 - Biên phòng, Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng Cảnh sát đường thủy tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng nước thuộc tỉnh.
Mới đây, chi cục cũng đã phối hợp với VNPT Bến Tre, Viettel Bến Tre và Công ty TNHH Zunibal lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình đối với tàu từ 15m trở lên.
Để tất cả ngư dân tuân thủ quy định mới còn nhiều khó khăn với ngành chức năng. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra, nên bước đầu hầu hết ngư dân đã nắm được yêu cầu mới trong hoạt động KT, nhất là yêu cầu ghi chép nhật ký KT. “Việc ghi chép nhật ký KT là điểm mới, khi thực hiện chưa quen vì đây không phải là “nghề” ngư dân. Tuy nhiên, đã là quy định, tôi cố gắng thực hiện. Trước giờ bản thân luôn tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt KTTS vùng biển nước ngoài vì đây là hoạt động nguy hiểm, rủi ro cao, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng”, ngư dân Bùi Thanh Trần - Thuyền trưởng tàu BT 93294Ts bộc bạch.
Ph.Hân