Một trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Giám đốc IW Michael Hüther, đại dịch COVID-19 đã và tiếp tục là cú sốc đối với nền kinh tế Đức. Mặc dù các gói cứu trợ của chính phủ cũng như việc chi tiền cho các công việc làm theo thời gian ngắn (Kurzarbeit) có thể giảm hậu quả nghiêm trọng hơn, song việc giải ngân gói cứu trợ mất quá nhiều thời gian.
Theo IW, Đức đang có khoảng 5.000 công ty hiện chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa do chưa thể nộp đơn phá sản. Việc kéo dài thời gian cho phép nộp đơn phá sản đã giúp ngăn chặn làn sóng phá sản hàng loạt ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu, giúp các doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được trì hoãn trả nợ cũng như ngăn chặn tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, song khó có thể cứu được các doanh nghiệp hiện đang hoạt động như "xác sống".
Trong suốt một năm qua, nhiều ngành kinh tế của Đức như xây dựng triển lãm, tổ chức sự kiện,... phải "án binh bất động". Các khách sạn, nhà hàng phải đóng cửa, trong khi bán lẻ và du lịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo Viện kinh tế Ifo của Đức, thâm hụt ngân sách do đại dịch COVID-19 trong năm 2021 sẽ lên tới 180,8 tỷ euro và trong năm 2022 là 138,2 tỷ euro.
Liên quan tình hình dịch bệnh, dữ liệu của các cơ quan y tế Đức cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm gần 11.700 ca nhiễm COVID-19 mới và 169 ca tử vong. Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) lo ngại về sự lây lan mạnh của biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh sẽ khiến dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ vào giữa tháng 4 tới ở mức cao hơn thời điểm trước dịp Giáng sinh cuối năm ngoái.
Nguồn: Vietnam+