Khách hàng đến giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Hiệu quả sử dụng vốn
Đến ngày 31-12-2022, tổng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh (CSXH tỉnh) là 3.388 tỷ đồng, tăng 1.032 tỷ đồng so với năm 2018, tỷ lệ tăng 43,8%, bình quân mỗi năm tăng 10,95%. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 3.273 tỷ đồng, tăng 949 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 40,83% so với năm 2018, bình quân mỗi năm tăng 10,20%; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương 114,68 tỷ đồng (cấp tỉnh 84,41 tỷ đồng, cấp huyện 30,27 tỷ đồng), tăng 83 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 256,25% so với năm 2018, bình quân tăng 64,06%/năm.
Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách. Dư nợ đạt 3.382 tỷ đồng, tăng 1.031 tỷ đồng so với năm 2018, tỷ lệ tăng 43,82%, với 123.779 khách hàng còn dư nợ.
Trong 14 chương trình tín dụng CSXH đang triển khai, có 8 chương trình tín dụng đang triển khai thuộc lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Tổng dư nợ đạt 2.966,02 tỷ đồng, chiếm 87,73% tổng dư nợ, với 117.288 hộ (chiếm 94,78% tổng số hộ vay của chi nhánh).
Những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã được chuyển tải an toàn đến đúng đối tượng thụ hưởng ngay tại 100% xã, vùng nông thôn trong toàn tỉnh. Các nguồn vốn ưu đãi đã làm thay đổi diện mạo nông thôn một cách nhanh chóng. Không những giúp người dân giảm nghèo mà còn trực tiếp góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, giảm chi phí cho các đối tượng vay vốn, từng bước làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo, giúp các đối tượng thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên thoát nghèo.
Giai đoạn 2018 - 2022, có 154.596 lượt hộ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng CSXH. Ngân hàng CSXH tỉnh đã giúp cho 20.433 hộ thoát nghèo ở khu vực nông thôn, xây dựng 72.487 công trình nhà sạch và vệ sinh môi trường, giải quyết việc làm cho 12.263 lao động, đáp ứng vốn cho 11.301 hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, 376 thương nhân sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, hỗ trợ xây dựng 477 căn nhà ở cho hộ nghèo. Dư nợ bình quân cho vay của các đối tượng tăng qua các năm (năm 2022 tăng 10 triệu đồng so với năm 2018, tỷ lệ tăng 61,33%). Điều này phần nào minh chứng vốn tín dụng được phát huy hiệu quả, hộ vay đã tin tưởng vào tín dụng CSXH, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường nguồn vốn
Để phát huy thế mạnh của tỉnh, Ngân hàng CSXH tỉnh chủ động tham mưu UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Ngân hàng CSXH tỉnh đề nghị Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam phân bổ vốn vay cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn kịp thời. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH để đưa hoạt động tín dụng CSXH càng đi vào chiều sâu.
Tích cực thu hồi nợ đến hạn, kể cả thu hồi nợ đến hạn theo phân kỳ để cho vay quay vòng, với chỉ đạo giải ngân nhanh chóng, kịp thời chỉ tiêu vốn mới, đảm bảo hoàn thành sớm các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Nâng cao trách nhiệm của cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn trong công tác tham mưu chính quyền cơ sở trong việc đầu tư tín dụng CSXH trên địa bàn. Tham mưu UBND xã chỉ đạo trưởng ấp đại diện cho chính quyền cơ sở tham gia giám sát ngay từ khi bình xét cho vay tại các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Sâu sát địa bàn, khách hàng quản lý vốn vay trong quá trình đầu tư, sử dụng vốn vay hiệu quả. Xử lý kịp thời các nghiệp vụ phát sinh theo quy định của Ngân hàng CSXH.
Nâng cao chất lượng giám sát trong hoạt động tín dụng CSXH đối với các hội đoàn thể, Ban Quản lý tổ TK&VV. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt về mục tiêu, nội dung của việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh trong các cấp, các ngành; xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại theo hướng chú trọng tổ chức liên kết giữa nông dân, tổ chức hợp tác của nông dân với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra theo chuỗi giá trị và thực hiện các biện pháp để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế và đảm bảo tăng trưởng ngành nông nghiệp ổn định theo chiều sâu.
|
Thanh Tâm