Đường giao thông nông thôn ở Hưng Phong, Giồng Trôm. Ảnh: Thiên Anh
Vận động kinh phí
Đến nay, UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện 81 công trình, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã giao kế hoạch vốn cho các địa phương thực hiện là 153,7 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 hoàn thành 43/55 công trình, năm 2020 đang triển khai 26 công trình. Đồng thời, để đồng bộ cầu cống trên tuyến, UBND tỉnh phê duyệt danh mục đầu tư với kinh phí dự kiến 129 tỷ đồng.
Về kinh phí đối ứng của địa phương, đối với 55 công trình triển khai năm 2019 thì các xã vận động kinh phí đối ứng khoảng 36 tỷ đồng, chưa kể kinh phí hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc. Nếu tính cộng 26 công trình đang triển khai năm 2020 thì kinh phí vận động đối ứng của 81 công trình khoảng 50 tỷ đồng. Để triển khai có hiệu quả đề án thì khâu quan trọng là công tác tuyên truyền, vận động người dân hai bên các tuyến đường hiến đất, hoa màu; kế hoạch vận động kinh phí trong dân, doanh nghiệp, mạnh thường quân.
Về giải pháp vận động kinh phí, trên cơ sở danh mục công trình có chủ trương thực hiện, UBND xã xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác vận động kinh phí trên địa bàn từng ấp. Đồng thời, Đảng ủy, UBND xã liên hệ với các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài xã để vận động kinh phí hỗ trợ cùng bà con xây dựng các tuyến đường. Thực hiện nghiêm phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” trong huy động vốn để xây dựng GTNT, thực hiện công khai tình hình huy động vốn và quá trình sử dụng xây dựng GTNT.
Đối với các công trình trên tuyến dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng ruộng thì sử dụng nguồn thu GTNT hàng năm trên địa bàn xã để thực hiện, kết hợp vận động kinh phí từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân hoặc thu trên đầu công đất. Đối với các công trình trên các tuyến đông dân cư thì huy động vốn theo hình thức chia đều theo số hộ trên tuyến kết hợp với vận động kinh phí từ các doanh nghiệp. Điển hình như xã An Khánh, huyện Châu Thành kết hợp thu theo đầu công đất và thu theo hộ tùy theo tuyến đường thực tế đi qua từng ấp. Có ấp vận động theo đầu công đất, cụ thể thu 2 triệu đồng/1 công đất đối với hộ giáp mặt tiền lộ; 1 triệu đồng/công đất đối với các hộ cách mặt tiền lộ 1 thửa đất; hộ đóng góp thấp nhất là 2 triệu đồng, hộ đóng cao nhất là 10 triệu đồng. Có ấp thì vận động theo hộ, cụ thể chia đều cho từng hộ để đóng, riêng hộ nghèo thì đóng 50% số tiền.
Quản lý công trình
Về thi công công trình, UBND xã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng công trình, thành lập ban giám sát cộng đồng. Đồng thời, kiến nghị phòng chuyên môn của huyện hỗ trợ giám sát trong quá trình thi công để đảm bảo chất lượng công trình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia giữ gìn, quản lý, kịp thời duy tu, sửa chữa các tuyến đường GTNT do địa bàn ấp quản lý, nhất là các công việc như quản lý nghiêm không cho xe chạy quá tải trọng của đường. Tổ chức khen thưởng kịp thời, biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng GTNT để động viên, đẩy mạnh phong trào.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức, đến nay, 43 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Qua đánh giá của địa phương đối với Đề án số 3333 của UBND tỉnh với kết quả đạt được rất phấn khởi. Sau đầu tư, hiệu quả mang lại rất thiết thực, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, góp phần thực hiện tiêu chí số 2 trong xây dựng nông thôn mới. Các công trình đều đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí so với hình thức đầu tư như trước đây. Nâng cao trách nhiệm của địa phương và cộng đồng thụ hưởng trong xây dựng GTNT, phát huy vai trò của nhóm cộng đồng và Ban giám sát cộng đồng. Qua đó, công trình được thực hiện một cách chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả. Nâng cao năng lực của UBND xã trong vai trò chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng công trình, giúp công tác quản lý và thực hiện được thuận lợi hơn.
Hữu Hiệp