Những công trình giao thông từ sức dân

06/08/2018 - 07:09

Tiêu chí (TC) số 2 về giao thông có thể được xem là một trong những TC  “khó nhằn” đối với rất nhiều địa phương trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Nguyên nhân chính thường gặp phải là ở vấn đề nguồn kinh phí đầu tư, huy động sự hỗ trợ từ người dân. Xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách cũng không nằm ngoài những khó khăn trên. Thế nhưng, nhờ sự quyết tâm vào cuộc và quan trọng nhất là có sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, xã đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các TC xây dựng NTM trong năm 2018.

Tuyến đường từ cầu Vàm Xoáy đến cầu Cái Mơn Lớn, ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành rộng rãi, thông thoáng.

Tuyến đường từ cầu Vàm Xoáy đến cầu Cái Mơn Lớn, ấp Tây Lộc, xã Vĩnh Thành rộng rãi, thông thoáng.

Kịp thời giải quyết bức xúc

Xây dựng NTM ở xã Vĩnh Thành bật lên điểm sáng về sự đồng lòng của nhân dân trong xây dựng đường giao thông nông thôn. Tiêu biểu là câu chuyện nhờ sức dân hoàn thành việc trải bê-tông 2 tuyến đường giao thông liên ấp Vĩnh Hiệp - Vĩnh Hưng 2 (450m) và tuyến đường từ cầu Vàm Xoáy đến cầu Cái Mơn Lớn, thuộc ấp Tây Lộc (170m).

Tuyến đường từ cầu Vàm Xoáy đến cầu Cái Mơn Lớn ở ấp Tây Lộc tuy chỉ dài 170m nhưng có ý nghĩa giao thương quan trọng đối với khoảng 40 hộ dân thuộc Tổ nhân dân tự quản số 15 lưu thông liên ấp Vĩnh Hưng 1 và ấp Tây Lộc, vì là đoạn đường vận chuyển hàng hóa từ trong vườn ra đường lớn. Đa số  bà con sinh sống trên tuyến đường này làm nghề sản xuất cây giống, dịch vụ phục vụ cho sản xuất cây giống nên lưu lượng xe ra vào khá nhộn nhịp.

Ông Phạm Văn Khâm, người dân thuộc Tổ 15, ấp Tây Lộc nhớ lại: “Tuyến đường này ban đầu là đường đan nhỏ hẹp, lại còn trũng và xuống cấp, đọng nước, lầy lội nên lưu thông rất bất tiện. Xe hoa lâm chở cây giống, vật tư ra vào mỗi lần 1 chiếc rất khó khăn”.

Thấy được bức xúc đó của người dân, Đảng ủy và chính quyền địa phương khẩn trương khảo sát và vận động bà con trải bê-tông tuyến đường với kinh phí 100% xã hội hóa là 250 triệu đồng. Tuyến đường vừa được mở rộng và nâng cấp thành đường tiêu chuẩn cấp B, rộng 3,5m, hoàn thành trong tháng 6-2018. “Bây giờ đường rộng rãi, cao ráo, không còn lầy lội, xe hoa lâm ra vào 2 chiếc thoải mái”, ông Khâm vui mừng nói.

Cũng từ sự đồng lòng, đóng góp kinh phí thực hiện của người dân, tuyến đường liên ấp Vĩnh Hiệp - Vĩnh Hưng 2 dài 450m đã hình thành. Mặc dù là đường liên ấp nhưng ban đầu tuyến này chỉ là một con lộ đất nhỏ hẹp. Trước nhu cầu bức thiết của người dân, xã đã khảo sát và vận động xã hội hóa để thực hiện tuyến đường này. Bà con sinh sống ven hai bên tuyến đường hết lòng ủng hộ, hiến đất để làm đường bê-tông, nâng nền, mở rộng 2m. Chưa tính giá trị từ hiến đất và ngày công lao động của bà con, kinh phí vận động được 120 triệu đồng. Dù vẫn còn đang trong quá trình thi công nhưng tuyến đường liên ấp Vĩnh Hiệp - Vĩnh Hưng 2 hoàn thành sẽ có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế ở địa phương, giúp người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa, giao thương thuận lợi. Gần 40 hộ dân được hưởng lợi từ công trình này.

Ngoài ra, trong Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, trên địa bàn xã cũng đã tranh thủ được sự hỗ trợ của lực lượng chiến sĩ tình nguyện. Đội hình Mùa hè xanh Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ trải bê-tông tuyến đường cấp C thuộc ấp Vĩnh Hiệp, dài 750m. Đội hình Kỳ nghỉ hồng của Đoàn Khối các Cơ quan tỉnh hỗ trợ các ngày công vào thứ Bảy hàng tuần để trải bê-tông 1 tuyến đường cấp C ở ấp Vĩnh Hưng 1 dài 850m. Tuyến đường này cũng do bà con trên địa bàn đóng góp thực hiện.

Đồng lòng vào cuộc

Vĩnh Thành có 12 ấp, 4.472 hộ dân, nhân khẩu trên 17 ngàn người, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2017 còn dưới 5%. Đời sống người dân chủ yếu là làm nông như sản xuất cây giống, hoa kiểng, trồng cây ăn trái, các ngành dịch vụ, thương mại với khoảng 1.000 hộ kinh doanh cá thể, 14 doanh nghiệp làm về cây giống và các ngành thương mại.

Ở Vĩnh Thành, công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM được thực hiện khá tốt. Qua vận động, người dân hiến đất, đóng góp hoa màu rất nhiều. Ông Trần Văn Thành - Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành nhận xét: “Nếu người dân không đồng tình thì khó mà thực hiện. Từ giao thông đến thủy lợi, môi trường, qua quá trình tuyên truyền, vận động, người dân nhận thức được chủ trương của Đảng và Nhà nước nên luôn đồng hành với chính quyền xã”. Cụ thể như tại Tổ 15, ấp Tây Lộc, bà con ủng hộ kinh phí làm đường rất nhiệt tình. Chính quyền xã ghi nhận được những chủ cơ sở kinh doanh đóng trên địa bàn có nơi ủng hộ 40 - 50 triệu đồng, các hộ dân trong tổ tùy theo khả năng đóng góp, người nhiều cũng 5 - 6 triệu đồng như hộ gia đình ông Phạm Văn Khâm. “Mình đóng góp lại cùng làm vì lợi ích chung, trong đó bản thân, gia đình mình cũng được hưởng lợi”, ông Phạm Văn Khâm cho biết.

Qua trao đổi với cán bộ xã về cách làm cho thấy “bí quyết” của Vĩnh Thành là ở tinh thần trách nhiệm và thực sự vào cuộc của Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể và mỗi cán bộ xã. Bà Lê Thị Kim Chi - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thành cho biết: “Ban chỉ đạo NTM xã phân công thực hiện nhiệm vụ cụ thể, các đoàn thể phụ trách từng TC cụ thể để sâu sát thực hiện”. Trong quá trình vận động và triển khai thực hiện các phần việc, cán bộ bám cơ sở, xuống trực tiếp địa phương với bà con theo dõi, hỗ trợ. Chính từ tinh thần đó đã tạo được sự tin tưởng của người dân và sự đồng lòng ủng hộ.

Đến thời điểm này, xã đã đạt 14/19 TC, là xã điểm xây dựng NTM trong năm 2018 của huyện. Các TC còn lại như cơ sở vật chất văn hóa, môi trường (hố xí hợp vệ sinh), thủy lợi, giao thông, y tế (tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế) đều đạt từ 80 - 90%. Trong đó, TC giao thông hoàn thành được 1 tuyến đường cấp A, đã bàn giao xong mặt bằng 3 tuyến đường cấp A và hoàn thành 1 tuyến đê bao. “Quyết tâm chính trị chung của toàn Đảng bộ là đến tháng 10-2018 xã sẽ hoàn thành 19 TC”, bà Lê Thị Kim Chi cho biết.

Huyện Chợ Lách đang dồn sức xây dựng đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2020 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy. Sự quyết tâm vào cuộc của Đảng bộ và chính quyền mỗi địa phương, nhất là mỗi cán bộ cấp cơ sở nêu cao ý thức trách nhiệm, sâu sát địa bàn có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra. Vĩnh Thành đã bước đầu thực hiện được điều này, tạo nên sự chuyển bộ mạnh mẽ ở địa phương. Câu chuyện người dân đồng lòng tham gia xây dựng giao thông nông thôn ở xã Vĩnh Thành có thể nói là minh chứng rõ nét nhất cho câu nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN