Hệ thống lọc RO được đưa vào sử dụng tại xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc). Ảnh: Phan Hân
Tuyên truyền cụ thể, thông tin kịp thời
Để chủ động trước hạn mặn, công tác thông tin, tuyên truyền cần được thực hiện đồng bộ và kịp thời. Cùng với công tác dự báo diễn biến xâm nhập mặn định kỳ của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, các địa phương chủ động thành lập mạng lưới thông tin giữa ngành chức năng huyện, chính quyền xã với người dân qua các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook. Các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên cũng chủ động thông tin diễn biến độ mặn để người dân nắm.
Tại huyện Chợ Lách, chính quyền các xã vận động thành lập nhóm Zalo, Facebook riêng từng địa phương, để thường xuyên thông tin, cập nhật về tình hình diễn biến hạn mặn hoặc các vấn đề cần lưu ý, đảm bảo trên 90% người dân tiếp cận được thông tin và liên tục chia sẻ diễn biến. Trong thông tin, tuyên truyền chú trọng phát huy vai trò tích cực, chủ động của người dân trong thực hiện các giải pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai; tiếp tục vận động người dân trang bị các dụng cụ, bố trí các công trình trữ nước mưa, nước ngọt.
Tại Giồng Trôm, huyện đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống hạn mặn, trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ cho mình. Theo Bí thư Huyện ủy Giồng Trôm Nguyễn Trúc Hạnh, các địa phương đã làm khá tốt công tác tuyên truyền theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh, huyện; tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống đài truyền thanh, trong các cuộc họp chi bộ, thông qua các tổ chức đoàn thể, các đoàn viên, hội viên, rồi thông qua tổ nhân dân tự quản…
Các giải pháp tại hộ dân
Các địa phương đã bắt tay vào việc huy động nguồn lực, xây dựng kế hoạch dự trù kinh phí triển khai thực hiện phòng chống hạn mặn, nhất là triển khai phương án đắp đập tạm. Tại xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, đã liên hệ các đơn vị cấp nước ở Tiền Giang để trường hợp cấp bách sẵn sàng phương án vận chuyển cấp nước cho dân sinh. Một số nơi, chính quyền cấp xã chủ động tìm các điểm công cộng để trữ, chứa nước như là hồ chứa ở các điểm trường học, trạm y tế, ao mương rộng lớn của dân để trữ nước. Chủ động trong đề xuất đắp đập tạm với những công trình ngoài khả năng địa phương, còn những tiểu công trình trong khả năng, địa phương cũng chủ động huy động các nguồn lực trong dân, như: đắp đê bao, làm bờ ngăn nước mặn vào nội đồng. Điển hình như ở xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, hầu hết người dân đã chủ động tự trang bị các dụng cụ chứa nước, đắp đập tạm trữ nước ngọt trong mương vườn phục vụ sản xuất, chọn một ao lớn tại một hộ dân chứa nước ngọt cho khu vực trong ấp.
Phụ nữ ấp Quí Thế, xã Quới Điền (Thạnh Phú) xây ống hồ xi-măng trữ nước mưa, nước ngọt. Ảnh: Minh Mừng
Người dân cũng đã có ý thức cao, chủ động để thực hiện các giải pháp trữ nước ngọt, nước mưa, cải tạo ao vườn trữ nước tưới cây… phục vụ tốt cho mình; thực hiện trữ nước ngọt bằng nhiều phương tiện, hình thức, như: ao, mương, hồ, cống, đắp đê ngăn mặn… Điển hình như ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, toàn xã đã xây dựng mới 370 hồ bê-tông ở hộ dân, các hộ theo diện tích không gian nhà, đất đã bố trí nhiều hình thức, dụng cụ chứa nước phù hợp.
Hay tại xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, có nhà vườn đã mạnh tay đầu tư hồ chứa nước ngọt với diện tích lên tới 1.200m2 để trữ nước. Nhiều nhà vườn triển khai xây thêm ống hồ, trang bị túi trữ nước trong vườn. Huyện cũng đã xây dựng 4 kịch bản ứng phó hạn mặn từng cấp độ. Tại UBND các xã, thị trấn đều đã chủ động mua sắm trang thiết bị đo mặn, tổ chức điểm đo mặn tập trung để hỗ trợ kiểm tra mẫu nước do người dân mang đến. Việc đo mặn có phân công cá nhân phụ trách hàng ngày, theo dõi sát những thông tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh để chủ động thông tin trên đài truyền thanh.
Trong sản xuất, ngành nông nghiệp khuyến cáo, hướng dẫn nông dân áp dụng rộng rãi giải pháp che mát, dùng lưới, cỏ và các nguyên liệu, vật tư khác che tránh mất nước cho cây trồng; thông tin cho người dân nắm rõ mức độ chịu mặn và chịu ảnh hưởng của các loại cây trồng. Đồng thời, cũng vận động hộ dân dịch chuyển điểm sản xuất, vận chuyển sớm các loại hoa, cây cảnh phục vụ Tết; điều chỉnh lịch mùa vụ cây ăn trái cho phù hợp, cân nhắc về quy mô sản xuất.
Hiện tại, dự báo xâm nhập mặn đã diễn ra và có xu hướng diễn biến khó lường. Các phương án ứng phó với hạn mặn đã được chủ động thực hiện, người dân cũng đã ý thức và cẩn trọng hơn. Mùa khô 2020-2021 đã gần kề, nguy cơ hạn mặn kéo dài là có thể xảy ra. Về lâu dài, các địa phương cần xem xét thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với từng vùng, từng địa phương và chống chịu được với tình hình hạn mặn diễn biến ngày càng gay gắt, từng bước xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng cao, hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao vào quá trình sản xuất nông nghiệp.
Toàn tỉnh hiện có trên 470 hệ thống lọc RO với công suất nhỏ nhất 0,25m3/giờ đến lớn nhất 10m3/giờ. Tất cả các hệ thống lọc được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý. Đến nay, các hệ thống đều được bảo trì, sẵn sàng vận hành cấp nước ngọt dùng ăn uống khi mặn xâm nhập. |
Ph. Hân - A. Nguyệt - Th. Đồng