Chủ động triển khai công tác phòng chống hạn mặn

14/12/2020 - 08:03

BDK - Mùa khô 2020-2021 đã bắt đầu. Những cảnh báo xâm nhập mặn đầu tiên đã phát đi cho thấy, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính trên địa bàn tỉnh đã diễn biến phức tạp như những dự báo sớm của ngành chức năng. Bến Tre đã triển khai các giải pháp chủ động trước hạn mặn nhằm ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, bởi thực trạng thiên tai, biến đổi khí hậu đang ngày càng gay gắt. Hệ thống chính trị các cấp đã khẩn trương chỉ đạo các nhiệm vụ cần thực hiện.

Công trình cống Trung Nhuận, huyện Giồng Trôm góp phần ứng phó xâm nhập mặn. Ảnh: Thanh Đồng

Công trình cống Trung Nhuận, huyện Giồng Trôm góp phần ứng phó xâm nhập mặn. Ảnh: Thanh Đồng

Dự báo tình hình hạn mặn

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2020 tiếp tục là năm ít nước, dòng chảy lũ về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhỏ, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô năm 2020-2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến mức nghiêm trọng. Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu - nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở các nước thượng nguồn hệ thống sông quốc tế và gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho phát triển nội tại sẽ làm tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.

Chỉ thị số 36 về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở ĐBSCL của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc, tập trung làm tốt công tác thông tin, vận động, hướng dẫn để từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn hiểu, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn. Đồng thời, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa cho khô năm 2020-2021 với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015-2016, 2019-2020.

Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; quán triệt phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

Mỗi gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xóm, ấp, làng, xã, huyện, tỉnh cần chủ động có giải pháp phù hợp để dự trữ nước ngọt ngay từ cuối mùa mưa nhằm bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô, không để bị động, bất ngờ. Người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước triệt để, chống thất thoát, lãng phí nước.

Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, hiện tại xâm nhập mặn đã bắt đầu xuất hiện tại khu vực gần các cửa sông chính trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, độ mặn 4%o đã xâm nhập đến cách các cửa sông từ 15 - 24km. Trên sông Cửa Đại. mặn xâm nhập đến địa bàn xã Định Trung, huyện Bình Đại. Trên sông Hàm Luông, mặn xâm nhập đến địa bàn xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú. Trên sông Cổ Chiên, mặn xâm nhập đến địa bàn xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú. Độ mặn 1%o đã xâm nhập đến cách các cửa sông chính từ 24 - 36km. Dự báo diễn biến xâm nhập mặn từ trên các sông chính đều có xu hướng xâm nhập sâu dần, trong đó vào sâu nhất là trên sông Hàm Luông. Cấp độ rủi ro thiên tai được dự báo xấp xỉ cấp độ 1 (trên sông Hàm Luông), các nơi khác thấp hơn cấp độ 1.

Triển khai các giải pháp

Từ đầu tháng 10-2020, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã triển khai công tác phòng, chống hạn mặn và cấp nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân. Tinh thần chung, tỉnh xác định việc bảo vệ nguồn nước ngọt là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa sống còn cho sự phát triển của tỉnh trong 1 năm và cả nhiệm kỳ. Do đó, các cấp ủy, chính quyền trong toàn tỉnh phải tạo sự đoàn kết hành đồng, tạo sự đồng tình của người dân thực hiện ngay, sớm các giải pháp đảm bảo nguồn nước. Trong đó, tỉnh ưu tiên giải pháp trữ nước ngọt, xử lý công nghệ RO và các công trình nhóm thủy lợi.

Hệ thống lọc nước RO tại xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc). Ảnh: P. Hân

Hệ thống lọc nước RO tại xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc). Ảnh: P. Hân

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập, tỉnh quyết tâm không để tình trạng thiếu nước ngọt xảy ra như năm 2019-2020. UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương chủ động các kế hoạch, sẵn sàng các phương án để bảo vệ sản xuất, kiểm soát được thủy lợi và đặc biệt kiểm soát được cấp nước. Đồng thời, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách về khung giá nước qua hệ thống lọc RO, vận chuyển nước thô về xử lý… phù hợp theo từng thời điểm. Cụ thể, xây dựng giá lúc bình thường và khi có hạn mặn bảo đảm đúng quy định.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi thường xuyên, chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, bố trí thêm các trạm quan trắc, dự báo sớm tình hình xâm nhập mặn, triều cường… để nhân dân chủ động, kịp thời ứng phó.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã tổ chức thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh, mương; vận hành hợp lý các công trình thủy lợi, tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào hệ thống kênh, mương nội đồng, hồ chứa... “Sắp tới, đơn vị sẽ theo dõi chặt chẽ và khẩn trương đóng cống ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn lên cao để bảo đảm đáp ứng nhu cầu về nước không bị nhiễm mặn của các địa phương” - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hồ Ngọc Hậu thông tin.

Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp nước đã chủ động triển khai thực hiện kế hoạch, phương án cấp đủ nước phục vụ nhu cầu cho người dân. Ngành y tế có kế hoạch thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xử lý các trường hợp cung cấp nước không đạt quy chuẩn theo quy định.

Chính quyền cấp huyện, xã cũng đã bắt tay vào việc huy động nguồn lực, xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí triển khai thực hiện phòng chống hạn mặn, xây dựng kịch bản ứng phó cụ thể với từng cấp độ thiên tai tại địa phương, sẵn sàng trước hạn mặn.

Ph. Hân - A. Nguyệt - Th. Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN