|
Mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao ở xã An Điền (Thạnh Phú). |
Bến Tre có diện tích đất lúa không lớn, nhưng lúa vẫn là cây lương thực chính, bình quân chiếm khoảng 80% sản lượng lương thực của tỉnh. Sản lượng lúa hàng năm đạt khoảng 300 ngàn tấn.
Thời gian qua, diện tích đất lúa ngày càng giảm
dần, do người dân chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác hiệu quả, là phù hợp
với xu thế hiện nay. Tuy nhiên, tỉnh có rất ít tỷ lệ diện tích đất lúa sử dụng
giống xác nhận. Đặc biệt, Bến Tre là tỉnh duy nhất trong vùng không có doanh
nghiệp kinh doanh giống lúa đúng nghĩa. Do vậy, nhiều năm qua, tỷ lệ sử dụng giống
xác nhận luôn ở mức thấp. Nhiều chương trình khuyến nông, trình diễn giống lúa
mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… đã hỗ trợ nông dân chuyển dần sang
sản xuất giống lúa mới. Diện tích sử dụng các loại giống lúa đạt chuẩn xuất khẩu
chiếm trên 80% diện tích, tập trung ở một số giống như OM 3536, OM 6162, OMCS
4900. Qua nhiều lớp tập huấn, chuyển giao, đã xuất hiện nhiều mô hình cá nhân sản
xuất giống quy mô nông hộ để cung cấp nhu cầu tại địa phương như Tổ giống xã
Lương Quới, Phong Mỹ (Giồng Trôm); xã Phú Lễ, Mỹ Hòa, An Hiệp (Ba Tri). Năng lực
cung cấp giống hàng năm của các trại giống và hệ thống vệ tinh toàn tỉnh chỉ
đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Đa số nông dân sử dụng giống lúa ăn để làm giống,
làm cho năng suất ngày càng giảm đáng kể, thấp hơn từ 5 - 15% so với hộ sử dụng
giống tốt.
Kết quả khảo sát ngẫu nhiên tại 30 hộ ở Châu
Thành với diện tích 18ha cho thấy, chỉ có 5 hộ có sử dụng giống lúa đạt chuẩn để
sản xuất. Tỷ lệ sử dụng giống đạt chuẩn là 18,6% diện tích, còn lại phần lớn
nông dân sử dụng giống lúa ăn để làm giống. Đây là tỷ lệ rất thấp so với mặt bằng
sử dụng giống của toàn tỉnh. Tại huyện Bình Đại, điều tra ngẫu nhiên 40 hộ với
diện tích 25ha, trong đó chỉ có 15 hộ với diện tích sử dụng giống lúa đạt chuẩn
là 37,6%. Tỷ lệ đạt trung bình so với toàn tỉnh, có nghĩa là nông dân có phần
quan tâm đến chất lượng lúa. Phần lớn diện tích đất sản xuất lúa chỉ làm một vụ
nên việc để giống là tương đối khó khăn. Ba Tri là huyện trọng điểm lúa của tỉnh,
qua điều tra ngẫu nhiên 44 hộ có đất sản xuất lúa, chỉ có 8 hộ sử dụng giống từ
xác nhận trở lên để sản xuất. Điều này cho thấy nông dân quan tâm chủ yếu là chủng
loại giống phù hợp, quen thuộc mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng giống lúa.
Trong khi đó, phần lớn nông dân đều sử dụng giống OC 10 không rõ nguồn gốc để sản
xuất.
Để có nguồn giống tốt cho nông dân, tỉnh đã đầu
tư trên 2,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp chương trình giống, do Trung
tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bến Tre chủ trì thực hiện. Mục tiêu của
dự án là đảm bảo sản xuất ổn định mỗi năm ít nhất 6 ngàn tấn lúa giống cấp xác
nhận, đảm bảo 90% diện tích canh tác lúa sử dụng giống tốt và 70% diện tích lúa
sử dụng giống xác nhận và tương đương. Qua 3 năm triển khai, tại Bình Đại, đã
điều tra 3 tổ giống với 30 hộ, diện tích 42ha, trong đó diện tích sử dụng giống
đạt chuẩn 26,6ha. Điều này cho thấy, thông qua tác động của dự án, số lượng
nông dân đã sử dụng giống đạt chuẩn tăng lên rất nhiều so với trước khi triển
khai dự án. Tại Giồng Trôm, điều tra 35 hộ với diện tích của các tổ giống là
156ha, trong đó diện tích sử dụng giống đạt chuẩn là 124ha. Nông dân đã sử dụng
giống đạt chuẩn tăng lên khá nhiều, vượt kế hoạch đề ra, toàn huyện đạt tới 80%
diện tích canh tác. Có được kết quả này là nhờ sự đóng góp rất lớn từ các tổ giống.
Tại huyện Thạnh Phú, điều tra trên 30 hộ với tổng diện tích 110ha, trong đó diện
tích sử dụng giống đạt chuẩn 63ha. Tỷ lệ mặc dù hơi thấp so với trước khi triển
khai dự án nhưng cũng đã phản ánh đúng thực trạng sử dụng giống trong huyện. Điều
tra 30 hộ tại huyện Ba Tri với diện tích đất canh tác 423ha, trong đó diện tích
đất sử dụng giống đạt chuẩn là 346ha. Kết quả vượt trội này cho thấy Ban chủ
nhiệm dự án đã linh động, nhanh nhạy trong việc phục tráng giống OC 10 theo yêu
cầu của nông dân. Trên 55% nông dân trong huyện sử dụng giống lúa OC 10 sản xuất.
Việc nông dân được cung ứng nguồn giống OC 10 đạt chuẩn kỹ thuật đã giúp tăng
nhanh tỷ lệ sử dụng giống tốt trong dân khá nhiều so với trước đây, vượt chỉ
tiêu dự án đề ra là 70%.
Kỹ sư Trần Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh cho biết: Dự án đã triển khai hiệu quả
ngoài mong đợi, giúp cho một số tổ giống và nông dân có thể tiếp tục thực hiện
sản xuất, cung ứng giống những năm tiếp theo và có khả năng phát triển, nhân rộng.
Cần duy trì tỷ lệ giống tốt trong dân để nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo sản
xuất có lãi với mức giá thu mua thấp do tác động của quá trình xuất khẩu gạo
không thuận lợi. Trong khi đó, canh tác của nông dân vẫn chưa thật sự đi vào
thâm canh, làm cho một số vùng năng suất còn thấp, không ổn định thì mô hình
canh tác có sử dụng giống xác nhận là điều kiện giúp nông dân canh tác hiệu quả
hơn. Thông qua sinh hoạt định kỳ, nông dân được trang bị kiến thức canh tác tốt
hơn, giúp tăng năng suất và thu nhập.