Người Bến Tre tham gia chiến dịch điện biên phủ

06/05/2014 - 18:25
Xung phong tiến đánh chiếm cứ điểm Him Lam

Trong chuyến vượt biển lịch sử vào cuối tháng 3-1946, từ Bến Tre ra Hà Nội xin chi viện vũ khí của Trung ương để đánh thực dân Pháp, đang trở lại xâm lược Nam Bộ, đoàn đi ngoài các ông Đào Văn Trường - Tư lệnh Khu 8; nhà giáo Ca Văn Thỉnh; bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và bà Nguyễn Thị Định - Chủ tịch Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Bến Tre… còn có một nhân vật lâu nay ít ai biết, đó là ông Nguyễn Trí Việt (quê Bến Tre) sau này đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nguyễn Trí Việt tên thật là Bùi Văn Lẹ, sinh ra tại xã Phú Thuận, huyện Bình Đại. Giữa lúc khí thế Cách mạng Tháng 8 đang sục sôi của cả nước, cậu học sinh 15 tuổi Bùi Văn Lẹ đang học năm thứ ba bậc Thành chung tại Mỹ Tho, đã “xếp bút nghiên” gia nhập bộ đội tỉnh Bến Tre, làm lính trinh sát. Sau chuyến vượt biển lịch sử ra Hà Nội, Nguyễn Trí Việt được vinh dự gặp Bác Hồ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nguyễn Trí Việt được chuyển đến làm liên lạc trong một đơn vị thuộc cơ quan tác chiến Bộ Tham mưu. Sau thời gian công tác ở đây, Nguyễn Trí Việt được đưa đi học trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Đầu năm 1949, sau khi tốt nghiệp khóa 4 đào tạo sĩ quan, anh được điều về làm chính trị viên Đại đội, thuộc Huyện đội Kim Anh (tỉnh Vĩnh Phúc).

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Trí Việt giữ nhiệm vụ chính trị Đại đội 245, thuộc Tiểu đoàn 11 (mang tên Phủ Thông(*)), Đại đoàn 312. Đêm 14-3-1954, Tiểu đoàn đã tham gia đánh vào một trong ba cụm cứ điểm Him Lam. Đây là trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, vô cùng ác liệt. Sau hơn nửa giờ, pháo các loại ta trút bão lửa xuống cứ điểm Him Lam, 18 giờ 15 phút, Đại đội được lệnh vượt qua cầu ngầm sông Nậm Rốm, do một đơn vị công binh bắc từ mấy ngày trước. Từ đây, Đại đội 245 phải băng qua một con hào mới đào đêm trước để đến một bãi trống, tiếp cận hàng rào cứ điểm, trong mưa đạn pháo của địch từ Mường Thanh bắn sang chi viện. Hơn 3 giờ chiến đấu vô cùng cam go, ác liệt và anh dũng, Đại đội 245, cùng Tiểu đoàn 11 và các đơn vị bạn đã làm chủ cứ điểm Him Lam, xóa sổ toàn bộ tiểu đoàn thiện chiến gồm 750 tên địch đang trấn giữ. Sáng hôm sau, ta đánh tan tác bọn phản kích và còn cho phép chúng đến nhặt thương binh và xác địch chết tại đây. Tham gia tác chiến suốt chiến dịch Điện Biên Phủ và cuối cùng là trận đánh chiếm sân bay Mường Thanh. Đang bị cơn sốt rét rừng hành hạ, được chỉ huy tiểu đoàn cho phép được nghỉ, nhưng Nguyễn Trí Việt đã xin ở lại, sát cánh cùng đồng đội dũng cảm, mưu trí dùng súng bazoka bắn cháy 2 xe tăng địch. Nhờ thành tích xuất sắc này, Đại đội 245 được Bộ Chỉ huy Mặt trận quyết định khen thưởng Huân chương Quân công hạng ba. Chiến sĩ bắn hạ xe tăng được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất và Nguyễn Trí Việt được thưởng Huân chương Chiến công hạng ba tại Mặt trận.

Anh Trí Việt.

Sau chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ, Nguyễn Trí Việt phục vụ trong quân ngũ một thời gian rồi chuyển ngành. Vào thời điểm cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của cả nước đang cực kỳ sôi động, ác liệt nhất, Mỹ ồ ạt đổ quân viễn chinh vào chiến trường miền Nam, năm 1966, Nguyễn Trí Việt đã tình nguyện về quê hương miền Nam chiến đấu. Mùa xuân 1975, giữa lúc cả nước đang nức lòng trước những chiến công dồn dập của quân dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh Giải phóng đã phát nhiều lần bài ký “Hành trình Mùa xuân” như một hành khúc thôi thúc đoàn quân thần tốc xông lên giành toàn thắng. Sau này tôi mới biết bài viết ấy, tác giả chính là anh. Cũng như phim truyện “Cô Nhíp” đoạt giải Bông Sen bạc, nguyên mẫu hình tượng người thật của nữ Biệt động Sài Gòn, Nguyễn Thị Trung Kiên. Sau này tôi cũng mới biết, chính anh là tác giả kịch bản. Sau giải phóng, Nguyễn Trí Việt làm biên tập phim, biên dịch phim ở Hãng phim Giải Phóng, ở Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.

Biết Nguyễn Trí Việt là người Bến Tre duy nhất tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, anh là chứng nhân, là niềm tự hào của Bến Tre, mỗi khi có những lễ hội lớn, tỉnh đều trân trọng mời anh về dự, vừa tôn vinh anh, vừa giáo dục truyền thống quê hương cho các thế hệ. Nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1994), tỉnh đã mời anh về, nhưng anh bận dự họp mặt cựu binh tại chiến trường Điện Biên năm xưa. Chuyến đi này anh được chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dịp kỷ niệm 55 năm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (2009), Bến Tre đã lên danh sách mời anh về giao lưu, khi liên lạc lại mới biết anh đã ra đi vĩnh viễn hồi cuối tháng 11-2008.

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, cả nước ta nhớ đến người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, linh hồn của Chiến thắng Điện Biên Phủ bất hủ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Riêng đối với Bến Tre, mãi mãi vô cùng tự hào và không thể nào quên người con duy nhất của quê hương xứ Dừa - Nguyễn Trí Việt, đã góp mặt cùng cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Vũ Hồng Thanh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN