Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

03/06/2020 - 07:11

BDK - Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số PCI của tỉnh năm 2019 đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố, nằm trong nhóm điều hành tốt của cả nước. Tuy thứ hạng giảm 3 bậc so với năm 2018 nhưng tổng điểm tăng 1,67 điểm.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh với các doanh nghiệp FDI (Hàn Quốc). Ảnh: Ánh Nguyệt

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh với các doanh nghiệp FDI (Hàn Quốc). 

7 chỉ số tăng điểm

Qua kết quả phân tích của VCCI Việt Nam, Chỉ số PCI của tỉnh năm 2019 đạt 69,34 điểm (+ 1,67 điểm so với năm 2018), xếp hạng giảm 3 bậc so với năm 2018. Trong 10 chỉ số thành phần, có đến 7 chỉ số tăng điểm so với năm 2018 là: gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý.

Chi phí thời gian đạt 8,8 điểm (tăng 0,26 điểm so với năm 2018; cao nhất trong cả nước). Kết quả đánh giá của doanh nghiệp (DN), có đến 99% DN cho rằng phí, lệ phí được công khai; 91% DN cho rằng, cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả; 88% DN cho rằng, cán bộ nhà nước thân thiện; 72% DN cho rằng, không cần phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục; 69% DN cho rằng, thủ tục giấy tờ đơn giản; 85% DN cho rằng, thời gian thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) được rút ngắn hơn so với quy định…

Tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 7,48 điểm, tăng 0,64 điểm, xếp hạng 3/63 tỉnh, thành trong cả nước. Qua kết quả đánh giá, có 89% DN nhận định UBND tỉnh linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân; có đến 77% cho rằng UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh; 66% cảm nhận về thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực.

Cộng đồng DN đánh giá rất cao sự năng động, sáng tạo của chính quyền và lãnh đạo tỉnh. Đặc biệt trong năm 2019, thông qua các diễn đàn đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và DN, Cà phê DN, Bàn tròn khởi nghiệp thì nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của DN đã được lãnh đạo tỉnh lắng nghe, chia sẻ và chỉ đạo xử lý ngay; thể hiện rõ cam kết đồng hành với DN.

Tuy nhiên, cũng có nhiều chỉ số thành phần rất đáng lo ngại như: Có đến 61% cho rằng, có sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành. 55% cho rằng, lãnh đạo tỉnh có chủ trương đúng, nhưng chưa được thực thi tốt ở cấp huyện. Điều này cho thấy còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Đồng thời, có 3 chỉ số bị giảm điểm, gồm: tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng và dịch vụ hỗ trợ DN. Nhiều chỉ số thành phần được cộng đồng DN đánh giá giảm tỷ lệ so với năm 2018: Có 57% DN có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 24% DN cho rằng, họ gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch (năm 2018 là 6%). 11% DN đánh giá tỉnh giải phóng mặt bằng chậm.

Cải thiện các chỉ số thành phần

Phân tích trên cho thấy, số điểm của tỉnh còn nhiều điểm phải cải thiện. Nếu tỉnh không đẩy mạnh cải cách thì sẽ tiếp tục bị tụt hậu, sụt giảm điểm và thứ tự xếp hạng, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Từ đó, đòi hỏi các ngành, các cấp cần phải phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa. Ảnh: Cẩm Trúc

Phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa. 

Tại hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho rằng: Năng lực tiếp nhận và thực thi các dự án, chương trình trên địa bàn mặc dù có cải thiện nhưng vẫn còn một số hạn chế. Một trong những giải pháp phát triển kinh tế là huy động vốn đầu tư toàn xã hội, trong và ngoài nước. Để hấp thu nguồn vốn đòi hỏi năng lực hấp thu được những dự án lớn. Đây là vấn đề đặt ra trong thời gian tới.

Đối với giải pháp tiếp cận đất đai, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh vận động tạo quỹ đất sạch, phối hợp giải phóng mặt bằng, cung cấp thông tin về đất đai để thu hút và mời gọi đầu tư. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp và triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

Ban Quản lý các Khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục và triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận, Cụm công nghiệp Long Phước để kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư sớm triển khai dự án; rà soát thu hồi các dự án chậm/không triển khai.

Trong dịch vụ hỗ trợ DN, các sở, ngành nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ DN và khởi nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư. Tăng cường công tác hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ DN và khởi nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư. Tăng cường công tác hỗ trợ DN xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích