Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng (thứ 3, từ phải sang) tham quan sản phẩm dừa xuất khẩu của doanh nghiệp Bến Tre. Ảnh: Cẩm Trúc
* Phóng viên: Để có được thành quả này, năm qua, chính quyền tỉnh đã nỗ lực thực hiện những giải pháp nào, thưa ông?
- Ông Cao Văn Trọng: Kết quả Chỉ số PCI Bến Tre năm 2018 tiếp tục tăng 1 hạng, từ hạng 5 lên hạng 4, tiến dần lên top đầu cả nước. Đây là kết quả phấn đấu không chỉ ở sự điều hành của lãnh đạo tỉnh mà còn có sự đồng hành và cảm nhận rất hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Đặc biệt, sau khi được đánh giá lọt vào top 5 trong năm 2017, lãnh đạo tỉnh cùng với các sở, ban, ngành đã ngồi lại để nghiêm túc phân tích những nhược điểm, chỉ số thành phần còn thấp nhằm tìm cách khắc phục, với mục tiêu là nỗ lực giữ vững thứ hạng và tiếp tục cải thiện điều kiện hoạt động cho các DN. Trong đó, lãnh đạo tỉnh tập trung vào xây dựng trung tâm hành chính công và thúc đẩy phong trào Đồng khởi khởi nghiệp (KN) tạo bứt phá, đẩy mạnh việc vận động chuyển đổi các cơ sở sản xuất nhỏ lên DN. Nổi bật nhất trong năm qua là chính quyền tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia xuất khẩu hàng hóa, tìm kiếm, mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho phong trào KN tiếp tục lan tỏa và phát triển.
Qua tác động thúc đẩy chương trình Đồng khởi KN, tỉnh đã có những DN tham gia cuộc thi KN quốc gia và có sản phẩm KN đạt giải toàn quốc. Phong trào KN nở rộ, lan tỏa trong toàn tỉnh và khá nổi bật trong phong trào KN trong nước.
Trong khu vực, tỉnh cũng quan tâm tạo mối liên kết, xây dựng liên kết hành lang phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, nhằm thắt chặt chuỗi, trong đó có sản phẩm dừa; xây dựng những liên kết gắn với người nông dân thông qua phong trào đẩy mạnh phát triển hợp tác xã (HTX). Trong điều kiện giá dừa xuống thấp nhưng lãnh đạo tỉnh luôn luôn khuyến khích phát triển HTX để hình thành chuỗi DN với người sản xuất nguyên liệu. Song hành đó là tỉnh thúc đẩy sản xuất nguyên liệu, tìm ra mô hình mới, thúc đẩy hoạt động DN mạnh hơn, thúc đẩy DN Bến Tre gắn kết câu lạc bộ DN dẫn đầu, Hội DN và Câu lạc bộ Nữ doanh nhân trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả mô hình cà phê doanh nghiệp, họp mặt DN, đối thoại DN định kỳ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo sự gắn bó, cởi mở hơn, đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí không chính thức…
* Từ kết quả PCI 2018, ông có thể phân tích cụ thể hơn về môi trường đầu tư của tỉnh?
- Tổng điểm 10 chỉ số thành phần PCI cấp tỉnh, Bến Tre tăng từ 66,69 (năm 2017) lên 67,67 (năm 2018), cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh có sự chuyển biến rất tích cực.
PCI là chỉ số do cộng đồng DN đánh giá việc tiếp cận thuận lợi, về cơ hội đầu tư, thủ tục hành chính, giảm chi phí thuế, các loại thủ tục xuất nhập khẩu cũng như các khả năng tiếp cận đất đai… Kết quả này cho thấy DN rất hài lòng vì phần chi phí bỏ ra để thực hiện thủ tục đăng ký là minh bạch, thời gian từ đăng ký đến lúc hoạt động DN ngắn, công bằng, không có lợi ích nhóm, cục bộ, giảm chi phí không chính thức. DN hài lòng hơn về mức độ quản lý, điều hành của địa phương. Đây là cơ sở cho những DN, nhà đầu tư khác tiếp tục nhìn vào đây để tìm kiếm cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ tiếp cận xây dựng các tiêu chuẩn chứng nhận cho sản phẩm. Ảnh: C.Trúc
Tỉnh còn điểm hạn chế là tình hình tiếp cận đất đai, tuy nhiên chưa đến nỗi bức xúc. Tỉnh đang tập trung hết mình cho Khu công nghiệp Phú Thuận, Cụm công nghiệp Long Phước… để tiếp tục được khơi thông quỹ đất sạch thu hút DN. Trong tương lai, các lĩnh vực được tỉnh kêu gọi mạnh mẽ là đầu tư nhà máy sản xuất năng lượng sạch.
* Tỉnh có những giải pháp nào để tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tốt hơn nữa, thưa ông?
- Trước thứ hạng cao cũng tạo ra áp lực lớn cho tỉnh là cần phải giữ vững và nâng cao vị trí xếp hạng. Nếu chỉ cần để sơ xuất nhỏ trong vận hành bộ máy thì Chỉ số PCI Bến Tre sẽ tuột điểm. Vì thế, giải pháp thời gian tới, lãnh đạo tỉnh quyết tâm đưa trung tâm hành chính công vào hoạt động (dự kiến vào cuối tháng 5, đầu tháng 6-2019) để tạo một cửa thống nhất toàn tỉnh, giúp sự tiếp cận thủ tục dễ dàng hơn và xóa bỏ tình trạng một cửa của từng sở, ngành.
Thứ hai là thúc đẩy Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án khả thi của Khu công nghiệp Phú Thuận để xây dựng khu tái định cư, thi công hạ tầng, tạo quỹ đất cho DN tiếp cận đầu tư thuận lợi. Song song đó, duy trì và tạo mọi điều kiện cho các DN tiếp cận các cụm công nghiệp hiện hữu như Long Phước, Phong Nẫm, An Đức - thị trấn Ba Tri, Tân Thành Bình…
Với những dự án năng lượng đã được phê chuẩn, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện cho DN hoạt động giai đoạn đến năm 2020. Tỉnh cũng xúc tiến trình Bộ Công Thương, mở ra cơ hội quy hoạch mạng lưới điện cho giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt là sẽ cố gắng đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Nam cho phép nâng trạm 110kV lên 220kV và tạo điều kiện cho các DN tiếp cận những dự án dễ dàng hơn.
Lãnh đạo tỉnh luôn tạo mọi điều kiện và cố gắng khắc phục những chỉ số còn yếu kém, tiếp tục phấn đấu tạo sự hài lòng hơn đối với DN.
* Xin cảm ơn ông!
Bà Võ Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hiệp hội DN Bến Tre cho rằng: Về cơ bản, các cấp chính quyền, địa phương thể hiện được trách nhiệm và sự tận tâm đối với DN. Điều này rất tốt, tuy nhiên đâu đó, từng nơi từng lúc vẫn còn những hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu các DN, vì ngay cả bản thân tôi và các DN hiện nay vẫn còn gặp phải. Vấn đề mà lãnh đạo địa phương, các ngành cần quan tâm nhiều hơn là đội ngũ làm việc bên dưới, bộ phận tiếp xúc trực tiếp với DN cần giải quyết thủ tục cho DN khoa học hơn, thời gian nhanh hơn. |
Cẩm Trúc (thực hiện)