Nông dân có thể làm giàu từ chăn nuôi

01/06/2016 - 06:44

PGS.TS Võ Đỗ Anh Khoa

Đây là vấn đề được PGS.TS Võ Đỗ Anh Khoa - Trưởng bộ môn chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ đặt ra cho ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre trong điều kiện hạn mặn ngày càng trở nên gay gắt và biến đổi khí hậu khó lường hiện nay. 

Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Khởi đã có cuộc trao đổi bên lề hội thảo “Giải pháp chăn nuôi, thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng bền vững”, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào ngày 30-5-2016.

* Phóng viên: PGS.TS nhận định như thế nào về sản xuất lúa của Bến Tre trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay?

- PGS.TS Võ Đỗ Anh Khoa: Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn gây ra cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là tỉnh Bến Tre - địa phương nằm cuối nguồn nên đã và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước vấn đề này. Như vậy, liệu cây lúa Bến Tre có đứng vững trước các điều kiện này nữa không?

Giả sử các hệ thống đê bao được khép kín, lúa tại địa phương vẫn sản xuất như trước nay. So sánh chất lượng, số lượng, giá cả, tiềm năng của lúa Bến Tre so với các tỉnh lân cận thì rõ ràng giả thuyết này sẽ đi đến kết luận là nông dân Bến Tre khó có thể khá hơn nếu vẫn theo cây lúa. Mặt khác, theo kịch bản của chúng tôi, toàn bộ diện tích đất của tỉnh sẽ bị nhiễm mặn và Bến Tre thuộc hệ sinh thái cù lao, sông, biển, có tiềm năng thủy sản phong phú, chỉ có thể phát triển ngành chăn nuôi. Tôi cho rằng tỉnh nên sớm tái cơ cấu nông nghiệp lần thứ 2, bởi điều kiện ở khu vực này đã thay đổi theo hướng bất lợi quá nghiêm trọng từ hạn mặn.

Đàn heo của tỉnh đang trong giai đoạn phát triển rất nhanh. Ảnh: M.P

Tôi cũng không đánh giá cao việc 5 ngàn héc-ta lúa mùa tại Thạnh Phú có thể tạo nên thương hiệu mạnh. Bởi, quy mô quá nhỏ và sản phẩm theo thời vụ thì làm sao có thể cung ứng thường xuyên cho khách hàng, đó là chưa kể vùng đất Thạnh Phú vốn nhạy cảm với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thời gian qua, Bến Tre đã tiến hành một cuộc đầu tư khá bài bản để phát triển chăn nuôi rất tốt. Con bò, gà là những thế mạnh có thể làm nên thương hiệu cho Bến Tre, trong khi số lượng heo tại Bến Tre đứng nhất, nhì khu vực.

* Nhưng hiện nay, số lượng người nuôi đạt quy mô trang trại không nhiều, theo PGS bài toán đó cần được giải quyết ra sao?

- Tư duy “muốn làm tất cả” của người chăn nuôi, thậm chí doanh nghiệp hiện nay là không phù hợp vì sự dàn trải luôn gây phân tán sức mạnh đầu tư. Tôi cho rằng nên đầu tư cho hoàn chỉnh từng thành phần. Như đối với con gà, tỉnh nên đưa ra chiến lược để cải tạo hoàn thiện về giống, sau đó mới đến các giai đoạn khác, chứ còn dàn trải vào quá nhiều vấn đề, quá nhiều chủng loại như thời gian qua là không ăn thua. Tất cả cần thiết nên trong một chuỗi giá trị nhịp nhàng với nhau từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ.

Vấn đề trong chăn nuôi theo quy mô nhỏ và vừa không tạo sự kỳ vọng cho một nền chăn nuôi hiện đại. Trong bài toán chăn nuôi và thủy sản, vấn đề phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Để thực hiện điều đó cần điều chỉnh hợp lý lại vùng nuôi và có được những mô hình nuôi được hệ thống trong một quy trình nuôi khoa học nhất. Việc chọn con giống, quy hoạch lại vùng nuôi, quy mô nuôi, thị trường tiêu thụ thời hội nhập và thương hiệu là hướng phát triển bền vững. Nhà nước không cần thiết can thiệp quá sâu vào sản xuất, mà chỉ nên đầu tư chất xám để quản lý tốt, còn các vấn đề khác để doanh nghiệp làm và Nhà nước tạo điều kiện tốt cho họ.

Tôi cũng cần nói thêm là để đầu tư được những quy trình hiện đại như thế sẽ có rất nhiều người không thể làm được. Tôi không thể phủ nhận rằng khả năng phát triển chăn nuôi hiện nay không dành cho người nghèo nữa! 

* Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang gặp khó khăn hiện nay sẽ làm gì để sống trên mảnh đất của mình và bài toán an sinh xã hội sẽ giải quyết ra sao, thưa PGS?

- Tôi thấy Nhà nước đã thực hiện quá nhiều chính sách đối với người chăn nuôi nghèo rồi và qua bao nhiêu năm họ cứ loay hoay mãi trong khó khăn. Trong khi thực tế hiện nay, “chăn nuôi chỉ dành cho người giàu mà thôi”, vì người có tư duy làm giàu tốt, nếu được hỗ trợ 1 con giống thì họ làm ra nhiều sản phẩm, còn những người thiếu tư duy thì nhận 1 con thì họ lại hỏi tiếp 1 con. Nếu lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung của nước ta cứ loay hoay mãi với những “chiến tích thâm trầm” như thời gian qua thì không thể nào đứng vững trước một thị trường hội nhập. Đó là một vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Còn những người nghèo, những người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ được tham gia làm việc trong một mắt xích nào đó trong chuỗi giá trị chính trên mảnh đất của mình, giống như nông dân ở các nước có nền nông nghiệp hiện đại. Như thế, cuộc sống của họ sẽ không phải hứng chịu những lo toan và đầy rủi ro như thời gian qua nữa. Và Nhà nước cũng sẽ được nhẹ nhàng hơn để tập trung đầu tư vào lĩnh vực khác. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là Nhà nước nên quan tâm nhiều hơn đến các điều kiện để doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có thể phát triển được.

* Xin cảm ơn PGS!

Phương Bình (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN